Hàng loạt sai phạm lớn ở Đại học Y Dược TP.HCM

Thứ tư, 30/03/2016, 17:25
Đào tạo liên kết chui, giảng viên chưa có chứng chỉ sư phạm, đào tạo vượt quá thời gian cho phép… là những sai phạm được Thanh tra Bộ GD&ĐT phát hiện trong quá trình thanh tra trường ĐH Y Dược TP.HCM vừa qua.

21/23 giảng viên chưa có chứng chỉ sư phạm

Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Huy Bằng vừa ký kết luận thanh tra về công tác tuyển sinh, đào tạo của trường ĐH Y Dược TP.HCM.

Trong bản kết luận, Thanh tra Bộ chỉ rõ: Về tự xác định chỉ tiêu năm 2015, trường có 970 giảng viên cơ hữu. Tuy nhiên, khi kiểm tra thực tế thì chênh lệch giảm 197 giảng viên so với số liệu của trường báo cáo. Vì trường đã thống kê đồng thời số lượng giảng viên tiến sĩ ở cả vị trí chức danh GS, PGS, thống kê cả số lượng giảng viên các trình độ khác không thuộc giảng viên quy đổi theo quy định tại Thông tư 57 của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, theo kết luận của thanh tra, xét trên tiêu chí quy đổi giáo viên, giảng viên để xác định chỉ tiêu, trường vẫn đảm bảo yêu cầu.

Trường cũng ký hợp đồng có kỳ hạn 12 tháng nhiều năm liền với 83 người để làm nhiệm vụ giảng dạy là chưa đúng quy định. Kiểm tra 23 hồ sơ giảng viên của trường, đoàn thanh tra phát hiện có 21/23 giảng viên không có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm theo quy định.

Cấp bằng trên phôi bằng của trường khác

Theo kết quả kiểm tra công tác liên kết đào tạo giữa ĐH Y Dược TP.HCM và ĐH Tây Nguyên cho thấy, năm 2005, Bộ GD&ĐT có văn bản cho phép Trường ĐH Y dược TP.HCM và Trường ĐH Tây Nguyên được liên kết đào tạo 70 chỉ tiêu bác sĩ, dược sĩ cho các tỉnh Tây nguyên.

Từ năm 2006 đến năm 2008, không có văn bản cho phép tuyển sinh của Bộ GD&ĐT nhưng hai trường vẫn tiếp tục tuyển sinh, đào tạo theo hình thức trên. Tổng số đã tuyển sinh từ năm 2006-2008: ngành dược 117, ngành răng hàm mặt 59. ĐH Y Dược TP.HCM đã đóng dấu, cấp bằng tốt nghiệp cho người học trên phôi văn bằng của Trường ĐH Tây Nguyên chuyển giao. Cụ thể: Ngành dược 125 văn bằng, ngành răng hàm mặt 67 văn bằng. Hiện còn 9 sinh viên ngành dược và 10 sinh viên ngành răng hàm mặt chưa tốt nghiệp.

Thanh Tra Bộ đề nghị hiệu trưởng, hiệu phó trực tiếp phụ trách đào tạo kiểm điểm trách nhiệm và tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm trên theo thẩm quyền.

Năm 2008, trường được Bộ GD&ĐT giao bổ sung 50 chỉ tiêu đào tạo bác sĩ đa khoa và 50 chỉ tiêu đào tạo dược sĩ để tăng cường đội ngũ cán bộ giảng viên cho khoa y dược của ĐH Đà Nẵng.

Năm 2009, ĐH Y Dược TP.HCM vẫn tiếp tục liên kết với ĐH Đà Nẵng để tuyển sinh mà không đề nghị Bộ GD-ĐT giao chỉ tiêu. Số lượng đã tuyển: bác sĩ đa khoa 18, dược sĩ 27.

Năm 2011, khi được Bộ GD&ĐT cho phép bổ sung 60 chỉ tiêu tuyển sinh hệ liên thông để đào tạo Bác sỹ đa khoa theo địa chỉ cho 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi tại địa điểm ĐH Đà Nẵng nhưng trường đã vượt 6 chỉ tiêu. Trường đã không ký kết hợp đồng liên kết đào tạo với ĐH Đà Nẵng và số lượng tuyển sinh ngành bác sĩ đa khoa là 53.

Kéo dài thời gian đào tạo

Theo Thanh tra Bộ GD&ĐT, liên quan đến việc cho phép các sinh viên hết thời gian tối đa được phép học, học lại, thi lại tốt nghiệp, trường thực hiện không đúng quy định. Kiểm tra hồ sơ cấp bằng của 16 trường hợp có phản ánh việc đào tạo quá thời gian học tập cho thấy trường đã cấp bằng cho 13 trường hợp có thời gian học tập từ 10 đến 27 năm, trong đó trường hợp 27 năm là ông N.V.C!

Trong số các trường hợp trường đã buộc thôi học, kiểm tra 3/45 trường hợp, Thanh tra Bộ nhận thấy trường hợp của ông L.V.V trúng tuyển năm 1995, học liên tục 6 năm đến năm 2001 do có môn học điểm dưới 5 nên bị tạm ngừng học để trả nợ môn. Năm 2002, ông V đủ điều kiện dự thi tốt nghiệp nhưng lại có 2 môn thi tốt nghiệp không đạt. Năm 2003, trường tiếp tục cho phép thi lại nhưng không đạt. Trường cho  tạm ngừng học 2 năm, đến năm 2006, trường cho phép thi lại tốt nghiệp nhưng ông V vẫn trượt.

Từ năm 2007 đến 2010, ông V tiếp tục vào trường thi lại nhưng không được giải quyết. Hay như trường hợp của sinh viên P.T.S trúng tuyển năm 1998 nhưng do nợ môn học lại, thi lại không đạt nên năm 2011 bị cấm thi. Sinh viên L.T.M.V trúng tuyển năm 2002 nhưng từ năm 2009, sinh viên này bị tạm ngừng học để trả nợ 3 môn. Từ 2009-2012, sinh viên này trả nợ 3 môn nhưng không đạt. Ngày 31/12/2013, trường đã ban hành quyết định buộc thôi học 45 sinh viên khoa Y trong đó có 3 sinh viên trên. Tuy nhiên, trường không có văn bản trả lời cho sinh viên rõ khi sinh viên đề nghị.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Thanh tra Bộ GD&ĐT cho rằng để xảy ra những sai phạm, thiếu sót trên, trách nhiệm thuộc về hiệu trưởng, hiệu phó phụ trách công tác đào tạo, phòng đào tạo, ban quản lý đào tạo khoa Y, trưởng phòng đào tạo, trưởng khoa Y và các bộ phận, cá nhân có liên quan ở từng thời điểm tương ứng.

Đồng thời, Thanh tra yêu cầu trường hủy bỏ kết quả tốt nghiệp và văn bằng tốt nghiệp của ông N.V.C, cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành chương trình theo quy định.

Đối với các trường hợp đã cấp bằng, nếu thời gian học tập, thời gian thi tốt vượt quá giới hạn của Quy chế và không đủ điều kiện xét tốt nghiệp, công nhận tốt nghiệp thì hủy bỏ kết quả tốt nghiệp và thu hồi văn bằng đã cấp.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích