Ngư dân miền Trung thắng lớn bất chấp lệnh cấm đánh bắt của Trung Quốc
Thứ tư, 13/06/2012, 08:07
Bất chấp việc Trung Quốc ban bố lệnh cấm đánh bắt hải sản và sự gia tăng quấy phá của các tàu hải giám trên Biển Đông, ngư dân Việt Nam vẫn rẽ sóng ra khơi. Nhiều tổ, đội ngư dân vừa trở về sau chuyến biển đầu tiên của vụ cá Nam cập với những khoang tàu chất đầy tôm, cá.
“Tàu thuyền ngư dân giờ đây đi biển kiểu “buôn có bạn” với phương thức thành lập tổ đội tương hỗ, hoạt động khai thác trên biển ngày càng chủ động và hiệu quả. Mô hình liên kết này giúp việc đánh bắt của ngư dân an toàn hơn", ông Hồ Phó, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Đà Nẵng nói.
Trúng lớn
Cuối tuần qua, 3 đội tàu với hơn 100 chiếc của huyện Núi Thành (Quảng Nam) đã về đất liền an toàn. Trong vụ cá Nam năm 2012, hầu hết tàu thuyền của huyện đều cải hoán, đóng mới với công suất lớn, có chiếc câu mực khơi, lưới vây công suất 650 mã lực và trang bị đầy các phương tiện hiện đại như máy định vị, bộ đàm tầm trung, tầm xa, máy thăm dò cá.
Do đó, trong chuyến ra khơi vừa qua, ngư dân H. Núi Thành đã khai thác được hơn hơn 7.000 tấn hải sản các loại. Ngư dân Nguyễn Văn Thành (huyện Núi Thành) phấn khởi: “Nhiều tàu câu mực khơi ở xã Tam Giang đánh bắt hơn 25 tấn mực trong chuyến đi biển vừa qua. Trừ đi tất cả chi phía, mỗi thuyền viên được hơn 50 triệu đồng”.
Bất chấp lệnh cấm đánh bắt hải sản vô lý của Trung Quốc, ngư dân Việt Nam ra khơi đánh bắt và trúng lớn mùa cá Nam. Ảnh: Đoàn Nguyên.
Vào những mùa đánh bắt thuận lợi, chỉ tính riêng Đà Nẵng đã có tới gần 1.800 chiếc tàu công suất lớn thay phiên nhau ra khơi, đánh bắt trên biển Đông. Vừa bước chân lên bờ sau gần một tháng ra khơi, ngư dân Nguyễn Văn Mùi (P. Mân Thái, Q. Sơn Trà) cho biết: “Chuyến đi này, tàu tui được chừng 30 tấn cá, tôm các loại. Với giá như hiện nay, mỗi người chúng tôi sẽ có khoảng gần 60 triệu đồng”.
Thuyền trưởng tàu cá ĐNa- 90449, phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, Đà Nẵng - Hồ Ngọc Thạnh đã cập bến hai ngày nhưng vẫn chưa có giờ nghỉ tay. Sau khi bán cá, chia tiền cho bạn tàu, anh lại quay sang tu bổ con tàu, làm máy... để chuẩn bị cho chuyến ra khơi kế tiếp.
Kết thúc chuyến ra khơi gần 20 ngày, tàu anh đánh bắt được hơn 19 tấn cá (tương đương 500 triệu đồng), sau khi trừ chi phí, mỗi bạn tàu được chia 14 triệu đồng.
Vững tin làm chủ trên biển
Gắn bó với ngư dân lâu năm, ông Võ Văn Thuận, Trưởng phòng Kinh tế Q. Sơn Trà, cho hay, dù đang là thời điểm Trung Quốc áp dụng lệnh cấm đánh bắt vô lý nhưng 77 phương tiện đánh bắt xa bờ hình thành 22 tổ đội ngư dân trên địa bàn vẫn căng cờ hướng biển Hoàng Sa - Trường Sa để đánh bắt.
Nhiều ngư dân cũng cho biết, để có được chuyến tàu đầy ắp cá tôm, họ cũng gặp rất nhiều khó khăn vì sự quấy nhiễu của tàu Trung Quốc, nhưng không ai chùn chân. Ngư dân Hoàng Thanh Thái (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) nhớ lại: “Mới đây, khi đang thả neo buông lưới ở ngư trường Hoàng Sa, tàu tui đụng với tàu cá Trung Quốc. Mới đầu, vì tàu có công suất nhỏ hơn nên tui lép vế. Không nao núng, tui bật Icom M710 liên lạc với các bạn tàu trong tổ đội đánh bắt đến phối hợp xua đuổi. Thấy người mình đông, lại đang đứng trên biển của mình nên tàu Trung Quốc bỏ chạy một mạch”.
Vừa trở về chưa được bao lâu, nhớ biển nên thuyền trưởng Lê Văn Chiến (Thanh Khê, Đà Nẵng) lại tập hợp anh em để thẳng tiến Hoàng Sa. Với các bạn tàu, anh Chiến nổi tiếng là một trong những người giáp mặt với tàu cá Trung Quốc nhiều nhất, và như thành kỹ năng, chưa bao giờ anh chịu lép vế.
“Tôi là kiếm sống, làm giàu trên biển quê hương và quan trọng hơn nữa là cùng anh em vừa khai thác vừa canh giữ biên cương Tổ quốc. Đó là máu thịt của cha ông ta”, anh Chiến nói.