Người miền Tây 'giải nhiệt' vì xâm nhập mặn giảm

Thứ ba, 12/04/2016, 14:01
Dòng nước ngọt từ thượng nguồn sông Mekong đổ về đang giúp nguồn nước máy ở miền Tây được cải thiện, cây ăn trái bắt đầu đâm chồi trở lại sau thời gian dài chống chọi hạn mặn.
Lượng nước ngọt từ thượng nguồn đổ về miền Tây nhiều hơn kết hợp với triều cường sẽ đẩy nước mặn lùi về phía biển.

Cả tuần qua, người dân Bến Tre - nơi được xem là vùng "rốn" hạn mặn của miền Tây - cảm thấy dễ chịu hơn khi độ mặn trên hệ thống sông rạch giảm mạnh. Nông dân phấn khởi khi dòng nước ngọt về, hàng nghìn hecta vườn cây trái ở vùng đầu nguồn của tỉnh trong cơn cháy khát được "tắm mát".

"Mấy ngày qua, dù ngay đợt triều cường nhưng nước ngọt thượng nguồn vẫn về nhiều, bà con ở làng hoa kiểng cây giống này mừng lắm. Vườn kiểng 600 cây của tôi trị giá hơn 500 triệu đồng đang chết khô được cứu sống rồi", ông Trần Minh Mẫn (59 tuổi, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách) phấn khởi.

Theo tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm - Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Chợ Lách, địa phương có hơn 8.600 hecta cây ăn trái đặc sản, hoa kiểng, cây giống. Mỗi năm, nơi đây cung ứng ra thị trường 120.000 tấn trái cây, 17 triệu cây giống, 12 triệu sản phẩm hoa kiểng.

"Nước ngọt về đã đẩy lùi, làm giảm độ mặn trên địa bàn xuống 4-5 lần so lúc cao điểm, hiện chỉ còn 0,5-0,9g/lít, bà con vui lắm. Trong vòng 2 ngày tới, sẽ có đợt nước ngọt về nhiều hơn. Chúng tôi khuyến cáo người dân chủ động dự trữ trong ao, mương, hồ phục vụ tưới tiêu đến khi mưa xuống", tiến sĩ Liêm nói.

Độ mặn giảm mạnh khiến chất lượng nước máy cung cấp cho người dân trong tỉnh cũng cải thiện rất lớn. Bà Nguyễn Thị Diễm Phượng - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre - cho biết, tại trạm bơm Cái Cỏ ở huyện Châu Thành (chủ yếu lấy nước từ sông Tiền), độ mặn chỉ còn 0,3g/lít, trong khi lúc cao điểm giữa tháng 3 lên tới 1g/lít. Độ mặn đo được trên sông Hàm Luông, tại nhà máy nước Sơn Đông dao động khoảng 1g/lít, giảm 3-4 lần.

"Hiện mỗi ngày, trạm bơm Cái Cỏ đưa về nhà máy nước Sơn Đông (cách xa khoảng 30km) hơn 35.000m3, pha loãng với nguồn nước tại chỗ rồi xử lý, phục vụ người dân sử dụng, chất lượng được cải thiện rất lớn, chỉ còn nhiễm mặn 0,5g/lít", người đứng đầu ngành cấp thoát nước Bến Tre nói.

Người dân tranh thủ bơm nước vào hệ thống mương nội đồng phục vụ sản xuất.

Còn tỉnh Đồng Tháp cũng đã cơ bản hoàn tất việc xuống giống gần 190.000 hecta lúa hè thu. "Lượng nước từ thượng nguồn về tương đối khá, có tác dụng rất lớn cho nông dân trong việc đảm bảo nguồn nước tưới, giảm chi phí bơm chăm sóc lúa, cây ăn trái, hoa màu, thay nước cho những ao hồ nuôi cá tra xuất khẩu…", ông Nguyễn Văn Công - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhận định.

