Con đập ở thượng nguồn Lào |
Bộ Năng lượng và Mỏ Lào và Ủy hội sông Mekong cho rằng, đây là tác động tích cực sau khi bốn nhà máy thủy điện của Lào đã tiến hành xả nước vào ngày 21/3.
Trước đó, ngày 15/3, Trung Quốc tăng cường xả nước ở đập thủy điện Cảnh Hồng. Nhà máy Thủy điện Nặm Ngừm 1 là một trong số các nhà máy thủy điện được Bộ Năng lượng và Mỏ Lào chỉ đạo tăng lưu lượng xả nước nhằm tăng lượng nước đổ vào sông Mekong.
Theo kế hoạch đã được duyệt từ đầu năm, trong tháng này, lưu lượng xả nước của nhà máy thủy điện Nậm Ngừm 1 là hơn 392 m3/giây. Nhưng ngay khi có chỉ đạo của Bộ Năng lượng và Mỏ, Ban giám đốc nhà máy thủy điện Nặm Ngừm 1 đã vận hành nhà máy suốt thời gian 24/24 để tăng lưu lượng nước xả nước xuống hạ nguồn Mekong.
Ông Buavanh Chansavath, Giám đốc Nhà máy thủy điện Nặm Ngừm 1 cho biết: “Hiện lưu lượng xả nước của nhà máy Nặm Ngừm 1 ở mức 438 mét khối một giây. Ngoài ra, nhà máy thủy điện Nặm Lịch cũng xả ra khoảng 60 m3/giây, nghĩa là trên sông Nặm Ngừm mỗi ngày ngày sẽ xả khoảng m3/giây để cho bà con nông dân phía hạ nguồn nhất là Campuchia, Việt Nam, Thái Lan chống hạn.
Đoạn sông Mekong chảy ra thủ đô Vientiane là nơi mực nước sông lên cao trông thấy. Cách đây khoảng 1 tuần vẫn còn là dải cát trắng và cứ mỗi buổi chiều, nhiều người dân thủ đô lại ra đây để vui chơi. Tuy nhiên cho đến thời điểm cuối tháng 3 này tất cả đã ngập chìm trong nước.
Anh Vanna Boulom, người dân thủ đô Vientiane đã có nhiều năm đánh cá trên khúc sông này cho biết: “Nhiều người dân thủ đô những ngày này cũng tranh thủ nước sông Mekong dâng để đánh bắt cá. Mấy hôm trước, nước sông vẫn cách chỗ thuyền anh đang neo đậu từ 15 đến 20m. Theo kinh nghiệm của anh, nước sông Mekong chỉ dâng lên khi mùa mưa tới, nhưng giờ lại đang là mùa khô”.
Bộ Năng lượng và Mỏ Lào cho biết trước tình hình hạn hán nghiêm trọng trong 20 năm trở lại đây của các nước hạ nguồn sông Mekong, Chính phủ Lào đã chỉ đạo các nhà máy thủy điện tăng lưu lượng xả nước từ 4 hệ thống sông gồm Nặm U, Nặm Khan, Nặm Ngừm và Nặm Thơn với lưu lượng xả là 1.136m3/giây.
Thời gian thực hiện từ ngày 21/3 đến hết tháng 5/2016. Theo tính toán của Bộ Năng lương và mỏ Lào, tổng lượng nước được xả xuống từ thượng nguồn sông Mekong qua Lào, Campuchia vào Việt Nam là khoảng 3.611m3/giây và lượng nước này sẽ tới đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam vào đầu tháng Tư.
Ông Phạm Tuấn Phan, Giám đốc điều hành Ủy hội Sông Mekong cho biết thêm, từ ngày 17 đến ngày 21/3, mực nước trên sông Mekong đoạn qua Vientiane đã lên hơn 1m, từ mức 1,02m lên mức 2,04m.
Ủy hội sông Mekong cũng yêu cầu các nước thành viên của Ủy hội sông Mekong cũng như nước không phải là thành viên của Ủy hội sông Mekong cố gắng sử dụng nước sông Mekong một cách hiệu quả nhất để nước có thể xuống đến Đồng bằng Sông Cửu Long.
Đối với nhiều người dân Vientiane, việc nước sông Mekong dâng lên vào thời điểm này là một điều bất thường. Bởi bây giờ đang là mùa khô và không có mưa nhưng với những người dân ở hạ nguồn con sông này, trong đó có nhiều người dân ở Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, đây có thể là một tín hiệu vui. Bởi nó có thể giúp họ sớm giảm được những thiệt hại do tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn gây ra trong sản xuất nông nghiệp.
Theo VOV