Đề xuất mua nợ xấu: Phiên bản “lời tôi hưởng, lỗ dân chịu”

Thứ tư, 13/06/2012, 11:32
Một trong những trọng tâm chính trong đề xuất của TS Nguyễn Đại Lai, theo cách hiểu của tôi, là “cứu ngân hàng” bằng giá ưu ái nhất có thể và người đóng thuế cam chịu nhiều nhất có thể (chứ không phải là mua nợ theo giá thị trường theo nguyên tắc hàng xấu - giá rẻ – PV).
Đề xuất quá ưu ái
 
TS Nguyễn Đại Lai đề nghị Chính phủ nên thực hiện chính sách mua nợ đơn giản. Theo đó, tất cả ngân hàng (chủ nợ) được nhận lại 100% các khoản nợ đã cho vay và 50% khoản nợ lãi gồm lãi trễ và lãi phạt gộp lại, và nếu với lý do nào đó ngân hàng không đồng ý nhận 50% nợ lãi thì từ từ Chính phủ sẽ trả đủ… 100%.

Nhà nước sẽ trở thành chủ nợ mới? 

Trong tất cả các thương vụ mua bán nợ xấu mà tôi đã trực tiếp và gián tiếp tham gia trong thị trường nợ thứ cấp quốc tế, và đặc biệt với những khoản nợ xấu của Việt Nam từ cuối năm 1993 đến nay, chưa có một thương vụ nào được giao dịch (chủ nợ bán hoặc người đầu tư mua hoặc con nợ mua) với mức ưu ái hoàn hảo 100% nợ gốc và cũng chưa có mức cứng hấp dẫn hiển nhiên 50% nợ lãi gộp.

Vì vậy, nếu là chủ nợ hiện nay, tôi rất hoan hỉ đồng ý 100% với chính sách vô cùng tiện và lợi này. Nhưng, tôi lại là công dân đang đóng thuế.
 
Cách làm… mầu nhiệm
 
TS Nguyễn Đại Lai đề xuất một quy trình thực hiện cũng rất mầu nhiệm vì đơn giản và dễ thực hiện! Theo quy trình này thì chủ nợ cũ (ngân hàng) hoàn toàn thụ động như không có việc gì xảy ra. Chủ nợ mới (Chính phủ – Nhà nước) cũng gần như thụ động nhưng vẫn là ở vị trí xin và cho.

Con nợ (tất cả doanh nghiệp đang có nợ xấu và nợ gần xấu) náo động ngược xuôi mười phương tám hướng để xin, chờ được cho “phiếu” mua nợ để xoá nợ. Một quy trình mà chủ nợ mới (rốt lại là đại diện cho người đóng thuế) không trực tiếp đàm phán với chủ nợ cũ mà chỉ biết qua các con nợ thì đúng là một quy trình mầu nhiệm của... đức tin!
 
“Tính toán gần đúng” với sai số 200 – 300%
 
TS Nguyễn Đại Lai đưa ra một mô thức nguồn và hoàn vốn mà ông gọi là “tính toán gần đúng” với những con số tổng nợ, nợ xấu, con nợ doanh nghiệp, mức lãi suất, số ngày quá hạn, nhóm nợ giáp ranh, nguồn mua, thời hạn ôm giữ nợ xấu và thu hồi vốn, nguồn thu ngân sách…

Theo “tính toán gần đúng” này thì hệ số nợ xấu của khối doanh nghiệp là 3,4%, vì vậy chỉ cần 50.122,8 tỉ đồng từ việc các ngân hàng thương mại (kể cả các ngân hàng với những khoản nợ xấu lớn…) đang dư tiền mua trái phiếu chính phủ làm nguồn để “mua nợ cứu doanh nghiệp” và “sẽ thu hồi vốn quá đơn giản sau bình quân 2,5 năm”.
 
Chiều ngày 7.6.2012, chỉ ba ngày sau khi TS Lai đưa ra đề xuất này, thống đốc Nguyễn Văn Bình đã nói trước Quốc hội: “Nợ xấu của hệ thống, theo đánh giá của ngân hàng Nhà nước, tính chung trong toàn hệ thống tăng từ mức 6% toàn hệ thống đến mức 10% toàn hệ thống”.

Trung tâm Thông tin tín dụng là đơn vị trực thuộc ngân hàng Nhà nước, nơi bám sát thống kê nợ và nợ xấu của hệ thống ngân hàng, thế mà mô thức “tính toán gần đúng” của TS Lai – người lãnh đạo trung tâm này – lại có sai số gần 200% so với hệ số nợ xấu “trước đây” mà thống đốc Bình đã công bố và gần 300% so với con số mới vừa được ông này thừa nhận. Đặt mức sai số về nợ xấu này bên cạnh dự tính sẽ thu hồi vốn “sau bình quân 2,5 năm”, sẽ hình dung được mức sai số của dự tính này.
 
Và cũng theo đề án của TS Nguyễn Đại Lai, kho bạc nhà nước sẽ tạm thời đóng vai một ngân hàng thương mại cho các doanh nghiệp (con nợ xấu) vay và sau hai năm rưỡi hoặc ba năm lại đóng vai trò ngân hàng thương mại đi đòi nợ từ các doanh nghiệp (con nợ tốt?). Như vậy, từng sở kế hoạch và đầu tư hoặc từng kho bạc nhà nước phải bảo đảm sau thời gian ấy sẽ “thu hồi vốn quá đơn giản”?

Dân nộp thuế là những người chịu thiệt từ đề xuất của TS Lai. 

Trong đề xuất của mình, TS Nguyễn Đại Lai khẳng định “Chính phủ không những không mất gì mà còn thu được lãi hơn 1.000 tỉ đồng sau 2,5 năm…” nhưng theo tôi, phương án “100%” và “50%” là phiên bản “lời thì tôi (ngân hàng thương mại hoặc những nhóm doanh nghiệp) hưởng, lỗ thì dân (người đóng thuế) chịu.

Trên thực tế, có một chính bản khác tốt hơn, thu ngân sách nhiều hơn, được lòng dân hơn và đàng hoàng hơn nhiều lần: ai làm nấy chịu, mua bán nợ là nghiệp vụ bình thường nhưng cần mua – bán nó theo chính giá thị trường!

Đề xuất giá và cách thức mua nợ xấu của TS Nguyễn Đại Lai
 
Chính phủ công bố (bằng văn bản) sẽ mua toàn bộ nợ xấu của các doanh nghiệp (không phân biệt thành phần, quy mô, lĩnh vực) đang có nợ xấu từ nhóm 3 trở lên, nhưng có khả năng phát triển sản xuất kinh doanh.
 
Các chủ nợ cũ là các tổ chức tín dụng thống nhất đồng ý chỉ thu 100% nợ gốc và 50% lãi theo hợp đồng tính trên số ngày chậm trả của hồ sơ nợ xấu đó (tổ chức tín dụng nào không đồng ý giảm 50% số lãi trên số ngày chậm trả thì Chính phủ sẽ có ý kiến xem xét và trả sau cho tổ chức tín dụng đó).
 
Tất cả các doanh nghiệp có nợ quá hạn từ nhóm 3 trở lên mang hồ sơ đến cơ quan đã cấp phép hoạt động cho mình, để chứng minh bằng văn bản rằng nếu Chính phủ mua nợ xấu cho doanh nghiệp thì doanh nghiệp sẽ phát triển được.
 
Nếu được cơ quan này chấp thuận bằng bút tích và ký tên, đóng dấu trực tiếp vào hồ sơ vay nợ đó, doanh nghiệp sẽ mang bộ hồ sơ có chấp thuận này đến kho bạc gần nhất nộp vào và ký vào phiếu “mua nợ” của tổ chức tín dụng của Chính phủ với mệnh giá: doanh nghiệp nợ chính phủ = gốc + 50% [gốc x (số ngày quá hạn/360) x lãi suất theo năm ghi trong hợp đồng].
 
Toàn bộ mệnh giá này sẽ được kho bạc chuyển tiền thẳng cho tổ chức tín dụng là chủ nợ cũ và doanh nghiệp đương nhiên được xoá toàn bộ khoản nợ xấu này tại tổ chức tín dụng ngay sau khi tổ chức tín dụng nhận được tiền từ kho bạc.
 
Theo tính toán gần đúng, tổng dư nợ nền kinh tế đến hết tháng 5.2012 khoảng gần 2,7 triệu tỉ đồng. Trong đó: khối doanh nghiệp các loại chiếm 80% tổng dư nợ. Trong khối doanh nghiệp này có khoảng 65% doanh nghiệp có khả năng phát triển sản xuất kinh doanh nếu được tiếp cận vốn ngân hàng bình thường với lãi suất phải chăng.

Nếu 65% số doanh nghiệp này có dư nợ chiếm cũng khoảng 65% tổng dư nợ toàn khối doanh nghiệp và có mức nợ xấu bình quân khoảng 3,4% tổng dư nợ của nhóm này, thì tổng nguồn dự báo mà Chính phủ cần huy động cho việc mua nợ xấu theo kịch bản nói trên sẽ là: 2,7 triệu tỉ x 80% x 65% x 3,4% = 47.736 tỉ đồng nợ gốc đã thành nợ xấu.
 
Giả sử toàn bộ số nợ xấu này đang có mức lãi suất ghi trong hồ sơ là 20%/năm (do vay trước đây lãi suất rất cao) và số ngày quá hạn bình quân ở mức nợ giáp ranh nhóm 4, tức là đã quá hạn bình quân khoảng 180 ngày.

Theo đó, dự toán tổng món lãi theo khoản gốc đã quá hạn mà Chính phủ cần trả thay doanh nghiệp theo chính sách nói trên là: 47.736 tỉ x 50% x [180/360 ngày x 20%/năm] = 2.386,8 tỉ đồng.
 
Như vậy tổng số tiền mà Chính phủ cần có lúc này để mua toàn bộ nợ xấu của những doanh nghiệp có nợ xấu từ nhóm 3 trở lên nhưng có khả năng phát triển, là: 47.736 + 2.386,8 = 50.122,8 tỉ đồng.


Theo VnEconomy

Các tin cũ hơn