Vàng SJC móp méo sẽ chỉ để… ngắm?

Thứ tư, 13/06/2012, 16:55
Giờ nếu cầm vàng miếng thương hiệu SJC mà bị méo, cong vênh thì chỉ được thu mua với giá vàng nguyên liệu chứ không phải vàng miếng.

>> Sẽ sớm có phương án xử lý vàng miếng SJC móp méo 
>> SJC đã mua lại khoảng 1.000 lượng vàng móp méo


Đã nhiều ngày trôi qua từ khi có thông tin công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) gửi công văn lên NHNN xin được dập lại những miếng vàng bị móp méo đúng với số sê ri của miếng vàng và chịu trách nhiệm với việc làm này. Tuy nhiên vẫn chưa có phản hồi.

Người dân vẫn tiếp tục chịu thiệt thòi khi bị từ chối thu mua hoặc mua với “giá bèo” vàng miếng SJC bị méo, cong vênh.

Giờ nếu cầm vàng miếng thương hiệu SJC mà bị méo, cong vênh thì chỉ được thu mua với giá vàng nguyên liệu chứ không phải vàng miếng. Bởi kể từ khi Nghị định kinh doanh vàng có hiệu lực từ 25-5, hoạt động sản xuất vàng miếng của SJC do NHNN quản lý nên SJC không được phép sản xuất vàng miếng, vì thế không dám thu mua vàng cong méo.

Mang vàng miếng SJC ra chính cửa hàng của SJC còn bị chê, không mua huống hồ các cửa hàng khác thì việc người dân bị ép giá là điều đương nhiên.
 


Số phận vàng miếng SJC bị cong vênh sẽ ra sao?
 

Giá thu mua của SJC là 42 triệu đồng/lượng thì các cửa hàng thu mua vàng móp méo chỉ trả giá cao nhất khoảng 40 triệu đồng/lượng, thậm chí có nơi chỉ trả 38 triệu đồng/lượng với lí do: "SJC không nhận gia công các loại vàng miếng SJC bị móp méo nữa nên vô hình chung những miếng vàng này được xem như là nguyên liệu chứ không còn là vàng miếng. Vàng nguyên liệu thì giá trên thị trường thấp hơn vàng miếng".

Nếu chấp nhận bán, người dân đành phải mất từ 2-4 triệu đồng/lượng vì “cái tội” để vàng hơi móp.

Đến 5-6, sau nhiều ngày ngưng mua vàng móp méo, SJC đã tạm thời mua vào loại vàng miếng này với giá mua thấp hơn mức giá niêm yết 50.000 đồng/lượng nhưng giới hạn số lượng mỗi lần giao dịch.

Được biết, hiện SJC đã mua khoảng 1.000 lượng vàng móp méo trong khi chờ trả lời từ NHNN về việc cho phép dập lại số vàng này. Tuy nhiên, do số vốn có hạn nên trong trường hợp lượng vàng miếng móp méo trên thị trường quá nhiều mà NHNN chưa có trả lời, Cty sẽ hạn chế hoặc ngưng mua.

Việc trong quá trình bảo quản và lưu thông vàng bị móp méo là chuyện bình thường nhưng SJC không thể nhận lại sản phẩm do chính mình làm ra, gây thiệt hại cho khách hàng cũng là điều vô lí. Vấn đề ở đây vẫn là chuyện độc quyền. Nếu vẫn giữ "độc quyền" như vậy, cuối cùng chỉ có người dân là chịu thiệt.

Trước đây, SJC vẫn nhận gia công vàng miếng với giá 50.000 đồng/miếng. nhưng giờ vì do nghị định mới nên Cty không "thể" đứng ra chịu trách nhiệm với sản phẩm do mình làm ra. Tính đến nay sau 24 năm có mặt trên thị trường, SJC đã đưa ra thị trường hơn 20 triệu lượng vàng (tương đương 800 tấn vàng).

Trong quá trình vận chuyển, nhiều miếng vàng không thể tránh khỏi bị móp méo về hình dáng bên ngoài. Tại khoản 3.b, Điều 16, Nghị định 24 Quản lý thị trường vàng, trách nhiệm của NHNN là: "Tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng thông qua việc quyết định hạn mức, thời điểm sản xuất và phương thức thực hiện sản xuất vàng miếng phù hợp trong từng thời kỳ".

Cùng với đó, ngay tại thời điểm hiện nay khi NHNN chưa có vàng miếng riêng của mình, SJC thì đang chiếm khoảng 95% thị trường vàng, NHNN cần phải có biện pháp linh hoạt giải quyết nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân.

Ngoài ra, cần sớm thúc đẩy các biện pháp kéo giá vàng trong nước sát thị trường thế giới, ban hành quy định chuyển đổi vàng phi SJC sang vàng SJC để người dân không bị thiệt.

Hiện nay vẫn còn một lượng lớn vàng đang được găm giữ ở dân cư, ước tính là 5.000 tấn, cộng thêm việc chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới, nhiều chuyên gia tài chính dự báo các doanh nghiệp kinh doanh vàng có thể sẽ "lách luật", cung cấp ra thị trường các sản phẩm trang sức biến tướng: nhẫn, lắc, vòng khối lượng lớn.

Bên cạnh đó, việc mua bán vàng miếng chỉ tập trung tại một số tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được cấp phép có thể sẽ dẫn đến nguy cơ phát sinh thị trường “chợ đen” tại những vùng sâu, vùng xa.

Xin kết bài bằng nhận định của TS Lê Đăng Doanh, thị trường vàng trong nước hiện bị kiểm soát hành chính nhiều. Hành chính hóa một cách quá đáng sẽ khiến thị trường vàng bị méo mó. Theo đó, thị trường tiền tệ cũng méo mó. Ngoài ra, cơ quan nhà nước sẽ gặp bất lợi khi không huy động được nguồn vàng trong dân.

Ngược lại với việc hạn chế mua lại vàng cong méo của SJC, hệ thống Cty vàng bạc đá quý DOJI có chủ trương mua lại vàng không đủ tiêu chuẩn với giá bằng giá niêm yết, cùng với đó là một khoản tiền dự phòng cho phí gia công sau này, tuy nhiên mức phí này không được tiết lộ cụ thể.

Tổng giám đốc DOJI - ông Nguyễn Minh Phú cho biết, mức phí này cao hơn phí gia công trước đây một chút và rẻ hơn so với cách các cửa hàng đang mua của khách với giá vàng nguyên liệu. Mặc dù vậy, đến bao giờ SJC được phép thu mua lại vàng SJC bị cong méo thì vẫn chưa có câu trả lời chính thức từ phía NHNN. 
 
Theo PL&XL

Các tin cũ hơn