Trung Quốc đang ồ ạt xây dựng các công trình trái phép trên bãi Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam |
Từ đầu thế kỷ 20, Trung Quốc đã có tham vọng độc chiếm Biển Đông, nhưng đến đầu năm 1974, Trung Quốc mới nhận thấy cơ hội chín muồi cho một cuộc tấn công chiếm đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa.
Đến giữa những năm 80, Trung Quốc bắt đầu cho hải quân gặm nhấm dần một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ngày 10/11/1987, họ chiếm đảo Louisa; từ ngày 31/1 đến 28/2/1988 họ tiếp tục chiếm các đảo: bãi đá Chữ Thập, Châu Viên, Ga Ven, Tư Nghĩa.
Đến đầu tháng 3/1988, Trung Quốc đã huy động lực lượng lớn Hải quân mở rộng phạm vi lấn chiếm tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Với 12 tàu chiến, trong đó có 1 tàu khu trục tên lửa, 7 tàu hộ vệ tên lửa, 2 tàu hộ pháo, 2 tàu đổ bộ. Ngoài ra còn có 3 tàu vận tải và 1 tàu kéo.
Sáng sớm ngày 14/3/1988, Trung Quốc đã đưa các tàu chiến bắn phá và gần như đồng thời đổ bộ lên bãi Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao. Trong cuộc chiến đấu không cân sức đó, 64 chiến sỹ của quân đội Việt Nam đã hy sinh anh dũng.
Nhằm hiện thực hóa tham vọng lấn chiếm Biển Đông, Trung Quốc ngày càng trở nên trắng trợn hơn bao giờ hết. Họ đã và đang triển khai nhiều chủ trương và biện pháp cụ thể, dựa trên phương châm “lấn dần từng bước” nhằm tiến tới “độc chiếm” Biển Đông.
Trung Quốc bồi đắp mở rộng và quân sự hóa các đảo của Việt Nam mà Bắc Kinh chiếm đóng trái phép. Bắc Kinh đã liên tục tăng ngân sách quốc phòng ở mức trên 10%, trong đó dành 40% ngân sách cho mua sắm vũ khí trang bị, ưu tiên cho hải quân và không quân.
Gần đây Trung Quốc đã trái phép triển khai các máy bay bao gồm cả máy bay tiêm kích thế hệ thứ 4 Shenyang (Thẩm Dương) J-11, máy bay tiêm kích-ném bom Xian (Tây An) JH-17; 2 khẩu đội tên lửa phòng không HQ-9 hiện đại nhất của nước này tới quần đảo Hoàng Sa.
Trước đó, mặc dù không có chứng cứ lịch sử hay pháp lý quốc tế có tính thuyết phục nào, nhưng Trung Quốc vẫn đẩy mạnh quá trình “luật hoá”, “dân sự hoá” nhằm khẳng định “chủ quyền” của họ ở Biển Đông.
Trong những năm vừa qua, Bắc Kinh đã cho thông qua 6 luật; thành lập 2 cơ quan chuyên trách về Biển Đông; công bố 418 mảnh bản đồ, trong đó có hai quần đảo của Việt Nam; đơn phương lệnh cấm đánh bắt cá từ 120o Vĩ Bắc trở lên; dựng 10 “bia chủ quyền” ở Biển Đông, trong đó có 4 vị trí ở quần đảo Hoàng Sa; thành lập Uỷ ban Dân cư Phú Lâm; mở tuyến du lịch quần đảo Hoàng Sa và lắp đặt trạm quan trắc khí tượng thuỷ văn trên đảo Phú Lâm; thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa; hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam…
Trung Quốc còn thông qua nhiều dự án phát triển kinh tế ở khu vực Biển Đông; có kế hoạch xây dựng khu nuôi trồng thủy sản ở khu vực Vịnh Bắc Bộ và Biển Đông, diện tích 1,7 triệu km2; đẩy mạnh khảo sát, thăm dò ở Biển Đông cả đơn phương và mời các nhà đầu tư nước ngoài với phương châm: “ưu tiên khai thác trên biển xa trước, biển gần sau; khai thác ở khu vực tranh chấp trước, khu vực do Trung Quốc quản lý sau”.
Trung Quốc còn tăng cường các phương tiện hiện đại cho lực lượng hải cảnh, hải giám nhằm nâng cao khả năng giám sát ở khu vực Biển Đông. Từ sau khi Philippines ban hành Luật đường cơ sở mới, Trung Quốc đã tăng cường đáng kể phương tiện cho lực lượng hoạt động trên Biển Đông; ngăn cản hoạt động của Hải quân Mỹ ở khu vực mà Trung Quốc cho là thuộc chủ quyền của mình; để bảo vệ giàn khoan trái phép Hải Dương-981, Trung Quốc còn huy động có lúc lên tới 139 tàu, trong đó có cả tàu mang tên lửa, ngăn cản tàu chấp pháp và đâm chìm tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam.
Giới phân tích cho rằng, để thực hiện 3 mục tiêu (hợp nhất khu vực, kiểm soát tài nguyên, an ninh nâng cao), Trung Quốc đã và đang tiến hành 3 giải pháp chiến lược được gọi là “tư duy đôi bên cùng có lợi”: về chủ quyền khu vực, tranh chấp hải phận, và tranh chấp quân sự.
Cộng đồng quốc tế đã đồng loạt lên án Trung Quốc về các hành động bồi đắp đảo nhân tạo, xây dựng các công trình phi pháp và triển khai vũ khí ở Biển Đông. Giới chuyên gia cho rằng các động thái này cho thấy Bắc Kinh đang đẩy mạnh quân sự hóa Biển Đông và xem thường các nỗ lực ngoại giao của các bên nhằm giảm căng thẳng trong khu vực.
Như vậy, sự kiện Gạc Ma chỉ là một trong chuỗi âm mưu và hành động của Trung Quốc nhằm thôn tính các đảo của Việt Nam. Âm mưu và hành động này nằm trong tổng thể chiến lược “độc chiếm biển Đông” của Trung Quốc, những lời nói hoa mỹ trong 3 sáng kiến và 10 đề xuất mà họ nêu ra tại Hội nghị ASEAN hồi tháng 8/2015 chỉ là những lời dối trá để che đậy âm mưu thực sự của Bắc Kinh mà thôi.
Theo Dân Trí