Tiểu thương bến xe Miền Đông đang lao đao

Thứ tư, 30/03/2016, 13:36
Bến xe Miền Đông vừa quy hoạch lại địa điểm lên tài (nơi xe đón khách)  khiến hàng loạt tiểu thương thuê mặt bằng kinh doanh hàng ăn uống tại đây lao đao. Vì kinh doanh ế ẩm, họ đã phải làm đơn xin cứu xét...
Một dãy ki-ốt kinh doanh hàng ăn tại bến xe Miền Đông.

Tiểu thương điêu đứng

Ngày 18-3-2016, hàng chục tiểu thương kinh doanh hàng ăn uống tại các dãy ki-ốt A, B, C, D trong bến xe Miền Đông có đơn xin cứu xét gửi lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên Bến xe Miền Đông. Trong đơn, các tiểu thương cho biết, kể từ đầu tháng 1-2016, khi bến xe quy hoạch lại địa điểm lên tài - nơi xe đón khách - thì hàng quán của họ buôn bán ế ẩm, không có khách.

Trước đây, bến xe Miền Đông có rất nhiều địa điểm lên tài được đặt tại khu vực đậu xe chạy khắp các tuyến (đến các tỉnh, thành) nên hành khách có vé đi tỉnh, thành nào thì tự tìm đến nơi lên tài của xe đi tỉnh, thành đó... Và, trong khoảng thời gian chờ đến giờ xe chạy, hành khách có thể ăn uống ở các ki-ốt trong bến xe của các tiểu thương.

Tuy nhiên, kể từ đầu tháng 1-2016, khi bến xe Miền Đông áp dụng quy chuẩn quốc gia về bến xe khách - thay đổi vị trí lên tài gần phòng chờ và phòng vé để thuận tiện cho hành khách đi xe - thì hành khách có vé không phải vào bến tìm xe để đi như trước đây nữa; họ chỉ ngồi ở nhà ga (gần vị trí lên tài), đến giờ, xe sẽ đến đón họ. Cho nên, cơ hội bán hàng cho hành khách của các ki-ốt trong bên xe coi như không còn nữa!

Theo ghi nhận thực tế của phóng viên trong hai ngày 19 và 20-3-2016 ở các ki-ốt trong bến xe Miền Đông, hầu hết hàng quán tại các dãy ki-ốt A, B, C, D (trên 60 ki-ốt) đều rất vắng khách. Đã có một số ki-ốt đóng cửa không buôn bán (B13, 14...), một số thì “chuyển mục đích” - trở thành điểm giao dịch của các nhà xe (B9...). Rất nhiều tủ bánh mì, xe nước mía... đặt tại các dãy ki-ốt này chỉ còn “xác không hồn”.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Hường, chủ hàng quán tại ki-ốt C4, cho biết trước đây bà bán cơm mỗi ngày hơn 40 lon gạo nhưng hiện giờ thì chưa đến 15 lon. Ngồi ghế bên cạnh, chồng bà, ông Lữ, bắt chân chữ ngũ nhìn xa xăm, nói: “Bây giờ hai vợ chồng ngồi không vầy chứ hồi trước, giờ này, hai vợ chồng tui cùng hai người phụ việc phải ba chân bốn cẳng chạy phục vụ khách”.

Rồi ông Lữ chỉ vào xe bánh mì trống trơ ở góc ki-ốt, nói tiếp: “Từ bốn giờ sáng đến giờ mà bán chưa hết 10 ổ...”. Ông thổ lộ, vì buôn bán khó khăn nên khi quán không có khách, vợ ông phải chạy khắp nơi trong bến xe để mời các nhà xe quen mua cơm hộp, bánh mì, cà phê... “Khi mời được khách là vợ tui điện thoại, tui ở quán làm, bả chạy về lấy đem cho khách”, ông kể về cách thức bán hàng ...“để tồn tại”.

Lẽ ra các cửa hàng ăn uống ở ga hành khách phải được tổ chức đấu thầu theo hướng ưu tiên cho các tiểu thương đang buôn bán tại bến xe.

Hàng quán tại ki-ốt A9-A10 có vài khách đang ngồi ăn cơm chiều, nhưng ông Hùng, chủ quán, cũng than, rằng “quán bán chậm lắm”! Ông cho biết, hồi chưa thay đổi vị trí lên tài, quán của ông rất đông (hành) khách, họ ngồi đây ăn, uống và chờ giờ lên xe về Bình Phước.

Chỉ hai cái tủ bánh mì, bánh ngọt trống trơn tại ki-ốt, ông Hùng, nói:  “Bây giờ bánh mì, bánh ngọt... tui dẹp hết. Khách của quán chủ yếu là nhân viên nhà xe nên tui chỉ bán cơm, nước ngọt, cà phê thôi”.

Ông Hùng cho biết, doanh thu của quán ông hiện nay giảm nhiều, chỉ còn khoảng một nửa so với trước đây. Ông lại chỉ về phía ki-ốt ở dãy B đang đóng cửa, ông nói: “Có một số chủ quán ở đây chịu không nổi sự ế ẩm nên tháo chạy, nhưng tôi cố bám trụ chờ lãnh đạo bến xe xem xét... chứ mình đã buôn bán ở đây mười mấy năm rồi!”, ông nói.

