Theo kết quả của đề tài: “Nghiên cứu cơ sở khoa học cho giải pháp tổng thể giải quyết các mâu thuẫn lợi ích trong việc khai thác sử dụng tài nguyên nước lãnh thổ Tây Nguyên” (thuộc chương trình KHCN trọng điểm cấp Nhà nước) của TS Nguyễn Lập Dân và các cộng sự, với lượng mưa bình quân 1847,2mm/năm, Tây Nguyên nhận khoảng 100,57 tỷ m3 nước mưa mỗi năm, sinh ra lượng dòng chảy 47,9 tỷ m3 trên hệ thống sông suối, ao, hồ.
Cộng với nguồn nước ngầm, Tây Nguyên có khoảng 55 tỷ m3 nước mỗi năm. Nhu cầu sử dụng ở Tây Nguyên năm 2010 khoảng 6,67 tỷ m3. Như thế, nhu cầu này mới chiếm 14% lượng nước có được hàng năm của Tây Nguyên. Tức là khoảng hơn 80% nguồn nước tự nhiên của Tây Nguyên chưa được sử dụng.
Nhà máy Thủy điện Buôn Tua Srah (Đắk Nông) (ảnh lớn), Nông dân mất mùa ở Tây Nguyên do hạn hán kéo dài (ảnh nhỏ trên), Người dân xã Song An, thị xã An Khê đào giếng lấy nước tưới cho vườn tược giữa mùa khô hạn (ảnh nhỏ dưới). |
Sông chết do thủy điện
Vì sao Tây Nguyên thừa nước nhưng vẫn chịu đại hạn? Tây Nguyên có hai mùa mưa và khô. Vào mùa mưa, lượng nước chiếm tới 85-90% tổng lượng mưa trong năm, gây ra lũ lụt ở nhiều địa phương trong khi mùa khô chỉ chiếm 10-15% tổng lượng mưa. Vào mùa mưa, hàng chục tỷ m3 nước trôi xuống vùng duyên hải Nam Trung bộ rồi đổ ra biển gây lũ lụt nhưng về mùa khô Tây Nguyên lại hạn.
“Rõ ràng Tây Nguyên không thiếu nước mà do thiếu các giải pháp lưu trữ, điều hòa nguồn nước giữa mùa mưa và mùa khô, thiếu giải pháp quy hoạch và phát triển nguồn nước”, TS Dân nói.
Theo TS Nguyễn Lập Dân, hiện nay, trong điều kiện mùa khô khắc nghiệt, việc khai thác và sử dụng nước vùng Tây Nguyên chưa hợp lý, có nhiều mâu thuẫn. Nổi bật nhất là mâu thuẫn giữa thủy điện và nông nghiệp. Mùa khô, các nhà máy thủy điện tích nước khiến dòng chảy không được đảm bảo, hạ lưu thiếu nước trầm trọng. Các thủy điện nhỏ cũng không làm nhiệm vụ bố trí phương án công trình để chủ động xả nước hạ du khi cần thiết.
TS Đào Trọng Tứ, thành viên Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam cho biết, Tổ chức Khí tượng Thế giới chia nguyên nhân hạn hán làm bốn: hạn hán khí tượng (do thiếu mưa), hạn hán nông nghiệp (do phát triển nông nghiệp vượt quá khả năng cung cấp nước), hạn hán thủy văn (lượng nước trên các dòng sông bị thiếu hụt do hệ thống hồ đập, lượng mưa) và hạn hán do phát triển kinh tế xã hội (nhu cầu phát triển kinh tế xã hội vượt quá khả năng cấp nước).
Trong đó, theo TS Tứ, Tây Nguyên đang phải chịu đồng thời bốn nguyên nhân trên trong đó nặng nhất là hạn hán thủy văn do hệ thống hồ đập thủy điện dày đặc trên các dòng sông. Sông Serepok chỉ dài hơn 400km nhưng có tới 7 hồ chứa thủy điện trên dòng chính của sông. Thượng nguồn của Serepok vẫn nhiều nước trong khi phía dưới đập lại cạn trơ.
