Ngày 30/3 (giờ Mỹ) tại Washington D.C, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhân dịp tham dự Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ tư. Ảnh: TTXVN. |
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn Chính phủ Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hạt nhân tại Washinton D.C. Nhân dịp này, Phó Thủ tướng hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry để trao đổi về các biện pháp nhằm tăng cường quan hệ đối tác toàn diện và chuẩn bị cho chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Barack Obama.
Ngày 31/3, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, tại cuộc hội đàm, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định, Việt Nam coi trọng quan hệ hợp tác toàn diện với Mỹ, đánh giá cao việc hai bên tiếp tục nỗ lực nhằm cụ thể hóa những lĩnh vực hợp tác trong khuôn khổ quan hệ đã được lãnh đạo hai nước xác lập. Lãnh đạo và nhân dân Việt Nam hoan nghênh chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama. Trên tinh thần đó, hai bên cần tích cực chuẩn bị, tăng cường trao đổi để có thể đạt được những thỏa thuận cụ thể, thiết thực trong chuyến thăm.
Ngoại trưởng Kerry cho biết, Tổng thống Obama rất trông đợi chuyến thăm Việt Nam sắp tới và mong muốn đẩy mạnh hợp tác nhằm làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước trên các vấn đề chiến lược, nhất là kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục, biến đổi khí hậu, khoa học, công nghệ…
Ông Kerry bày tỏ mong muốn hai bên sớm thiết lập các cơ chế nhằm tăng cường giao lưu nhân dân, trong đó có việc sớm đạt thỏa thuận về việc Đội Hòa bình dạy tiếng Anh ở Việt Nam. Mỹ sẽ tiếp tục các nỗ lực hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh, đặc biệt trong việc tẩy độc các điểm nóng dioxin. Mỹ cũng sẽ có nhiều biện pháp hỗ trợ cụ thể để góp phần khắc phục tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ở Việt Nam.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Ngoại trưởng Kerry cũng trao đổi về tình hình khu vực và quốc tế, trong đó có vấn đề Biển Đông. Phía Mỹ khẳng định ủng hộ những nỗ lực đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải, giải quyết các tranh chấp thông qua các tiến trình pháp lý và bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông, phi quân sự hóa và không tiến hành tôn tạo các đảo, đá, ủng hộ xây dựng các cấu trúc liên kết khu vực, trong đó ASEAN đóng vai trò trung tâm.
Hỗ trợ Việt Nam thực thi TPP
Ngoại trưởng Kerry cho biết, chính quyền Obama đặc biệt đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam cùng các nước kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), coi đây là nỗ lực chung nhằm tạo dựng môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ông Kerry khẳng định, chính quyền Obama cam kết sẽ nỗ lực để thông qua TPP trong năm 2016. Phía Mỹ sẽ tiếp tục nỗ lực thúc đẩy các vấn đề phía Việt Nam quan tâm, nhất là vấn đề công nhận quy chế thị trường của Việt Nam, thúc đẩy việc trợ giúp kỹ thuật Việt Nam trong quá trình thực thi TPP, sớm tạo điều kiện để các cơ quan đại diện của Việt Nam tại Mỹ có trụ sở ổn định…
Chiều 30/3, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tiếp lãnh đạo hai tập đoàn Boeing và đoàn ACDL, đánh giá cao sự hợp tác của Boeing với các doanh nghiệp hàng không Việt Nam, trong đó có Vietnam Airlines và Vietjet Air. Phó Thủ tướng đề nghị Boeing tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật để Việt Nam sớm đạt được chuẩn an toàn hàng không cấp 1 để có thể thiết lập đường bay thẳng tới Mỹ cũng như hỗ trợ phát triển sản xuất linh kiện máy bay ở Việt Nam. Phó Thủ tướng đánh giá cao dự án đầu tư xây dựng khu phức hợp nghỉ dưỡng của ACDL ở Hồ Tràm (Bà Rịa - Vũng Tàu), khuyến khích tập đoàn này có các dự án mở rộng phát triển, đầu tư lâu dài khác ở Việt Nam…
Lo ngại nguy cơ khủng bố hạt nhân
Hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân lần thứ 4 khai mạc hôm qua tại Washington D.C, Mỹ, trong bối cảnh lo ngại về nguy cơ khủng bố hạt nhân ngày càng lớn. Các vụ tấn công đẫm máu tại Brussels, Bỉ gần đây làm gia tăng quan ngại về nguy cơ lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) có thể tấn công các nhà máy hạt nhân và phát triển bom “bẩn” phóng xạ. Chủ đề này có lẽ được các nhà lãnh đạo dự hội nghị quan tâm nhiều nhất, Reuters đưa tin hôm qua. Nhưng việc Tổng thống Nga Vladimir Putin tẩy chay hội nghị khiến giới quan sát nghi ngờ về khả năng hội nghị sẽ đạt được kết quả lớn. Phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 30/3 nói rằng, Nga không tham gia hội nghị vì “thiếu hợp tác song phương” trong việc xác định chương trình nghị sự của hội nghị. |
Theo Tiền Phong