TGĐ Trương Phú Chiến và mục tiêu số 1 cho Bibica

Thứ tư, 13/06/2012, 14:24
Thành công của Công ty cổ phần bánh kẹo Biên Hòa (Bibica) thực chất là đến từ ban điều hành của Công ty hơn là từ việc hợp tác với đối tác nước ngoài, ông Trương Phú Chiến, Tổng Giám đốc Bibica, cho biết.

>> “Nỗi lòng” Bibica và Lotte
>> Lotte có "thôn tính" được Bibica?
>> Muốn giữ Bibica, cổ đông tâm huyết phải ôm ít nhất 25% cổ phần
>> Lotte chưa thể xóa sổ thương hiệu Bibica, vì sao?


Xuất phát điểm của Bibica là từ 3 phân xưởng bánh, kẹo và mạch nha của Công ty Đuờng Biên Hòa, với vốn điều lệ 25 tỉ đồng và khoảng 250 lao động. Nhưng kể từ khi được cổ phần hóa vào năm 1999 và niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, Bibica đã tăng trưởng khả quan. Năm 2008, doanh thu của Bibica chỉ là 579 tỉ đồng. Đến năm 2011, con số này đã tăng gần gấp đôi, đạt 1.020 tỉ đồng.
 
Năm 2008, Lotte, tập đoàn đa ngành nằm trong top 10 doanh nghiệp lớn nhất Hàn Quốc, đã mua hơn 30% cổ phần của Bibica. Nhiều nhà đầu tư cho rằng, tăng trưởng của Bibica là nhờ có Lotte tham gia vào. NCĐT đã trao đổi với ông Chiến xung quanh vấn đề này.

 
Ông Trương Phú Chiến, Tổng Giám đốc Bibica.

Thưa ông, có phải từ khi có sự tham gia của Lotte, doanh thu, lợi nhuận và thương hiệu của Bibica đã tăng lên?
 
Năm 2008 cũng là thời điểm tôi tham gia điều hành Bibica. Sự phát triển của Công ty chính là nhờ định vị được sản phẩm từ đó có chiến lược phát triển hệ thống bán hàng thích hợp.
 
Sản phẩm của Bibica là sản phẩm thứ yếu, lòng trung thành khách hàng dành cho chúng là không có. Do vậy, để tăng trưởng nhanh, phải thiết lập được hệ thống bán hàng mạnh. Điều này là bắt buộc. Thực tế trên thị trường cho thấy một số sản phẩm có lực lượng bán hàng yếu đã nhanh chóng bị các đối thủ chiếm hết thị trường. Bữa nay khách hàng này có thể ăn kẹo này, ngày mai ăn kẹo khác, nhưng nếu chúng ta có nhân viên bán hàng túc trực ở các cửa hàng thì họ chỉ bán sản phẩm của mình.
 
Độ phủ ban đầu của Bibica chỉ là 30.000 cửa hàng, đến nay là khoảng 75.000 và mục tiêu đến cuối năm nay là 90.000 điểm bán.
 
Hiện nay Bibica đang thực hiện chính sách, 2 thay đổi và 1 không. Đó là tăng số cửa hàng và điểm bán trong 1 ngày của nhân viên nhưng lương lại không thay đổi. Chính sách này đã giúp Bibica tăng lên điểm bán rất nhanh.
 
Nói như vậy, sau hơn 4 năm hợp tác với Lotte, Bibica không được gì?
 
Điều được nhất là dây chuyền sản xuất Lotte Pie. Đây là nhà máy sản xuất hiện đại được đối tác chuyển giao công nghệ. Bên cạnh dự án Lotte Pie miền Đông đã đi vào hoạt động, Bibica và Lotte đang triển khai dự án tại Hưng Yên với định hướng sản xuất 5 nhóm sản phẩm phát triển trong 3 giai đoạn. Nhưng rút bài học từ dự án Lotte Pie, các cổ đông phía Việt Nam đặt vấn đề cần làm rõ định hướng ngay từ đầu.
 
Còn trong quản lý thì thế nào, thưa ông?
 
Thực chất, điều hành trực tiếp thì vẫn do tôi. Phần lớn chiến lược vẫn do tôi đưa ra và bảo vệ trước Hội đồng Quản trị.
 