Theo tìm hiểu của chúng tội, chi phí thuê mặt bằng các ki-ốt trong bến xe Miền Đông không hề rẻ. Giá cho thuê cao hay thấp phụ thuộc vào từng vị trí, nhưng bình quân một ki-ốt dưới 30 mét vuông có giá thuê khoảng 12 triệu đồng một tháng. Chưa kể giá điện (do Công ty TNHH một thành viên Bến xe Miền Đông thu) cũng cao chót vót, 3.800 đồng/kWh điện.

Vì vậy, trong đơn của tập thể tiểu thương các ki-ốt ở bến xe Miền Đông có đoạn viết: “Chúng tôi đang rất lo lắng, vì bây giờ không biết lấy đâu ra tiền để nuôi gia đình và đóng phí thuê mặt bằng cho công ty... Cho nên, chúng tôi làm đơn này kính mong giám đốc và các cấp lãnh đạo bến xe nghiên cứu, xem xét có cách nào phù hợp hơn để bà con được yên tâm buôn bán”.

“Cách nào phù hợp hơn”?

Thừa nhận việc chỉnh trang, sắp xếp lại nơi xe đón khách có “ảnh hưởng đến việc kinh doanh của tiểu thương ở dãy A, B, C, D”, nên ngày 14-3-2016, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Bến xe Miền Đông Nguyễn Ngọc Thừa, có văn bản gửi các tiểu thương, cho biết “từ ngày 1-3-2016, công ty giảm giá thuê mặt bằng 5%” cho hầu hết các tiểu thương kinh doanh ăn uống tại đây.

Tuy nhiên, nhiều tiểu thương cho rằng “cách” giảm 5% tiền thuê mặt bằng là không phù hợp vì không thể giúp họ thoát ra khỏi khó khăn hiện tại. Cho nên, ngày 18-3-2016, họ đã gửi đơn xin cứu xét đến lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên Bến xe Miền Đông.

Trả lời PV về hướng giải quyết khó khăn cho các tiểu thương tại bến xe Miền Đông, bà Nguyễn Thị Thanh Dung, Phó giám đốc Công ty TNHH một thành viên Bến xe Miền Đông, cho rằng công ty chỉ có thể giảm giá thuê mặt bằng ở mức 5% chứ không có cách nào tốt hơn.

Bởi vì, theo bà Dung, Nhà nước giao chỉ tiêu doanh thu cho công ty năm 2016 là phải tăng 5%. “Nhưng lượng xe ra - vào bến dự báo không tăng, buộc chúng tôi phải tăng doanh thu từ dịch vụ cho thuê các mặt bằng... Nếu giảm giá thuê cho các tiểu thương nhiều hơn nữa thì công ty sẽ không đảm bảo chỉ tiêu doanh thu”, bà Dung nói.

Bà Dung cho rằng, nếu các tiểu thương không kinh doanh nổi thì trả lại mặt bằng cho công ty, công ty sẽ cho các nhà xe thuê để họ làm các điểm giao dịch...

Ông Hùng (kinh doanh ki-ốt A9 - A) cho rằng, về lý có thể là vậy, vì trong hợp đồng cho thuê mặt bằng giữa hai bên có điều khoản bên cho thuê có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng khi bên thuê trả tiền không đủ, không đúng hạn. Nhưng về tình thì... nghe nói câu “thuê không nổi thì trả” có phần chua xót, vì hầu hếtcác tiểu thương đã gắn bó với việc kinh doanh ở bến xe Miền Đông đã hơn 10 năm.

Nhưng, luật sư Phan Hùng, Trưởng Văn phòng luật sư Phan Hùng, cho rằng nguyên nhân dẫn đến việc hàng quán của các tiểu thương trở nên ế ẩm là do bến xe thay đổi địa điểm lên tài nên Công ty TNHH một thành viên Bến xe Miền Đông phải có phần trách nhiệm, vì “lỗi” không thuộc về các tiểu thương.

Dù việc quy hoạch lại khu vực lên tài mới gần ga hành khách ở bến xe Miền Đông là một bước tiến bộ, cần ủng hộ, vì hành khách không phải tìm xe mà xe tìm hành khách, nhưng lẽ ra, trước khi quy hoạch lại, Công ty TNHH một thành viên Bến xe Miền Đông phải thông báo cho các tiểu thương là khách hàng của mình biết, vì dễ dàng phán đoán được sự thay đổi này sẽ ảnh hưởng đến họ.

Và, lẽ ra, khi bến xe Miền Đông xây dựng ga hành khách và điểm lên tài mới thì các cửa hàng ăn uống ở ga hành khách phải được tổ chức đấu thầu theo hướng ưu tiên cho các tiểu thương đang buôn bán tại bến xe. Nhưng, thực tế thì... con đường làm ăn, mưu sinh của hàng chục tiểu thương tại bến xe này đang đi vào ngõ cụt.

Theo TB KTSG

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích