Khai thác hiệu quả cảng Cái Mép: Bằng cách nào?

Thứ tư, 13/06/2012, 17:17
Các nhà đầu tư cảng Việt Nam thường cũng là nhà khai thác cảng, song bản thân họ lại không đủ tiềm lực kinh tế để đầu tư.
Tại Diễn đàn “Thương hiệu biển Việt Nam lần thứ IV” được tổ chức tại TP.Vũng Tàu ngày 7-6 vừa qua, ông Ngô Minh Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty Tân Cảng Sài Gòn đã có tham luận đề xuất nhiều ý kiến thiết thực để khai thác có hiệu quả hệ thống cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải. Dưới đây là một số ý kiến của ông Ngô Minh Tuấn phát biểu tại diễn đàn như sau:
 
Cảng Cái Mép được đưa vào khai thác đúng vào thời điểm suy giảm kinh tế toàn cầu nên gặp rất nhiều khó khăn về nguồn hàng. Bên cạnh đó, còn có những khó khăn khác: hệ thống giao thông chưa đồng bộ; mất cân đối giữa năng lực - công suất các cảng với sản lượng hàng hóa thông qua, giữa cung và cầu; công tác quản lý về giá dịch vụ giữa các cảng còn nhiều bất cập... Những khó khăn đó dẫn đến tình trạng cạnh tranh khốc liệt, thua lỗ hàng loạt của các cảng trong hệ thống Thị Vải - Cái Mép hiện nay
.

Cái Mép - Thị Vải là hệ thống cảng hiện đại, các trang thiết bị và công nghệ cần được đầu tư đồng bộ và tiên tiến.


Tiếp thêm năng lực cho các nhà đầu tư cảng
 
Các nhà đầu tư cảng Việt Nam thường cũng là nhà khai thác cảng, song bản thân họ lại không đủ tiềm lực kinh tế để đầu tư. Giải pháp của họ là góp quyền sở hữu đất xây cảng để làm vốn đầu tư trong liên doanh với các nhà khai thác cảng, hoặc hãng tàu hàng đầu thế giới nhằm tận dụng nguồn vốn, kinh nghiệm quản lý và nguồn hàng của đối tác.
 
Song, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và đầu tư phát triển tràn làn, cung đã vượt cầu, các nhà khai thác cảng phải chịu thiệt hại và thực trạng này kéo dài ít nhất trong vòng 4-5 năm tới, vì vậy việc phát hành thêm cổ phần để lấy tiền trang trải chi phí là điều tất yếu. Với nguồn lực tài chính hạn chế, nhà đầu tư Việt Nam sẽ khó có cơ hội nắm giữ cổ phần chi phối, trong khi đối tác nước ngoài tranh thủ cơ hội này tung tiền mua thêm cổ phần và dần nắm phần chi phối. Đến một lúc nào đó, doanh nghiệp trong nước phải chủ động rút lui để đối tác nước ngoài thâu tóm là điều khó tránh khỏi.
 
Từ thực tế trên, để giúp các nhà đầu tư cảng Việt Nam nắm giữ quyền điều hành hệ thống cảng, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, ưu đãi về vốn vay từ các ngân hàng nhà nước cho các nhà đầu tư cảng biển nước sâu Việt Nam. Đồng thời, cảng nước sâu không thể thiếu được dịch vụ trung chuyển và logistic. Do vậy, trước tiên các thủ tục pháp lý nhà nước liên quan (hải quan, cảng vụ hàng hải, hoa tiêu, an ninh cảng biển) phải bắt kịp với yêu cầu và tập quán chung của thế giới.


Cần có cơ chế kiểm soát giá dịch vụ
 
Do “đói hàng” nên hiện ở các cảng đang cạnh tranh thiếu lành mạnh. Để bảo đảm công bằng, dựa trên tiêu chí chất lượng dịch vụ là hàng đầu và giá dịch vụ hợp lý, tránh sự phá giá dịch vụ nhằm mục đích độc quyền khai thác, Chính phủ cần có cơ chế kiểm soát nhằm bảo đảm giá dịch vụ không được thấp hơn giá thành tạo nên dịch vụ đó. Nhiều hãng tàu lớn trên thế giới cho biết hiện nay giá dịch vụ cảng biển trung chuyển của Singapore, Malaysia, Hồng Kông... tương đối cao.

Vì vậy, nếu có sự quản lý chặt chẽ, các loại phí và giá cả của hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải cạnh tranh hơn, thủ tục gọn nhẹ hơn sẽ trở thành điểm trung chuyển quốc tế cho các hãng tàu lựa chọn.

 
Cái Mép - Thị Vải là hệ thống cảng hiện đại, các trang thiết bị và công nghệ cần được đầu tư đồng bộ và tiên tiến. Các doanh nghiệp cảng, các cơ quan quản lý nhà nước cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khai thác cảng. Trước mắt, cần có cổng thông tin kết nối giao dịch về quản lý phương tiện, hàng hóa thông qua cảng giữa các cảng, hãng tàu, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý chuyên ngành (cảng vụ, hải quan, biên phòng...) trong nước và quốc tế.
 
Theo Báo Bà Rịa Vũng Tàu

Các tin cũ hơn