Giải tỏa nhà ven và trên rạch Ụ Cây, quận 8 (giai đoạn 1) là một trong những dự án chỉnh trang đô thị lớn được TP.HCM thực hiện từ năm 2009. Sau khi dự án hoàn thành, môi trường đô thị trong khu vực đã được cải thiện rõ rệt. Hàng trăm hộ dân (đa phần là người nghèo, sống bằng nghề buôn gánh bán bưng, làm thuê, làm mướn) được bố trí tái định cư trong những căn hộ chung cư khang trang, sạch sẽ.
Tháo chạy khỏi chung cư tái định cư
Chung cư Tân Mỹ, phường Tân Phú, quận 7 là một trong hai chung cư được TP.HCM bố trí tái định cư cho người dân rạch Ụ Cây. Tuy nhiên, tới nay phần lớn người tái định cư đã bán lại căn hộ của mình để tìm nơi khác sinh sống.
Bà Trương Thị Ánh Mai ở lầu 5, chung cư Tân Mỹ cho hay vừa thuê một căn hộ tại đây để ở nán vài tháng, chờ hai đứa con nghỉ hè rồi chuyển ra ngoài thuê nhà trọ. Căn hộ được bố trí tái định cư bà đã bán với giá hơn 500 triệu đồng. Sau khi trả nợ 160 triệu đồng tiền trả góp mua nhà, số tiền còn lại bà dành để lo chỗ ăn ở mới và tích góp làm chút vốn trở về chốn cũ (chợ Xóm Củi, quận 8) buôn bán. “Ở chung cư Tân Mỹ nhà cửa khang trang, không phải sống trong cảnh dơ bẩn như xưa nhưng khổ nhất là không biết làm gì để sống. Chẳng lẽ leo lên lầu ngồi gỡ gạch ăn sao?” - bà Mai ưu phiền.
Bà Nguyễn Thị Đằng, căn hộ A427, cho hay khi được tái định cư về chung cư Tân Mỹ, gia đình bà vui mừng khôn xiết vì đã thoát khỏi căn nhà tồi tàn chưa đầy 8m2. Căn hộ mới rộng 36m2, thoáng mát, sạch sẽ, cả cuộc đời làm thuê, làm mướn của bà có nằm mơ cũng không thấy. Khi về nhận căn hộ mới, bà còn nợ 123 triệu đồng do không đủ tiền trả hết một lần. Tuy nhiên, sáu năm trôi qua, bà Đằng mới chỉ trả được khoảng 10 triệu đồng. “Gạo không đủ ăn, quần áo không đủ mặc, không có công ăn việc làm nên không lấy đâu ra tiền để trả tiền nhà hằng tháng. Rồi bao nhiêu khoản chi phí khi ở nhà chung cư bủa vây…” - bà Đằng kể.
Bám trụ được năm năm, đến giữa năm 2015 bà Đằng quyết định bán căn hộ với giá 580 triệu đồng. Trả hết nợ tiền nhà, cả gia đình dạt về Bình Chánh mua một căn nhà không giấy tờ với giá 170 triệu đồng để sinh sống. Căn nhà mới của bà Đằng nằm tuốt trong một con hẻm sâu hun hút trên quốc lộ 50, ấp 5, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, chỉ rộng khoảng 20m2 nhưng chứa tới 10 nhân khẩu gồm bà Đằng cùng các con, cháu, dâu, rể.
Được biết trong số 352 hộ tái định cư tại chung cư Tân Mỹ, hiện có hơn 200 hộ đã bán nhà tìm về chỗ cũ hoặc dạt xuống Nhà Bè, Bình Chánh, Long An, Cần Giờ sinh sống.
Ông Nguyễn Văn Lộc với khẩu phần một ngày của cả gia đình. Ông thuê căn hộ tái định cư ở chung cư An Sương sáu năm nay nhưng không có tiền để trả. |
Cả nhà chị Nguyễn Thị Bé Trang thất nghiệp, con cái không được học hành, phải đi nhặt ve chai cùng chị để sống qua ngày. |
“Ăn còn không đủ, nói gì đến học hành”
Tại chung cư An Sương, phường Tân Hưng Thuận, quận 12 (nơi dành cho các hộ dân di dời từ rạch Ụ Cây không đủ điều kiện tái định cư thuê) tình cảnh cũng bi đát không kém gì chung cư Tân Mỹ. Chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Lộc khi ông vừa đi chợ về, ngồi nghỉ dưới bóng cây tại một góc chung cư. Ông Lộc bày ra 1kg gạo, mấy bìa đậu trắng, bọc đậu que và một bịch sữa tươi rồi thở dài: “Tiêu chuẩn một ngày của cả nhà tôi gói gọn trong 20.000 đồng thôi!”.
Gia đình ông Lộc được thuê căn hộ tái định cư, mỗi tháng đóng khoảng 2,7 triệu đồng tiền nhà nhưng sáu năm nay ông không có tiền đóng. Hồi ở chỗ cũ ông chạy xe ôm, đã quen mối mang làm ăn, lại gần chợ nên mỗi ngày cũng kiếm được hơn trăm ngàn. Từ khi về chung cư An Sương, ông cũng xách xe ra ngoài đường một thời gian nhưng không có khách. Vợ ông hằng ngày quảy giỏ bắt xe buýt ngược lên Củ Chi bán bánh dạo. Mỗi ngày cũng được trăm ngàn nhưng tiền xe buýt cũng hết gần phân nửa.
“Chung cư An Sương dù ở gần chợ An Sương nhưng người dân tái định cư không đủ tiền thuê sạp, bán rong tại chợ thì bị cấm nên đành phải đón xe về lại quận 8 hoặc đi bán dạo khắp các nẻo đường” - ông Lộc cho hay.
Theo ông Lộc, 174 hộ thuê suất tái định cư ở đây không ai có khả năng đóng tiền thuê nhà, cuộc sống hết sức khó khăn. Bản thân ông Lộc có đứa con gái đang học lớp 11 tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận 12 cũng đang có nguy cơ phải bỏ học vì không có tiền đóng học phí. “Nếu sắp tới không mượn được tiền đóng học phí thì tôi phải cho con nghỉ thôi chứ biết làm sao bây giờ. Ăn còn không đủ, nói gì đến chuyện học hành” - ông Lộc thở dài.
Chỉ vào mấy chiếc ghế sôpha hỏng để ngổn ngang cùng rác rến, chuột bọ và cây cỏ um tùm bên lề đường của dãy chung cư trước mặt, ông Lộc nói đó là nơi ở tạm của gia đình chị Trần Thị Bé Trang. Gia đình chị Trang 13 nhân khẩu sống chen chúc trong căn hộ 64m2 ở lầu 3.
Chị Trang cho biết nhà quá đông người nên ban ngày phải ra vỉa hè ở bớt, ban đêm mới vào nhà ngủ “như xếp cá mòi”. Chồng chị làm phụ hồ công việc bữa có bữa không, ba mẹ lớn tuổi không có sức lao động. Bốn đứa con của chị đều không được đi học, hằng ngày theo phụ chị nhặt ve chai kiếm sống.
“Đa phần người dân quận 8 về đây không sống nổi. Hơn một nửa trong số 174 hộ đã bán suất thuê tái định cư trở về quận 8 hoặc đến những nơi khác sống” - chị Trang cho hay.
Cố gắng bố trí tái định cư tại chỗ
Ông Lê Quỳnh Đài, Phó Chủ tịch UBND quận 8, thông tin: Đa số người dân sống ven rạch Ụ Cây trước đây là lao động nghèo. Họ kiếm sống bằng cách bám vào các chợ truyền thống, các kho bãi, đã quen địa bàn cũng như các mối làm ăn. Do đó, khi chuyển đến một nơi khác xa hơn, người dân không thể tìm được việc làm ổn định nên dần dần tìm cách quay về chỗ cũ sinh sống. Nhận định về chương trình di dời, giải tỏa nhà trên và ven kênh rạch tới đây, ông Đài nói: “Yếu tố quan trọng nhất để đánh giá chương trình thành công hay thất bại là công tác tái định cư. TP không chỉ cải thiện nhà ở cho người dân mà còn phải đảm bảo chất lượng cuộc sống của họ ít nhất bằng với nơi ở cũ. Từ thực tế hai chung cư nói trên, trong chương trình tới quận sẽ cố gắng bố trí tái định cư tại chỗ cho dân thuận tiện làm ăn”. 1.000 căn nhà ở trên và ven rạch được quận 8 tổ chức di dời, giải tỏa từ năm 2009 để thực hiện dự án chỉnh trang đô thị tại rạch Ụ Cây. Các hộ dân được bố trí tái định cư tại hai chung cư Tân Mỹ, quận 7 và An Sương, quận 12. |
Theo PLO