Đó là nội dung một trong số rất nhiều những tin nhắn được gửi đến số máy đường dây nóng do ông Đinh La Thăng, Bí thu Thành ủy TP.HCM công bố trong buổi làm việc với Bộ Y tế và ngành Y tế thành phố cuối tuần qua.
Tình trạng nằm ghép do quá tải đang là vấn đề bức xúc của dư luận |
Bằng nhiều giải pháp cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian chờ đợi khi khám chữa bệnh cho người dân, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng đến sự hài lòng của người bệnh… ngành y tế đã bước đầu đẩy lùi tình trạng quan liêu, hách dịch của các cán bộ, nhân viên y tế.
Tuy nhiên, trên thực tế nhiều vụ việc phản cảm trong ngành y vẫn xảy ra khiến những bức xúc của người dân lại dậy sóng. Tháng 11/2015, một nhân viên y tế tại bệnh viện Chợ Rẫy đã bị chuyển công tác vì hành vi bỏ mặc bệnh nhân xếp hàng chờ làm thủ tục, bình thản ngồi xem phim. Không lâu sau, vào tháng 1/2016, tại bệnh viện Nhi Đồng 2, nhân viên điều dưỡng lại hoạch họe, hung hăng chửi mắng gia đình bệnh nhi vì cho rằng có tiền nhưng không chịu đóng tạm ứng.
Ngoài thái độ, trách nhiệm của những người hành nghề y thì tình trạng quá tải cũng đang phát sinh nhiều nhiêu khê cho người bệnh. Tại bệnh viện Ung Bướu, TP.HCM tình trạng người bệnh rồng rắn xếp hàng từ khi mặt trời chưa ló dạng để chờ đến lượt lấy số khám bệnh đang diễn ra. Lợi dụng tình hình trên, cò bệnh viện mặc sức tung hoành, lấy số bán lại hoặc dắt người bệnh ra ngoài khám với giá cắt cổ.
Những đứa trẻ điều trị... dưới gầm giường tại bệnh viện Ung Bướu |
Trưa 9/3, rời bệnh viện với vẻ mặt thất thần, bà Nguyễn Thị Nga (ngụ tại Bình Dương) cho biết, sau khi thăm khám bác sĩ kết luận bà bị u xơ tử cung, nếu muốn phẫu thuật tại bệnh viện thì phải chờ một vài tháng, muốn làm nhanh thì qua bệnh viện Hồng Đức (cơ sở kết hợp công tư với bệnh viện Ung Bướu – PV). “Chi phí phẫu thuật, điều trị hết hơn 30 triệu đồng, gia đình tôi khó khăn lấy tiền đâu mà mổ. Sáng nay, đi khám bệnh đến trễ sợ không kịp giờ, tôi đã phải nhờ cò dắt bệnh, loáng một cái hết 300 nghìn rồi. Giờ đành chịu đau chờ đến lượt mổ ở Ung Bướu chứ ra ngoài mổ thì không lo nổi chi phí.”
Tình trạng hồ sơ chất đống chờ sắp lịch mổ còn căng thẳng hơn tại các bệnh viện có chuyên môn khó như Tim mạch. Anh Dương Văn B. (38 tuổi, ngụ huyện Củ Chi, TP.HCM) cho hay, đứa con gái hơn 1 tuổi của vợ chồng anh bị tim bẩm sinh với kết luận tứ chứng fallot. Bé đã được gia đình đưa đến bệnh viện thăm khám và điều trị nhiều tháng qua nhưng vẫn chưa được lên lịch mổ. “Mỗi khi con bé tím tái, khó thở hoặc ngất xỉu, tôi đưa đến bệnh viện, điều trị ít ngày bác sĩ lại bảo mang về chờ. Chẳng biết con tôi có chờ được đến ngày mổ hay không.”
Số trẻ được phẫu thuật tim còn quá ít, danh sách chờ đợi ngày càng dài thêm |
Theo thông tin từ bệnh viện, tính đến cuối năm 2015, tại đây đã có khoảng 1.300 bệnh nhi nằm trong danh sách chờ mổ. Tuy nhiên, do trang thiết bị, phòng mổ, phòng hồi sức không đủ để đáp ứng, mỗi tuần bệnh viện chỉ can thiệp được khoảng 5 đến 7 trẻ bệnh nặng, trong đó có một số trường hợp mổ cấp cứu nên bệnh nhi trong danh sách chờ đang ngày càng dài thêm.
Để TP.HCM trở thành một thành phố “văn minh, hiện đại, nghĩa tình” là trung tâm kinh tế đầu tàu của cả nước, Bí thư Đinh La Thăng khẳng định, việc chăm sóc sức khỏe của người dân phải được đặt lên hàng đầu, Ông yêu cầu các đơn vị liên quan, ngoài việc sớm hoàn thành những dự án trọng điểm xây dựng mới, tu sửa các bệnh viện, ngành y tế phải chú trọng cải thiện y đức, nâng cao chất lượng chuyên môn trong điều trị cho bệnh nhân, sớm giải quyết tình trạng quá tải đang gây bức xúc trong cộng đồng.
Cảnh bệnh nhân tràn ra sân bệnh viện |
Kết quả khảo sát sự hài lòng của người bệnh với ngành y thành phố năm 2015 vừa được TS.BS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế công bố cho thấy, người dân đang mong đợi vào 6 vấn đề chính cần cải thiện trong lĩnh vực y tế. 1: an toàn vệ sinh thực phẩm phải được kiểm soát hiệu quả; 2: khống chế kịp thời các dịch bệnh, đảm bảo an toàn trong tiêm chủng cho trẻ em; 3: đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, không phải chờ đợi lâu, có giường nằm, chất lượng điều trị được đảm bảo, hạn chế thấp nhất tai biến xảy ra; 4: phải đảm bảo quyền lợi và không phân biệt đối xử đối với người tham gia bảo hiểm y tế khi đến khám chữa bệnh tại cơ sở y tế; 5: hoạt động của các cơ sở y tế ngoài công lập phải được kiểm soát tốt hơn; 6: thành phố sớm có thêm bệnh viện mới, bệnh có thêm kỹ thuật điều trị mới để người dân không phải ra nước ngoài chữa bệnh. |
Theo Dân trí