Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), với trên 700km bờ biển, khu vực ĐBSCL hiện có 265 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài 450km, trong đó có 20 điểm nóng về sạt lở.
Vỡ toang đê biển
Tại cửa biển Gành Hào (huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu), đoạn kè chắn sóng hàng trăm tỉ đồng được xây dựng kiên cố từ năm 2000 dường như không còn đủ sức chống chọi với những cơn sóng hung tợn. Từng đợt sóng cứ vồ lấy chân đê như chực chờ cuốn trôi tất cả, đe dọa cuộc sống của 4.000 hộ dân.
Ông Lai Tấn Đủ cho biết một phần căn nhà của ông đã bị sóng biển đánh sập |
Cách đây hơn 20 năm, từ bờ kè này đi xuyên qua một cánh rừng phòng hộ rồi một dải đất trống khoảng hơn 500m nữa mới thấy được nước biển. Thế mà giờ đây, sóng biển ngoạm mất đất đai, rừng phòng hộ và tiến vào sát thị trấn đông đúc này. “Con đê dường như không còn đủ sức bảo vệ chúng tôi khi sóng biển ngày càng bất thường và dữ dội” - ông Nguyễn Văn Bé, một người dân sống hơn 40 năm bên bờ biển này, thảng thốt.
Tình trạng xói lở bờ biển ở tỉnh Kiên Giang ngày càng diễn ra nghiêm trọng do diện tích rừng phòng hộ bị thu hẹp. Nhiều hộ dân đã mất nhà cửa hoặc phải dời nhiều lần để tránh thiệt hại. Mới đây, cả nhà ông Lai Tấn Đủ (ngụ ấp Kim Quy B, xã Vân Khánh, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang) đang ngủ say thì một phần căn nhà bị sóng đánh sập xuống bờ biển.
“Nước biển thường xuyên dâng cao, chúng tôi chỉ biết cầu vào sự may rủi chứ đâu còn đất để di dời. Chỉ mấy năm trước, cả khu vực này là đất liền nhưng bây giờ đều đã chìm trong biển nước” - ông Đủ tiếc nuối.
Cũng do xói lở bờ biển mà Đồn Biên phòng 714 ở xã Kim Quy, huyện An Minh phải dời sâu trong đất liền 500m. “Vị trí căn nhà nằm chơi vơi giữa biển nước trước đây là đất liền. Người ta vẫn phải bám trụ trong đó chứ đâu còn cách nào khác cho dù nguy hiểm luôn rình rập” - một chiến sĩ biên phòng chỉ tay về phía biển nói.
Mũi Cà Mau từng là vùng bãi bồi, hằng năm lấn biển hàng chục, hàng trăm mét thì giờ phía bờ Đông đang bị sạt lở nghiêm trọng, có những nơi lên đến 50m.
Thấp thỏm với bờ sông
Hằng ngày, người dân lưu thông trên đường Võ Tánh (khu vực Yên Thượng, phường Lê Bình, quận Cái Răng, TP.Cần Thơ) luôn thấp thỏm lo sợ vì không biết con đường sẽ sụp xuống sông Cái Răng bất cứ lúc nào.
Anh Lê Anh Hào, một người dân địa phương, phản ánh gần 1 năm trước, con đường này từng bị sạt lở, làm 3 căn nhà rơi xuống sông. Sau đó, chính quyền địa phương đã gia cố lại, đổ đá để dân đi tạm, có cắm biển “đường sạt lở, nguy hiểm”. Vậy mà giờ đây lại xuất hiện vết nứt ngay con đường và phía đoạn bê-tông chắn dưới sông. Đoạn đường này hằng ngày rất đông người qua lại, nhất là học sinh.
Theo Bộ NN-PTNT, những năm gần đây, mỗi năm sạt lở đã ăn 500ha đất của vùng ĐBSCL với tốc độ sạt lở dọc theo bờ biển lên đến 30-40m/năm. Sạt lở bờ sông Tiền và sông Hậu xảy ra nghiêm trọng vào đầu và cuối mùa lũ tại các khu vực nóng, như: Thị trấn Tân Châu, tỉnh An Giang; thị xã Sa Đéc, thị trấn Hồng Ngự; xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp; TP.Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long; khu vực Châu Đốc, TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang với quy mô sạt lở từ vài trăm mét đến vài km. Thậm chí, sạt lở còn diễn ra trong cả mùa khô, không chỉ xảy ra trên các sông chính mà ngay cả các kênh rạch lớn như: kênh Xáng Xà No (Cần Thơ, Hậu Giang); kênh Vĩnh Tế (An Giang)…
Do nằm đầu nguồn sông Tiền nên Đồng Tháp luôn là tỉnh chịu thiệt hại nặng nề nhất ở khu vực ĐBSCL về tình trạng sạt lở bờ sông. Ông Lê Thanh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Đồng Tháp, cho biết tỉnh đang thực hiện các dự án kè chống xói lở ở xã Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò; thị trấn Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự và tại TP Sa Đéc. Trước mắt, các ngành chức năng đang cùng địa phương vận động và hỗ trợ di dời 1.000 hộ dân vùng sạt lở, vùng ngập sâu vào các cụm - tuyến dân cư đã hoàn thành.
Ông Hoàng Văn Tuấn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, khẳng định xói lở xảy ra ở hầu hết các huyện ven biển trong tỉnh. Hiện 2 đoạn đai rừng phòng hộ ở huyện An Minh chỉ còn rất mỏng, khoảng từ 30 đến 100 m. Trong khi đó, toàn bộ tuyến biển ở huyện Hòn Đất đều xảy ra xói lở nghiêm trọng với hơn 350 hộ dân bị ảnh hưởng.
Do đập thủy điện và nạn hút cát quá đà
Theo ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL, lượng phù sa đổ về ĐBSCL trước đây khoảng 160 triệu tấn bùn cát/năm. Sau khi Trung Quốc xây các đập ở thượng nguồn sông Mê Kông, lượng phù sa chỉ còn 75 triệu tấn/năm. Nếu Lào và Campuchia xây thêm đập thì tương lai lượng phù sa này chỉ còn 42 triệu tấn/năm khi đổ về ĐBSCL. Thiếu phù sa sẽ sinh ra hiện tượng “nước đói” nên lòng sông sẽ “cạp” 2 bên bờ sông, bờ biển để bù vào, sinh ra sạt lở.
Để hạn chế tình trạng sạt lở, ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, cho biết bộ đang phối hợp với các tổ chức quốc tế và những đơn vị có liên quan đề xuất các giải pháp phòng chống, như: phục hồi vùng bị sạt lở thông qua việc phát triển rừng ngập mặn; rà soát lại quy hoạch đê biển, phát triển vùng biển...
Phó Cục trưởng Cục Phòng chống thiên tai Tăng Quốc Chính cũng kiến nghị các địa phương cần nghiêm cấm mọi hình thức hút cát ở hạ lưu sông và toàn bộ khu vực ven biển; tăng cường quản lý việc xây dựng các công trình lấn chiếm hành lang ven sông, biển để hạn chế tình trạng sạt lở.
Cần hợp tác quản lý tài nguyên Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng cho rằng cần phải có những giải pháp đồng bộ, trong đó chú trọng việc hợp tác quản lý tài nguyên nước bền vững lưu vực sông giữa các quốc gia lưu vực sông Mê Kông; tăng cường hợp tác quốc tế trong việc bảo vệ bờ sông, hạn chế sạt lở bờ sông, đê biển. |
Theo NLĐ