Mỹ - Trung Quốc: Lại đấu khẩu về tình hình Biển Đông

Thứ tư, 09/03/2016, 17:13
Không chỉ cáo buộc Trung Quốc mở rộng hoạt động bồi đắp, cải tạo đảo trên Biển Đông, Mỹ còn triển khai các nhóm tàu tác chiến thuộc tàu sân bay USS John C.Stennis thực hiện công tác tuần tra.

Đáp lại, Bắc Kinh liên tục đưa những cáo buộc và lời công kích Washington, đồng thời cho tàu bám sát, giám sát chặt chẽ mọi động thái từ các tàu của Mỹ.

Ngoài việc có được tiếng nói chung trong vấn đề thực hiện lệnh trừng phạt CHDCND Triều Tiên, Trung Quốc và Mỹ chưa có bất kỳ một động thái nào cho thấy giảm căng thẳng ngoại giao giữa hai nước, nhất là cuộc khẩu chiến về Biển Đông. Thậm chí, hai quốc gia này ngày càng nảy sinh nhiều mâu thuẫn hơn nữa trong vấn đề Biển Đông.

Hôm 7-3, Tư lệnh Hạm đội 7 của hải quân Mỹ, Phó Đô đốc Joseph Aucoin đã yêu cầu Trung Quốc nói rõ ý đồ của các công trình xây đắp đảo nhân tạo và việc triển khai tên lửa trái phép tại các vùng có tranh chấp ở Biển Đông.

Theo lý giải của Phó Đô đốc Joseph Aucoin, việc này sẽ giúp tình hình ở Biển Đông ổn định hơn. Thêm nữa, song song với việc công khai ý đồ của mình, Bắc Kinh cũng phải chấm dứt ngay lập tức các hoạt động làm gia tăng thêm căng thẳng trong khu vực.

Tàu sân bay USS John C.Stennis và nhóm tàu tác chiến đang tuần tra trên Biển Đông. Ảnh: Atimes.

Phó Đô đốc Joseph Aucoin nhấn mạnh: “ Tất cả các nước có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông cần cùng nỗ lực nhằm ngăn chặn việc thay đổi nguyên trạng các khu vực có tranh chấp”. Phó Đô đốc Joseph Aucoin cũng cho biết thêm rằng, Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện các cuộc tuần tra ở Biển Đông với mục đích vì tự do hàng hải và an ninh trong khu vực.

Cho đến nay, nhóm tàu tác chiến thuộc tàu sân bay Mỹ John C.Stennis đã tiến hành tuần tra ở khu vực này được 8 ngày. Hãng Reuters cho biết, nhóm tàu này bao gồm tàu sân bay Stennis, các khu trục hạm có trang bị tên lửa dẫn đường Chung-Hoon, Stockdale, tuần dương hạm có tên lửa dẫn đường Mobile Bay và tàu tiếp liệu Rainier, đều thuộc Hạm đội 7, hải quân Mỹ.

Một quan chức cấp cao trong Bộ Quốc phòng Mỹ nói, dù nhóm tàu này thực thi quyền hoạt động trong vùng hải phận quốc tế, song họ luôn bị các tàu hải quân Trung Quốc giám sát chặt chẽ, nhiều lần còn áp sát, thậm chí bao vây. Trong khi đó, nhiều tờ báo phương Tây, trong đó có tờ The Diplomat đưa tin rằng, dù tàu chiến của Mỹ có xuất hiện ở Biển Đông thì Trung Quốc vẫn cứ “thách thức” bằng việc tiếp diễn các hoạt động xây đảo.

Cụ thể, những bức ảnh chụp qua vệ tinh cho thấy, từ hôm 2-3, Trung Quốc lại tiến hành nạo vét và bồi đắp trái phép đảo Bắc thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Âm mưu của Trung Quốc là để xây một đường băng và đường lăn song song với nhau, kích cỡ tương đương đường băng và đường lăn mà Trung Quốc xây phi pháp trên đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Một số nguồn tin khác thì cho hay, dải đất mới bồi đắp này nối đảo Bắc với đảo Trung, cùng một cấu trúc bãi đá ngầm dài và thẳng. Khu vực mới bồi đắp trên nằm cách đảo Phú Lâm 12km về phía Bắc. Trước đó, Trung Quốc đã ngang ngược xây một căn cứ quân sự và một đường băng ở Hoàng Sa rồi đưa tên lửa đất đối không HQ-9 đến cùng với các chiến đấu cơ.

Tờ Đại Công báo của Hong Kong thì viết rằng, Bắc Kinh có tham vọng mở rộng phi pháp diện tích đất liền của nhóm đảo An Vĩnh gồm 7 đảo lên 15km2, gấp nhiều lần so với tổng diện tích ban đầu là 1,32km2. Cũng theo Đại Công báo thì Trung Quốc còn dự định xây một cây cầu lớn nối liền An Vĩnh và đảo Phú Lâm.

Rõ ràng là Trung Quốc đang có nhiều hành vi vi phạm pháp luật. Thế nhưng, nước này cũng rất “to mồm” trước những chỉ trích của cộng đồng quốc tế. Chẳng hạn, những phát biểu của Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của hải quân Mỹ, Đô đốc Harry Harris đã trở thành tâm điểm chỉ trích của giới truyền thông Trung Quốc. Tờ Thời báo Hoàn cầu cáo buộc rằng, những lời nói của Đô đốc Harry Harris “tạo thêm sóng ở Biển Đông".

Chưa hết, giới chức Trung Quốc còn trắng trợn tuyên bố rằng, các ngư dân nước này hoạt động ở Biển Đông là bằng chứng cho thấy quyền và lợi ích hàng hải ở Biển Đông và họ khuyến khích ngư dân tới các khu vực tranh chấp.

Các nhà quan sát nhận định rằng, những hành động của Trung Quốc như tăng cường hoạt động và năng lực trên biển cũng như trên không cho thấy nước này không chỉ muốn khẳng định các tuyên bố chủ quyền và lợi ích biển của Bắc Kinh, mà còn có vẻ như muốn "đảo lộn" an ninh ở khu vực Đông Á.

Theo CAND

Các tin cũ hơn