ĐH Hùng Vương chấm dứt 82 hợp đồng: Người trong cuộc lên tiếng

Thứ tư, 09/03/2016, 13:50
Đến nay, 82 cán bộ, giảng viên của Trường Đại học Hùng Vương đã bị chấm dứt hợp đồng lao động.
Trụ sở Đại học Hùng Vương TP.HCM trên đường Nguyễn Trãi, quận 5, TP.HCM.

Trước thông tin ông Đặng Thành Tâm, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường Đại học Hùng Vương quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với 82 cán bộ, nhân viên và giảng viên của trường, nhiều người cho rằng, hành động này không chỉ làm tổn hại đến đời sống cán bộ, uy tín nhà trường mà còn có dấu hiệu vi phạm luật.

Lấy lý do Trường Đại học Hùng Vương suốt 4 năm liền không được tuyển sinh, không có nguồn thu, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động, ngày 10/12/2015, ông Đặng Thành Tâm, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị nhà trường đã ký văn bản gửi Đảng ủy, Ban Chấp hành Công đoàn Trường Đại học Hùng Vương về việc thực hiện phương án sử dụng lao động.

Theo văn bản này, nhà trường sẽ chấm dứt hợp đồng lao động với những cán bộ, giảng viên hết hạn hợp đồng, không có hợp đồng lao động, đến tuổi hưu, quá tuổi quản lý theo quy định của trường. Với những hợp đồng chưa tới hạn và hợp đồng không xác định thời hạn, nhà trường sẽ thanh lý hợp đồng và thanh toán đầy đủ chế độ, chính sách theo luật lao động.

Đến nay, 82 cán bộ, giảng viên của Trường Đại học Hùng Vương đã bị chấm dứt hợp đồng lao động. Đồng thời nhà trường đã có văn bản thông báo sẽ chấm dứt hợp đồng lao động với 26 cán bộ, giảng viên còn lại.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mộng Giao, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hùng Vương, một trong những giảng viên của trường bị chấm dứt hợp đồng lao động bức xúc: “Tổn hại cho nhà trường là rất lớn vì như vậy trường không còn cán bộ để giảng dạy nữa. Làm sao có thể tồn tại một trường đại học nếu không có cán bộ giảng dạy. Đây là thiệt hại vô cùng to lớn, là cú đấm knock out của ông Đặng Thành Tâm với Trường Đại học Hùng Vương. Đối với anh em cán bộ, hành động này dẫn đến rất nhiều thiệt hại bởi vì những cán bộ giảng dạy bị đuổi khỏi trường, không có công ăn việc làm thì biết đi đâu về đâu, biết làm gì bây giờ nhất là trong hoàn cảnh khó khăn như thế này”.

Nhiều ý kiến cho rằng, hành động này của ông Đặng Thành Tâm không chỉ đẩy Trường Đại học Hùng Vương cùng nhiều cán bộ, giảng viên vào tình cảnh khó khăn mà còn có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Theo Luật Giáo dục Đại học, ngay cả khi còn là Chủ tịch Hội đồng Quản trị nhà trường, ông Tâm cũng không có thẩm quyền ký văn bản chấm dứt hợp đồng lao động với cán bộ, giảng viên vì đây là quyền của hiệu trưởng. Trong khi đó, thông tin từ phía nhà trường cho biết, ông Đặng Thành Tâm đã không còn giữ quyền Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường Đại học Hùng Vương từ ngày 14/6/2015.

Theo Tri Thức Trẻ

Các tin cũ hơn