Nhà hàng Triều Tiên có tên Arirang ở Trung Quốc. Ảnh: Anna Fifield/The Washington Post |
Hôm 8/4, chính quyền Hàn Quốc nói rằng 13 người Triều Tiên đã đào tẩu sang nước này, Washington Post đưa tin. Mặc dù những vụ việc như vậy không phải hiếm, tính chất của cuộc đào tẩu lần này có phần khác, khi tất cả những người này đều là nhân viên một nhà hàng Triều Tiên ở nước ngoài.
Jeong Joon-hee, người phát ngôn Bộ thống nhất Hàn Quốc, cho biết các nhân viên nhà hàng, gồm một nam và 12 nữ, đã tới Hàn Quốc. "Đây là lần đầu tiên một nhóm người Triều Tiên thuộc một nhà hàng cùng nhau tới Hàn Quốc", ông Jeong cho biết.
Vụ việc khiến dư luận chú ý tới một khía cạnh khá khác thường trong chính sách đối ngoại của Triều Tiên, đó là hoạt động kinh doanh nhà hàng ở nước ngoài. Dù những nhà hàng này có thể đóng vai trò quảng bá Triều Tiên ra thế giới, mục đích quan trọng nhất vẫn là cung cấp ngoại tệ mạnh cho quốc gia bị cô lập về tài chính này.
Có khoảng hơn 100 nhà hàng Triều Tiên khắp thế giới, hầu hết mang thương hiệu chuỗi nhà hàng Bình Nhưỡng (ngoài ra Okryugwan, một nhà hàng nổi tiếng tại Bình Nhưỡng, cũng có chi nhánh ở nước ngoài).
Ban đầu, những nhà hàng này chỉ có tại Trung Quốc, nhưng sau đó mở rộng ra hầu hết khu vực Đông Nam Á trong những năm 1990. Ngày nay, mạng lưới nhà hàng Triều Tiên vươn xa đến những nơi ít ai ngờ tới. Tại Dubai cũng có một nhà hàng Bình Nhưỡng, và thậm chí cả tại Amsterdam cũng từng có một cơ sở, trước khi phải đổi tên và đóng cửa.
Ở góc độ ẩm thực, những nhà hàng này phục vụ một số món đặc trưng của Triều Tiên, như món mì lạnh nổi tiếng, hay còn gọi là naengmyeon trong tiếng Triều Tiên. Các món kim chi của người Triều Tiên cay hơn đáng kể so với các món tương tự ở Hàn Quốc. Nhưng có lẽ đáng chú ý nhất là nhiều nhà hàng bán thịt chó. Rượu Triều Tiên cũng được phục vụ, nhưng cũng giống như đồ ăn, mức giá thường cao.
Giải trí cũng là một phần quan trọng không kém các món ăn. Tại các nhà hàng này, nữ nhân viên phục vụ trong trang phục Triều Tiên truyền thống cũng có thể vào vai các nghệ sĩ. Họ biểu diễn nhạc cụ và hát các bài hát Triều Tiên. Những ca khúc này có thể mang màu sắc tuyên truyền, nhưng thực khách thường đơn giản xem đó như một tiết mục giải trí.
Nhìn chung, các thực khách đều hài lòng, cho dù điểm chính khiến họ bị thu hút là sự mới mẻ, thay vì các món ăn. Có một điều đáng chú ý là khách hàng thường được yêu cầu không chụp ảnh, còn nhân viên phục vụ sẽ tránh nói chuyện cởi mở với khách.
Một nữ thực khách từng đến nhà hàng Bình Nhưỡng tại Phnom Penh có chia sẻ trên trang web du lịch Tripadvisor: "Khách tới đây phải chấp nhận ngồi chung với những người hút thuốc, và còn có cả người trông coi và giám sát".
Kiếm tiền
Triều Tiên mở rộng mạng lưới nhà hàng ở nước ngoài từ những năm 1990, khi quốc gia này mất đi sự hỗ trợ từ Liên Xô, và hứng chịu nạn đói khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng. Bị các lệnh trừng phạt bao vây, chính quyền Triều Tiên gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn ngoại tệ mạnh để thanh toán các chuyến hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Từ đó, quyết định mở rộng kinh doanh nhà hàng được đưa ra.
Phóng viên người Thụy Điển Bertil Lintner từng viết rằng hoạt động kinh doanh nhà hàng Triêu Tiên là một phần của "Phòng 39", văn phòng đặc biệt đảng Lao động Triều Tiên lập ra để tạo doanh thu. Điều này phần nào có thể lý giải vì sao giá của nhà hàng khá cao.
Năm 2007, một người trốn khỏi Triều Tiên nói với trang web DailyNK rằng các nhà hàng ở Trung Quốc có thể đem về tới 30.000 USD. Một ước tính mới đây hơn của tờ Chosun Daily tại Hàn Quốc thì khẳng định doanh thu từ những nhà hàng như vậy có thể đạt 300.000 USD. Một ước tính khác cho rằng mỗi năm các nhà hàng với 50.000 lao động mang lại 10 triệu USD cho Triều Tiên.
"Những nhà hàng này kiếm thêm tiền cho chính quyền Bình Nhưỡng, đồng thời họ cũng bị nghi là rửa tiền cho các hoạt động thương mại bí mật của Triều Tiên", Lintner trả lời tờ Slate năm 2010. "Các nhà hàng và hoạt động kinh doanh liên quan nhiều đến tiền mặt của họ thường được dùng như nơi trung chuyển tiền mặt, bởi nếu không, các ngân hàng sẽ không chịu nhận tiền gửi".
Với mục đích đó, một số người cho rằng không nên ăn uống tại đây. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã khuyên cư dân nước mình tránh tới những nhà hàng Bình Nhưỡng. Dù vậy, cũng cần biết rằng không phải mọi nhà hàng Triều Tiên đều có liên quan trực tiếp đến chính phủ. Tại Bắc Virginia, Mỹ, từng có một nhà hàng do người Triều Tiên đào tẩu mở ra và kinh doanh trong nhiều năm.
Nhân viên
Nhân viên các nhà hàng nằm trong số hàng chục nghìn người Triều Tiên được đưa ra nước ngoài để kiếm tiền cho chính phủ. So với các công việc ở nước ngoài khác như khai mỏ hay khai thác lâm sản, làm việc trong nhà hàng có vẻ là công việc tốt và có thu nhập cao hơn.
Những người được chọn làm nhân viên phục vụ nhà hàng không những phải trẻ, có ngoại hình và nói được ngoại ngữ, họ còn phải có năng khiếu âm nhạc. Bài viết trên trang DailyNK nói rằng họ thường xuất thân từ gia đình có vai vế tại Triều Tiên. Tinh thần yêu nước là yếu tố then chốt.
Các nhân viên được cử tới các nhà hàng sẽ phải làm việc theo hợp đồng kéo dài nhiều năm. Họ ít giao lưu với thế giới bên ngoài, làm việc nhiều giờ mỗi ngày và không được ra khỏi tầm giám sát của người trông coi. Theo Washington Post, họ chỉ được ra ngoài vào một số ngày nhất định và thường đi theo nhóm để trông chừng lẫn nhau.
Những năm gần đây có một số vụ đào tẩu khỏi các nhà hàng Triều Tiên, nhưng hầu hết chỉ mang tính bột phát. Việc các nhân viên một nhà hàng đồng loạt đào tẩu rất hiếm thấy, và có lẽ đòi hỏi sự bàn bạc, phối hợp kỹ càng.
Theo chính phủ Hàn Quốc, những người vừa đào tẩu quyết định trốn đi sau khi xem các chương trình truyền hình Hàn Quốc, và nhận thấy cuộc sống ở đó có vẻ tốt hơn.
Có một số dấu hiệu cho thấy các nhà hàng Triều Tiên đang gặp khó khăn. Đài RFA dẫn các nguồn tin Triều Tiên tại Trung Quốc cho biết nhiều nhà hàng vắng khách do lượng khách Hàn sụt giảm và căng thẳng giữa Triều Tiên và Trung Quốc đang gia tăng. Một vài nhà hàng tại Trung Quốc phải đóng cửa, nhân viên một số cơ sở không được nhận lương.
Theo VNE