Đầu tháng 3, bà con thôn Bản Sáng (xã Cổ Linh, Pác Nặm, Bắc Kạn) bất ngờ nghe tiếng hổ gầm trong đêm khuya, sau đó vài ngày con bò của một hộ dân bị mất. Người dân nghi ngờ hổ đã bắt bò và ăn thịt, vì từ xưa đến nay trong thôn chưa bao giờ xảy ra việc mất tài sản.
"Khi cơ quan kiểm lâm vào làm việc, người dân cho biết trâu bò hiện không dám vào rừng như trước vì sợ hổ", ông Hoàng Văn Hải, Chi cục trưởng Kiểm lâm Bắc Kạn nói và cho biết đến nay vẫn chưa tiếp cận được dấu vết hổ.
Tuy nhiên, ngay khi nhận được phản ánh của người dân, Chi cục đã chỉ đạo hạt kiểm lâm Pác Nặm thông báo rộng rãi, đề nghị người dân cảnh giác khi đi vào rừng, có biện pháp trông coi bảo vệ gia súc.
"Chúng tôi phỏng đoán có thể là con báo vì số lượng hổ ở Việt Nam hiện rất ít, nhưng tất cả bà con đều nói là tiếng hổ gầm khi kiếm mồi. Nó có thể sống ở Khu bảo tồn Na Hang, Vườn quốc gia Ba Bể và Nam Xuân Lạc", ông Hải nói.
Để bảo vệ tài sản, tính mạng của nhân dân và cả con hổ, UBND huyện Pác Nặm vừa có văn bản yêu cầu các xã, thị trấn phổ biến tới mọi người biết hổ tự nhiên là động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ, các trường hợp bẫy, bắt không đúng quy định sẽ bị xử lý.
Trường hợp bị hổ đe dọa, xâm hại tài sản, tính mạng thì người dân xua đuổi thủ công, không gây tổn thương cho hổ và báo với lực lượng chức năng.
Năm 2006, người dân huyện Chợ Đồn từng phản ánh về tiếng hổ kêu nhưng lực lượng chức năng chưa tận mắt chứng kiến.
Theo điều tra của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật năm 2011, số lượng hổ hoang dã của Việt Nam chỉ 27-47 cá thể tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, Vườn Quốc gia Pù Mát, Vũ Quang, Chư Mom Ray và Yok Đôn. Nguyên nhân hổ suy giảm là bị săn bắt, buôn bán trái phép và mất sinh cảnh sống. |
Theo VNE