Công nhân đình công gần nhà máy công ty Yue Yuen ở tỉnh Quảng Đông. Ảnh: Reuters |
Theo số liệu của China Labour Bulletin (CLB), một tổ chức bảo vệ người lao động có trụ sở ở Hong Kong, năm 2011 Trung Quốc chứng kiến 185 cuộc đình công. Trong khi đó, con số này vào năm 2015 là 2.944 cuộc, tăng gần 16 lần so với năm 2011, trang Business Insider đưa tin.
Trung Quốc đang đối mặt với bất ổn lao động ngày càng tăng. Những người công nhân muốn tăng lương và được hưởng nhiều quyền lợi hơn sau hàng thập kỷ tăng trưởng kinh tế cao. Trong khi đó, tăng trưởng năm 2015 của Trung Quốc chỉ đạt 6,9 %, thấp nhất trong 25 năm qua.
Kinh tế giảm tốc khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào khó khăn, đặc biệt là trong ngành xây dựng và khai thác mỏ. Họ buộc phải giảm giờ làm, giảm tiền lương và sa thải bớt nhân công.
Các chương trình phúc lợi xã hội của Trung Quốc lại kém hiệu quả và trình độ quản lý yếu. Điều này làm tăng nguy cơ người lao động sẽ phản ứng khi bị sa thải.
Công nhân Trung Quốc đang sử dụng mạng xã hội để tổ chức các cuộc đình công. Thậm chí, họ còn hăm dọa sẽ tự sát tập thể và bắt giám đốc làm con tin, theo Business Insider.
Tình hình khiến doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều rủi ro. Không chỉ doanh nghiệp đang làm ăn ở Trung Quốc mà những công ty có chuỗi cung ứng sản phẩm phụ thuộc vào quá trình sản xuất của Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng.
Đình công có thể khiến các công ty chịu thiệt hại lớn. Trong cuộc đình công vào năm 2014 ở tỉnh Quảng Đông, công ty Yue Yuen của Đài Loan đã mất 27 triệu USD do sản xuất bị gián đoạn. Ngoài ra, họ còn mất 194 triệu USD để nhượng bộ quyền lợi cho công nhân.
Các cuộc đình công còn có thể gây ra nhiều thiệt hại khó có thể ước tính như phong tỏa các tuyến đường chính, xảy ra bạo lực, đập phá các công trình hạ tầng ở địa phương.
Theo Zing