Tại vùng hạ lưu sông Hậu, lượng nước ngọt từ thượng nguồn đổ về dù không lớn nhưng cũng góp phần kéo giảm tối đa thiệt hại do hạn mặn gây ra. Vườn chanh 6.000m2 của ông Lưu Tuấn Chàng (xã An Thạnh 1, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng) đã được cứu. Cây bắt đầu đâm chồi, có dấu hiệu phục hồi trở lại sau thời gian dài chống chọi hạn mặn.

"Tôi mua máy đo độ mặn. Hàng ngày ra thăm vườn, hễ đo thấy độ mặn giảm xuống là mở cống cho nước vào vườn để tưới chanh ngay", lão nông nói.

Theo ông Nguyễn Văn Đắc - Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện Cù Lao Dung, huyện có 2.400ha vườn cây ăn trái. Đợt hạn mặn vừa qua, bà con ở đây chịu thiệt hại rất lớn. Mấy hôm nay, nước ngọt đổ về, nông dân tranh thủ lấy nước. Tuy nhiên, nước mới chỉ về được nửa diện tích cù lao, phần còn lại vẫn còn thiếu nước trầm trọng.

Ông Huỳnh Ngọc Vân, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho biết, nước ngọt do Trung Quốc và Lào xả xuống sông Mêkong hơn nửa tháng trước đã cứu được hàng nghìn hecta lúa, ngăn chặn thiệt hại đối với diện tích lúa đang cần nước dưới 30%.

"Tranh thủ lượng nước ngọt về, người dân đã xuống giống được hơn 1.200 hecta lúa hè thu sớm. Đối với diện tích trồng cây ăn trái, các nhà vườn chủ động tích trữ, phục vụ tưới tiêu", ông Vân nói.

Ông Nguyễn Văn Quân, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng bơm nước tưới cho vườn nhãn.

Trong khi đó, ở các địa phương vùng hạ lưu lại xa các dòng sông chính nên lượng nước ngọt rất khan hiếm, không đủ phục vụ sản xuất. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thông tỉnh Bạc Liêu Lương Ngọc Lân cho biết, những đợt xả đập vừa qua từ phía Trung Quốc, nước ngọt vẫn chưa về tới địa phương nên diện tích nông nghiệp thiệt hại vẫn không giảm.

"Bạc Liêu vẫn còn bị mặn bao vây (thiệt hại hơn 13.800 hecta), hiện còn khoảng 600 hecta lúa đông xuân muộn ở thị xã Giá Rai có khả năng ảnh hưởng. Ngành đã khuyến cáo nông dân dừng xuống giống vụ hè thu mà phải đợi mưa xuống", ông Lân nói.

Còn tại Trà Vinh, ngành nông nghiệp huyện Càng Long khuyến cáo người dân không nên sạ lúa vụ hè thu, thậm chí có thể cắt vụ chuyển qua làm lúa thu đông sớm vào tháng 7, vì lo sợ nguồn nước về đợt này không đảm bảo sản xuất. Tuy nhiên, khi thấy nước về, nhiều nông dân đã tranh thủ xuống giống gần 900 hecta.

"Nông dân sản xuất không theo khuyến cáo, nên hiện tại đã có một phần diện tích bắt đầu thiếu nước, cây lúa héo vàng. Vài ngày tới, nếu nước ngọt về nhiều, đủ đảm bảo phục vụ cho diện tích 14.000 hecta thì huyện sẽ cho nông dân xuống giống toàn bộ còn không thì phải chờ mưa xuống", ông Nguyễn Văn Khoa, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Càng Long nói.

Viện khoa học thủy lợi miền Nam dự báo từ nay đến cuối tháng 4, tại vùng cửa sông Cửu Long mặn giảm nhanh. Phạm vi cách biển 25-40 km có nước ngọt xuất hiện khá dồi dào, nhất là khi triều thấp. Các địa phương cần tập trung tối đa phương tiện để lấy nước ngọt (dùng cho cả thời kỳ đến tháng 6,7). Trong đó, đặc biệt chú ý mở các cống ở hệ thống ngọt hóa Gò Công, Nam Mang Thích…

Theo VNE

Các tin cũ hơn