Cô chủ xinh đẹp kể chuyện osin "xây" xí xổm trên sân trồng hoa, mắng chủ "xơi xơi"

Thứ ba, 01/03/2016, 10:21
"Bà giúp việc nhà mình nói suốt ngày như cái máy khâu, hở tí là chê, là quát chủ "xơi xơi": “Ôi, con gái con đứa mà ăn mặc hở hang thế, chẳng ra cái thể thống gì cả!”, “Sao cô suốt ngày ăn thịt bò thế, vừa hôi vừa đắt, tôi không ăn được”.

Sau 3 lần “gặp nạn” với người giúp việc, chị Nguyễn Hồng Nhung (Hà Nội) quyết định không thuê thêm một người nào nữa mà tìm phương án khác để xoay sở việc nhà. 3 “đời” giúp việc nhà Hồng Nhung để lại những ấn tượng đặc biệt và những câu chuyện cười ra nước mắt.

Osin siêu thật thà, làm toilet riêng trên tầng thượng trồng hoa

Hồng Nhung kể, lần đầu tiên cô thuê giúp việc là sau đợt nghỉ thai sản, khi em bé của Nhung được 6 tháng tuổi. Do phải quay trở lại với công việc, gia đình nội ngoại lại ở xa, nên Nhung cần thuê giúp việc để giúp cô việc nhà cũng như chăm sóc em bé. 

Người giúp việc đầu tiên của Nhung gần như hoàn hảo. Cô kể, bác ấy người Hà Giang, rất khỏe mạnh, tốt bụng và đặc biệt là người cực kỳ thật thà, đúng với chất của người dân tộc miền núi. Bác ấy chăm chỉ, cần mẫn cực kỳ, là người xốc vác, không ngại việc. Bác thậm chí còn giúp Nhung làm cả những việc cô không dặn dò như dọn kho, sắp xếp sách vở. Có hôm, đi làm về, Nhung còn thấy bác ấy cẩn thận kỳ cọ cả nắp toilet – điều mà không phải người giúp việc nào cũng chú ý đến.
người giúp việc
Nhớ lại những người giúp việc mình đã từng thuê, Nhung kể, ai cũng có vấn đề riêng, để lại những "ấn tượng" khó phai
Cứ ngỡ đó là một người hỗ trợ không thể hoàn hảo hơn, nhưng nếu có gì để phàn nàn, đó chỉ là, bà giúp việc này là người miền núi nên không quen với việc… đi vệ sinh ở thành phố. “Bác ấy chỉ thích kiểu xí xổm, mà nhà mình cũng giống bao nhà khác trên thành phố, dùng toilet hiện đại. Mỗi lần đi vệ sinh, bác ấy lại kêu toáng lên là lạnh mông, không quen. Mình nói nhiều, giải thích mãi khoản vệ sinh, nhưng có vẻ bác ấy không quen nổi. 

Rồi một ngày đẹp trời, bác ấy kê mấy hàng gạch lên tầng thượng, chỗ mình trồng rau, hoa và kê bàn ghế để ngồi uống café nhà mình để… đi tè. Gần đó có rãnh nước để thoát nước tưới rau. Bác ấy bảo, ngồi xổm trên ấy mới mát và quen thuộc như ở quê. Trời ơi, mỗi lần mùa hè, mình mở cửa tum cho gió đối lưu là y như rằng mùi khai nồng nặc tấn công cả nhà, không thể chịu nổi. Mình nói thì bác lại dỗi, khổ lắm cơ!
” – Nhung kể.

Cô tiếp: “Một lần khác, bác đang ngồi xổm trên lavabo đi vệ sinh, chẳng biết lóng ngóng thế nào, thụt cả chân xuống hố lavabo. Khổ nỗi, chân bác ấy thì to, không tự rút lên được, thế là, bác ấy thế là hét ầm ĩ lên: Cô Nhung ơi, cô Nhung ơi cứu tôi. Mình vội chạy lên, đến khổ, vật vã mãi mới “giải cứu” được bác ấy khỏi cái bồn cầu”. 

