Hạn - mặn đang diễn ra gay gắt ở ĐBSCL làm nhiều cánh đồng đất nứt toác, lúa chết khô |
Viện Khoa học thủy lợi miền Nam cho biết, theo số liệu của Ủy hội sông Mê Kông, Trung Quốc đã có gia tăng phát điện từ ngày 9/3/2016 và đạt đỉnh từ ngày 12/3/2016. Mực nước tại Chiang Sean bắt đầu tăng từ ngày 12/3 đến ngày 14/3 và khá ổn định từ 14/3 đến nay.
Bộ ngoại giao Trung Quốc tuyên bố xả nước từ 15/3 đến ngày 10/4. Như vậy thông báo này còn chậm hơn cả quá trình vận hành thực của thủy điện Jinghong làm gia tăng nước về hạ lưu, lưu lượng xả tăng từ 1100m3/s lên 2190m3/s.
Bộ trưởng Năng lượng và mỏ của Lào tuyên bố xả nước phát điện vào khoảng 1130m3/s từ ngày 23/3 đến hết tháng 5. Thực tế lượng xả gia tăng dự đoán chỉ vào khoảng 500-600m3/s, một phần trước đó vẫn được xả phát điện.
Dự báo việc vận hành gia tăng của thủy điện Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng nước sông Mê Kông về đến Việt Nam vào khoảng 4/4/2016.
Việc xả nước của các thủy điện dòng nhánh thuộc Lào về đến Việt Nam mất thời gian khoảng 8-10 ngày, như vậy nước về sẽ cùng với đợt nước về từ Trung Quốc, dự báo lượng nước sau hôm nay (4/4) được xem là ổn định hơn và có hiệu quả đẩy mặn từ 7/4/2016 trở đi.
Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu đồng bằng sông Cửu Long khuyến cáo: Nguồn nước này chỉ là nhất thời, không mang tính bền vững. Vì vậy, người dân không nên xuống giống ồ ạt vụ hè thu sớm ở những vùng ven biển, vùng có nguy cơ thiếu nước, bởi sau khi Trung Quốc và Lào ngừng xả nước, mặn sẽ tiếp tục xâm nhập ở những khu vực này, bà con nông dân sẽ bị thiệt hại nặng nề hơn.
Theo Dân Trí