Phần lớn các nhà ven và trên kênh rạch đều được che chắn bằng ván gỗ hoặc tôn, toàn bộ căn nhà được nâng đỡ bởi những cây cừ tràm mảnh khảnh nên rất dễ bị mục theo thời gian.
Các hộ dân ở phần lớn đều là dân lao động nghèo, làm thuê nhiều kiểu để kiếm sống từ công nhân, xe ôm, bán hàng, lượm ve chai, may gia công, làm tăm gia công, cho đến thợ hồ, thợ sơn,.....với thu nhập rất thấp. Tiền không đủ trang trải cuộc sống, họ phải mượn rồi trả góp mỗi ngày vài chục mà không được thiếu nợ ngày nào, cho đến khi nào trả đủ cả tiền gốc lẫn tiền lãi. Do đó, những năm qua, bà con đành chịu cảnh sống dưới căn nhà lụp xụp, mùa nắng thì nóng, mùa mưa thì ngập, hôi thối, mất vệ sinh, thấp thỏm trong nguy cơ nhà sập mà không có đủ tiền để sửa.
Theo thống kê của Sở Xây dựng, TP.HCM hiện còn hơn 20.000 căn nhà nằm ven và trên kênh rạch. Trong năm năm tới, kế hoạch đặt ra là di dời, giải tỏa một nửa trong số này. Trong đó, quận 4 và quận 8 là hai địa phương có số lượng nhà ở lụp xụp trên và ven kênh rạch nhiều nhất TP.HCM.
Hãy cùng PV tìm đến cận cảnh cuộc sống của người dân quận 8 trên mé kênh Đôi từ hàng chục năm qua.
Toàn cảnh căn nhà lụp xụp nằm ven kênh và trên kênh Đôi (quận 8, nhìn từ cầu Chánh Hưng). |
Hàng chục ngàn hộ dân phải sống trên dòng kênh đen, hôi thối từ nhiều năm nay. |
Người dân sống trong căn nhà lụp xụp, được che chắn bởi những mảnh tôn cũ và thải rác ngay cạnh nhà, tạo nên bên một bãi rác ven kênh Đôi. |
Những mái nhà lụp xụp được chống trên mặt kênh hiện lên dưới những tòa nhà vững chãi. |
Hằng năm, người dân sống ven khu vực này không biết phải sửa nhà bao nhiêu lần để tránh nhà bị sập bất ngờ. Trong ảnh, một người dân quận 8 đang chống lại trần nhà cho chắc. |
Đa phần các gia đình đều làm nhà bằng cây cừ tràm, chỉ sau một năm lại phải chực thay cừ mới để nhà khỏi sập. Trong ảnh, những cây cừ tràm đang mục theo thời gian và dưới kênh thì đầy rác thải. |
Bà Phạm Thị Năm đã có hơn 30 năm sống thấp thỏm trên kênh Đôi, trong căn nhà nhỏ hơn 15m2, bà vừa rửa rau, rửa chén, nấu ăn ngay cạnh miệng "cầu tõm". Mọi rác thải bà Năm đều tiện tay thả xuống kênh. |
Còn bà Phạm Ngọc Lan (phường 5, quận 8) (giữa) cùng người chị dâu (bìa phải) đang chia đôi gian bếp của cha mẹ, mỗi nhà chưa đến 10m2, đã rung rinh như sắp sập. Hắng ngày, bà Lan kiếm sống bằng nghề may vợt cá nhưng gần hết hai ngày mà bà Lan vẫn chưa may xong 50 vợt cá chỉ để kiếm 15.000 đồng.
|
Những đứa trẻ được lớn lên trên mé kênh Đôi mà những bậc cha mẹ luôn mong ngóng con mình có thể sớm thoát khỏi cảnh sống lụp xụp này |
Mọi rác thải người dân đều đẩy hết xuống dòng kênh. Trong ảnh, bà Bảy (quận 8) đang rửa các túi nylon đựng bún bà nhặt được để bán lại, toàn bộ bún thừa đều trôi tuột xuống kênh. |
Bởi thói quen của người dân mà đâu đâu cũng thấy rác thải nổi lềnh bềnh trên kênh. |