Sau khi làm việc ở nhà Nhung 5 tháng, mặc dù rất được việc, chăm chỉ, bác giúp việc ấy đã tự xin nghỉ việc, có lẽ vì không quen nổi nếp sinh hoạt ở thành phố. Chia tay Nhung, bà còn bảo: “Thôi cô cho tôi về giúp việc ở Hà Giang, việc nặng tôi làm được, nhưng sinh hoạt kiểu này gò bó lắm, tôi không quen”. 

Osin tuổi teen vô tư ăn tranh phần chủ

Người “kế nhiệm” bác giúp việc thật thà của Nhung là một cô nàng mới 15 tuổi, mơn mởn thanh xuân. Cô bé này Nhung cũng biết qua được người quen giới thiệu,  là giúp việc của một người bạn của cô, sau khi gia đình người bạn chuyển đi nước ngoài thì đến làm cho Nhung. Nhung kể, cô bé này có ưu điểm nhất là yêu trẻ con, chơi đùa và chăm sóc cậu nhóc con trai Nhung rất ổn (dù không cho cậu bé ăn được). Tuy nhiên, cô bé này lại thuộc típ hồn nhiên quá mức, nếu không muốn nói thẳng là vô duyên. 

người giúp việc
Người giúp việc thứ hai yêu quý và chăm sóc con trai của cô khá ổn, nhưng lại quá vô ý.

Mình không soi mói, thông cảm rằng em ấy đang tuổi ăn tuổi lớn, và mặc dù để em ấy ăn uống sinh hoạt rất thoải mái, mình vẫn cảm thấy khó chịu. Nàng ta khá là vô ý, ăn không biết mời ai, không phần ai, cũng chẳng quan tâm đến việc ai đã ăn chưa, miếng nào ngon nhất thì nàng cũng ăn trước. 

Vô duyên nhất là đợt Tết năm ấy, mình mua đào về cắm. Trong nhà thì ấm, năm đấy trời lại nồm nên đào nở nhanh, nàng ta nghe điện thoại mà cứ lượn qua lượn lại gần cành đào, một lúc thì cành đào của mình rụng trơ trọi như củi khô.

Còn đỉnh điểm của chuyện vô duyên của nàng giúp việc nhà mình, có lẽ là chuyện nàng quen với một anh chàng làm ở tiệm photo, ngày nào cũng đòi đi chơi với anh chàng. Đó là chuyện cá nhân, mình không can thiệp. Nhưng có hôm, mình đi làm về, thấy nhà im im, gọi mãi không thấy nàng đâu, vào nhà tìm mãi không thấy nàng ở phòng, hóa ra nàng vào phòng mình dọn dẹp xong lăn ra giường mình ngủ luôn, chắc đi chơi khuya nên mệt
”. 

Sau những chuyện như thế, Nhung không chịu nổi cô nàng giúp việc trẻ nữa, cho cô bé nghỉ sau 2 tháng làm việc ở nhà mình. 

Giúp việc nói nhiều như “máy khâu”, mắng chủ xơi xơi

Người giúp việc thứ ba của nhà Nhung mới thực sự là “thảm họa của osin”. Đó là một bác trung tuổi, có kinh nghiệm đi giúp việc nhiều nhà, nhưng càng lúc càng như “mẹ chồng” của chủ, nên cô cũng không chịu được lâu.

Lúc này, con trai Nhung bắt đầu đi trẻ nên việc gia đình cũng không mấy vất vả, chủ yếu là việc nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa. Cô ấn tượng nhất với bà giúp việc này ở chỗ, bà thuộc dạng “mau mồm mau miệng”. “Sáng bà ấy dậy siêu sớm, 5 giờ sáng, lau nhà, lau cửa, đi chợ mua đồ cho tươi ngon. Khổ nỗi, cứ ngủ dậy là bà phải “mở máy”, ông ổng “Tàu anh qua núi” với lại “Trước ngày hội bắn” bằng một giọng không thể tệ hơn. 

Bà ấy nói nhiều ghê gớm, nói suốt ngày, không quá chứ y như cái máy khâu, mà rất thích phê bình, chê bai người khác. Chê các giúp việc khác không biết làm việc, không biết ăn mặc chán, bà ấy quay sang chê chủ. 

Mình ở nhà, ăn mặc thoải mái chút bà ấy cũng góp ý, nào là “Ôi, con gái con đứa hở hang thế kia, sao cô không mặc áo lót vào”. Mặc mấy cái quần kiểu rách rách, xước xước bà ấy cũng bĩu môi nói này nọ, còn đem quần áo của mình ra làm… giẻ lau với lót nồi. 

Có hôm thứ bảy, mình quá đau đầu, không thiết ăn uống gì cả, ngủ đến chiều, bà cũng quát: “Con gái gì mà ngủ đến chiều không chịu dậy”. Mình nằm đọc sách trong phòng buổi tối cũng bị ý kiến là giờ giấc sinh hoạt lộn xộn...
” – Nhung nhớ lại. 

Nhưng có lẽ, ức chế nhất là việc bà giúp việc này rất thích chê thức ăn Nhung nấu. Cô kể, một lần bà ấy về quê có việc, trong khi cô đang làm việc ở cơ quan, bà gọi điện: “A lô cô Nhung à, tôi đang ở bến xe Mỹ Đình về nhé, ừ, cô nấu cơm cho tôi ăn nhé, đừng nấu thịt bò nhé, mùi lắm tôi không ăn được”. Chuyện chê bai việc ăn uống của chủ luôn là chủ đề “yêu thích” của bà osin. Hết thắc mắc “sao cô suốt ngày ăn thịt bò thế, vừa hôi vừa đắt”, bà xoay sang vặn vẹo “sao cô lại cho giá vào canh chua? Ăn không ra gì. Đúng là không biết nấu”…

người giúp việc
Bực mình vì người giúp việc thứ ba nói nhiều như "máy khâu" và suốt ngày "sửa lưng" mình. (Ảnh minh họa)

Sau 3 - 4 tháng chịu đựng bà giúp việc ghê gớm, nói nhiều, hạnh họe chủ quá đáng, một hôm, đang sẵn bực mình vì không ký được hợp đồng, Nhung quyết định cho bà ấy nghỉ việc.

Hồng Nhung chia sẻ: “Mình chỉ hy vọng ở người giúp việc đúng hai điều: Biết mình và biết họ. Mình chưa bao giờ coi họ “thấp cấp” hơn mình, vì cả hai đều là người lao động. Tuy nhiên, giúp việc ở Việt Nam hình như không được coi là môt nghề nghiêm túc, nhưng người đi làm hầu hết xuất thân từ nông thôn hoặc vì khó khăn quá mà phải đi giúp việc, nên họ không có ý thức nghề nghiệp.

Nhà chị gái mình ở Úc, có thuê giúp việc, nhưng được đào tạo hẳn hoi về sử dụng thiết bị, về đối xử với con nhỏ, người già, về kỹ năng nấu ăn… Đương nhiên, mình không kỳ vọng người giúp việc đến với mình phải chuyên nghiệp như nước ngoài, nhưng ít nhất, họ phải có ý thức nâng cao mình khi lên một thành phố lớn và hiểu rằng đó là một công việc chân chính, họ được trả lương để làm việc hết mình
”. 

Cô chia sẻ, sau “đời” giúp việc thứ ba, cô quyết định không tìm thêm người giúp việc nào nữa, mà tìm cách khác để xoay sở công việc. Hiện tại, Nhung thuê người lau dọn nhà theo giờ, đến định kỳ 1 tuần/lần, hiệu quả công việc không thấp hơn, lại đỡ phải tìm hiểu tính cách, chiều chuộng hay đào tạo gì.
Theo Tri Thức Trẻ

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích