Ụ nổi 83 trôi nổi tại cảng Gò Dầu B, Đồng Nai |
Sau một loạt những bài viết của chúng tôi về việc Vinalines đang muốn “bán đấu giá nguyên trạng ụ nổi 83M” với mức khởi điểm 34,8 tỷ đồng, nhưng vẫn chưa có công ty nào mua
Trong khi, theo các chuyên gia, theo hợp đồng mua bán sẽ không thể trả lại cho phía Nga, thậm chí cho không Nga cũng không lấy, nên chỉ có thể bán với giá sắt vụn. Nhưng, một số đại gia sắt vụn có tiếng ở Bắc Ninh lại ngập ngừng không muốn mua, hoặc chỉ trả giá chưa đến 1 tỷ đồng.
Liên hệ với Đất Việt, ngày 31/1, bà Chi - đại diện cho Công ty TNHH Thương mại và Giải pháp môi trường Hưng Phát là một trong những cơ sở hàng đầu trong lĩnh vực thu mua và thanh lý phế liệu cho biết, hiện tại, công ty này có thiện chí mua lại ụ nổi 83M.
Thế nhưng, bà Chi nhấn mạnh: "Về nguyên tắc giá cả ban đầu sẽ do bên bán ra giá, sau đó, bên mua sẽ chủ động trả giá sao cho thuận mua vừa bán.
Nhưng điều quan trọng nhất là chúng tôi phải được đi xem hàng trực tiếp, cần biết ụ nổi đó hiện nay tình trạng ra sao, xuống cấp đến mức nào, khi đó mới có thể đưa ra giá cụ thể.
Vì hiện nay, thép cũng có những phần tái sản xuất được, nhưng nếu để lâu dưới nước biển như hiện nay, hơn cả chục năm thì nó cũng đã bị hao mòn nhiều.
Có thể công ty tính mức giá 34,8 tỷ đồng là khi còn nguyên trọng lượng tịnh, nhưng thực chất khi để ngâm dưới nước biển nó đã hao hụt nhiều, nên mức giá đó phải xem xét, khó đạt được.
Cho nên, đến nhìn trực tiếp ụ nổi này tôi có thể ra giá ngay lập tức, vì tôi chỉ cần nhìn qua đã biết được giá trị đích thực".
Theo bà Chi thì khi mua ụ nổi đó về phía công ty cũng sẽ phá dỡ ra rồi bán các vật liệu riêng biệt, chứ cũng không có nguồn đầu tư để có thể làm du thuyền trên biển, hay nhà hàng, cái này là khó khả thi.
"Nếu thiện chí bán, thì chúng tôi cũng thiện chí mua, lên lịch đi xem hàng, khi đó mới thống nhất giá, sau đó chúng tôi sẽ xem xét bên nào đảm nhận việc phá dỡ.
Mặt khác, chúng tôi cần hồ sơ danh mục những sản phẩm có trên ụ nổi hiện nay, để xem vật liệu nào có thể tái sản xuất, vật liệu nào giá phế liệu, rồi có một đơn giá tổng thể dựa theo danh mục đó", bà Chi nói.
Chia sẻ khó khăn, bà tâm sự, thực chất với những mặt hàng như chiếc ụ nổi trên, may mua không bằng may bán, nếu như mua ụ nổi mà không hao mòn nhiều thì kiếm được, còn chẳng may thì hòa vốn, lại mất công đi lại xem xét hàng, cũng như thuê nhân công phá dỡ.
Bà Chi cũng nói thêm: "Thời gian tới, nếu có thiện chí bán thì công ty Hưng Phát sẽ xuống cảng Gò Dầu B, Đồng Nai nơi ụ nổi 83M đang đậu để xem xét trực tiếp".
Đây cũng có thể coi là tin đáng mừng khi những ngày qua, các đại gia phế liệu khác đều ái ngại khi được đề cập đến việc mua ụ nổi trên.
Cụ thể, ông Lê Hoàng Hiếu - Giám đốc Công Ty TNHH Các Thịnh Xanh, công ty chuyên thu mua phế liệu số lượng lớn nói: "Với ụ nổi để lâu mà là thép nguyên khối thay vì thép rời, các công ty thường chỉ trả mức 2000đ/kg, thậm chí nhiều công ty non tay cũng không dám mua, vì chi phí quá nhiều.
Bây giờ chúng tôi muốn lấy thép thì phải sử dụng chất hóa học, đúc lỗ và nhiều biện pháp để xé ra được. Rồi thêm các xử lý, bao vùng đất để làm, rồi xử lý môi trường, tất cả các khoản tiền đều rất đắt.
Nếu đồng ý 2000đ/kg, thì tôi sẽ mua, tôi đố bán được trên 1 tỷ đồng. Còn nếu không bán với giá đó thì có thể đi hỏi các công ty khác, tôi e rằng không những không có người mua mà giá lại còn rẻ hơn cả 1 tỷ đồng".