Về quản lý, hiện nay Bibica hầu như chỉ sử dụng các công nghệ, phương pháp quản lý hiện đại. Ví dụ ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động kinh doanh, sản xuất. Cách đây 3 năm, Bibica đã thiết lập văn phòng điện tử, Công ty không sử dụng giấy. Phần mềm quản lý doanh nghiệp và công nghệ kiểm soát - bán hàng trên hệ thống đã được xây dựng xong. Chúng tôi cũng đang xây dựng mô hình sản xuất tinh gọn và quản lý nhân sự bằng phần mềm.
 
Sản phẩm của Bibica có được xuất khẩu không?
 
Hiện nay, một số sản phẩm mang thương hiệu của Bibica xuất khẩu thông qua Lotte vẫn chưa được phát triển tương xứng so với những gì đã nêu trong văn bản hợp tác ban đầu. Xuất khẩu của Bibica thực chất đến từ năng lực của Công ty. Mỗi năm chúng tôi xuất khẩu sản phẩm trị giá khoảng 3 triệu USD đến một số thị trường.
 
Ông từng nói khủng hoảng là cơ hội. Cơ hội này thể hiện như thế nào ở Bibica?
 
Năm 2008 là thời điểm khủng hoảng kinh tế nhưng Bibica vẫn quyết định mở rộng kinh doanh bằng cách đầu tư mới, điển hình như dự án Chocopie ở miền Đông. Bibica đã giảm được kha khá chi phí do máy móc thiết bị tới vật liệu xây dựng đều được mua với giá rẻ.
 
Đến cuối năm 2009, khi nhiều đối thủ mới bắt đầu phục hồi sản xuất thì năng lực sản xuất của Bibica đã vượt lên khá xa. Nhờ đó, thị phần của Công ty tăng từ 8% trước năm 2008 lên xấp xỉ 10% sau năm 2009. Hiện nay, con số này theo thống kê của chúng tôi là khoảng 18%, bằng một nửa của Kinh Đô.
 
Thách thức lớn nhất trong điều hành Bibica là gì?
 
Đó chính là quản lý con người. Đối với các công ty ngành hàng tiêu dùng, đội ngũ kỹ sư, cử nhân và cán bộ quản lý là những người tạo ra giá trị cho doanh nghiệp, trực tiếp đảm bảo chất lượng sản phẩm. Việc xây dựng chính sách lao động của Bibica những năm đầu gặp khó khăn do chính sách tiền lương của ngành không thể cạnh tranh với các ngành công nghệ cao hay bất động sản, tài chính.
 
Tốc độ tăng trưởng của Bibica so với tốc độ của ngành bánh kẹo như thế nào?
 
Tốc độ tăng trưởng thị trường bánh kẹo là khoảng 25%. Hiện nay tốc độ của Bibica vào khoảng 27-30%, hơi chậm. Kế hoạch cũ của Bibica là năm 2012 và 2013 sẽ tăng 50%. Tuy nhiên sau sự cố cháy nhà máy miền Đông, Bibica đã điều chỉnh lại kế hoạch tăng trưởng. Năm nay kế hoạch của Bibica là tăng 35%.
 
Bibica thực hiện mục tiêu đến năm 2015 trở thành công ty dẫn đầu như thế nào?
 
Đó là tăng quy mô, tăng điểm bán hàng và độ phủ. Một khi nhà máy ở Hưng Yên đi vào hoạt động, sản lượng của Bibica có thể tăng gấp đôi. Ngoài ra, nếu Bibica đạt khoảng 150.000 điểm bán hàng, mục tiêu đứng đầu thị trường có thể thành hiện thực. Năm ngoái Bibica đã bị vuột mất một hợp đồng gia công sản phẩm. Tuy nhiên, sắp tới Bibica có thể sẽ tăng thêm mảng này để có thêm doanh thu.
 
Hằng năm, tôi đi họp ở trụ sở Lotte tại Hàn Quốc. Tại đây họ định hướng cho Bibica khá xa: đến năm 2018 sẽ phát triển thành một tập đoàn thực phẩm. Tại Hàn Quốc, một công ty họ nắm trên 30% vốn được xem là công ty con.
 

Theo NCĐT

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích