Người Việt càng ăn, càng xài thì đất nước càng giàu

Thứ tư, 13/06/2012, 11:22
Việt Nam ta có hơn 80 triệu người tức hơn 80 triệu miệng ăn, nhu cầu tiêu dùng rất lớn. Giải pháp hữu hiệu để cứu nền kinh tế lúc này là khuyến khích người dân rút tiền tiết kiệm ra chi tiêu, đầu tư để quay vòng vốn.
Tôi còn nhớ bài phát biểu của GS. Morris Kotler năm 2008, khi ông phân tích rõ động lực tăng trưởng của một quốc gia phụ thuộc vào ba yếu tố: nguồn vốn đầu tư (Capital) + cải thiện năng suất lao động (Labor efficiency) + cải tiến công nghệ (Innovation).
 
Trong ba yếu tố này thì tăng trưởng của Việt Nam dựa vào hơn 90% yếu tố đầu tiên (vốn đầu tư), khi những năm 2006 - 2008 sự bùng nổ của chứng khoán và bất động sản kéo theo số vốn FDI lên đến 100% GDP của Việt Nam.
 
Điều đó dễ dàng giải thích vì sao khi nguồn vốn mới giảm mạnh, tăng trưởng của Việt Nam khó gượng dậy vì hai động lực tăng trưởng còn lại đều là những yếu tố mang tính dài hạn, không thể bỗng chốc cải thiện được ngay.
 
Bây giờ ta trở về với phương trình vĩ mô kinh điển và cơ bản: GDP = C + I + G + (Ex-Imp).
 
Trong đó:
GDP là tổng sản phẩm quốc nội
                 
C: tiêu dùng cá nhân
I: tổng đầu tư
G: chi tiêu Chính phủ
Ex: xuất khẩu
Imp: nhập khẩu

 
Chúng ta hãy cùng phân tích để tìm động lực phát triển kinh tế nước nhà.
 


Nghe có vẻ lạ, càng "ăn" càng "xài" càng giàu! Nhưng nó là quy luật phát triển tất yếu
của nền kinh tế.
Ảnh internet

 

1. Chữ I (tổng đầu tư)
 
Chữ "I" như đã nói ở trên nay "đuối" rồi, vốn ngoại giảm, tín dụng "thắt", ai cũng "kẹt" (hoặc bị "kẹp"). Tuy nhiên sự đáng lo là tỷ lệ hoàn vốn đầu tư ROI (Return On Investment), cái "roi" nó "đánh" chữ I.
 
Nếu như nguồn vốn ngoại trong 3 năm qua + tăng trưởng tín dụng chóng mặt (>30% những năm 2006-2010) thì với ROI "khả dĩ" 5% - 7%/năm thì chúng ta đâu đến nỗi chật vật với cái tỷ lệ tăng trưởng 4.5% của quý I.
 
Vậy tiền đi về đâu? Đầu tư vào cái gì? Hầu hết đầu tư vào bất động sản và hạ tầng, những thứ một khi đã "tắc" là "chết".

 
2. Chữ G (chi tiêu Chính phủ)
 
Nhìn vào chữ G càng đáng lo hơn. "Bẫy" GDP là ở đây. Khi Chính phủ bỏ tiền ra xây một con đường thì số tiền X được ghi nhận vào GDP. Vài tháng sau đường ngập phải đôn lên vài chục cm, ghi nhận X+ vào GDP.
 
Nửa năm sau sụt lún, nứt, ổ voi, hố từ thần, sửa, lại cộng X++ vào GDP. Một năm sau ông ống nước, ông nhà đèn, bứng toàn bộ lên cho thêm mấy cái ống vào, phải làm lại toàn bộ mặt đường, lại X++++ thêm vào GDP...Cứ như thế một đoạn đường giá trị đã tăng lên gấp n lần và "đóng góp tích cực" vào GDP nước nhà.
 
Rồi một dự án khác ngốn đến tiền tỷ USD trong chục năm qua tại thành phố là dự án đào đường lắp cống...

Tuy nhiên cái khả năng hủy hoại tiểu thủ thương nghiệp địa phương thì vô song, từ các cửa hàng mặt tiền tại các quận sầm uất nhất sa sút, rồi đóng cửa, đổi chủ đến giao thông tắc nghẽn... cái chi phí này ko biết "hạch toán" vào đâu? Thực tế về phía cạnh "đầu tư" thì chi phí cơ hội này là chi phí trực tiếp của dự án, nếu tính thế thì sẽ dễ hiểu cái ROI của chữ I nhà ta.

 
Một đề án "cải cách chương trình giáo dục" ngốn hết 1 tỷ USD để rồi sách giáo khoa càng ngày càng "to", càng "dày", con cái nhà ta càng khổ, mà đã "khổ" thì làm sao mà "khôn"?
 
Ấy thế nên nhiều phụ huynh phải giẫm đạp nhau cho con vào trường quốc tế, trường tư, thực nghiệm... chả biết thế nào nhưng ít ra "đỡ khổ".

 
3. Chữ "Ex" chữ "Imp" (xuất nhập khẩu)
 
Cái này thì khỏi bàn vì ai cũng biết cán cân thương mại chúng ta "lệch" cỡ nào. Gần đây thâm hụt "giảm", chẳng qua vì hết tiền mua ôtô - ipad - vàng nên nhập siêu giảm thôi. Chứ cái Ex thì tăng trưởng chậm lại thấy rõ mà!

 
4. Chữ C (tiêu dùng cá nhân) - niềm hy vọng lớn
 
Chữ C có lẽ là hy vọng cuối lớn lao. Hơn 80 triệu người, 80 triệu cái miệng ăn, tuyệt vời hơn (so với cả các nước phương Tây) là 80 triệu miệng ăn này há ra chưa "mắc quai (nợ)" nhiều.
 
Tỷ lệ nợ trên mỗi cá nhân Việt Nam thấp thế nào ai cũng biết, tỷ lệ tiết kiệm (saving), đặc biệt bằng "đô" - bằng "vàng" là 1 khối tài sản khổng lồ không ai biết rõ bao nhiêu, chỉ biết là nhiều, nhiều lắm!
 
Có lẽ hy vọng bây giờ là khiến 80 triệu người dân Việt Nam móc túi ra tiêu, rồi lại làm, rồi lại tiêu, cứ thế là giàu thôi. Nghe có vẻ lạ, càng "ăn" càng "xài" càng giàu! Nhưng nó là quy luật phát triển tất yếu của nền kinh tế.
 
 
 
Theo VnExpress

Các tin cũ hơn