Theo TS Tứ, khi thuyết minh xây dựng công trình thủy điện, các đơn vị đầu tư đều lấy lý do, thủy điện sẽ giúp điều tiết nước, giảm lũ vào mùa mưa và giảm hạn vào mùa khô nhưng thực tế không phải như thế. Thực tế hệ thống thủy điện ngăn dòng chảy tự nhiên khiến thủy văn bị thay đổi. Mùa mưa có thể gây ra tình trạng lũ chồng lũ trong khi mùa khô thủy điện ngăn dòng khiến hạ lưu kiệt quệ.
Về lý thuyết, các hồ chứa được thiết kế đa mục tiêu như phát điện, giảm lũ, giảm hạn nhưng thực tế các chủ đầu tư thường tập trung cho mục tiêu chính là phát điện, việc điều tiết nước chỉ thực hiện khi có nhu cầu cấp bách khiến người dân hạ du bị phụ thuộc vào thủy điện.
Ngoài ra, một số công trình thủy điện ở Tây Nguyên thực hiện chuyển nước như An Khê- Kanak, Thủy điện Đa Nhim và Đại Ninh... khiến dòng chảy phía dưới gần như cạn kiệt. “Tôi mới ở Tây Nguyên về, gần 20km sông phía dưới hạ lưu công trình thủy điện Sêrêpốk 4 A cạn trơ đáy, trở thành dòng sông chết”, TS Đào Trọng Tứ nói.
Theo TS Nguyễn Lập Dân, một số vùng hạ lưu do quá trình tích nước của các công trình thủy điện gần như không còn dòng chảy, tạo ra các khúc sông chết.
Sông Ba đỏ lòm, đặc quánh bùn thiếc do nhà máy tuyển quặng Kbang của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai xả ra. |
Người dân phải tự cứu mình
Theo TS Dân, giải pháp cần thiết là phải xây dựng chiến lược sử dụng nước hợp lý. Bên cạnh đó cần có giải pháp điều tiết, lưu giữ nước trong mùa mưa để dành cho mùa khô. Để thực hiện mục đích này, cần nhiều giải pháp đồng bộ cả công trình và phi công trình.
Theo ông Dân, giải pháp này phải thực hiện cấp bách vì mùa khô ở Tây Nguyên sẽ ngày càng khắc nghiệt. Dưới tác động của biến đổi khí hậu, đến năm 2020 nhiệt độ vùng Tây Nguyên tăng khoảng 0,40C đến 0,50C, trong khi đó lượng mưa vào mùa Đông và Xuân trên vùng Tây Nguyên giảm từ 1,7% đến 3,8%. Lượng nước thiếu hụt tăng lên đáng kể so với phương án tính toán năm 2010.
Kết quả tính toán cho thấy, với tần suất hạn 75% toàn lưu vực sông Tây Nguyên năm 2020 thiếu 6,3 tỷ m3 nước và với tần suất hạn 85% thiếu hụt 6,35 tỷ m3 nước. Điều này khiến tình trạng khô hạn vào mùa khô càng trở lên nghiêm trọng, dẫn đến nguy cơ hoang mạc hóa ở Tây Nguyên, nhất là ở Bắc Tây Nguyên, Trung Tây Nguyên.
Các nhà khoa học thực hiện nghiên cứu cho rằng, bên cạnh các giải pháp tưới tiêu tiết kiệm người dân phải thu trữ nước mưa phục vụ sinh hoạt và chăn nuôi. Nước mưa cần được chủ động tích trữ vào cuối mùa mưa. Đối với việc thu trữ nước mưa trên sườn dốc, có thể xây dựng bể chứa bằng các vật liệu như hỗn hợp xi măng - đất, bọc nhựa, che phủ mặt thoáng để trữ nước, phục vụ chăn nuôi hoặc tưới... Ngoài ra, cần thu trữ nước lũ, lợi dụng mực nước lũ ở các sông suối lên cao, nhân dân có thể dùng ống, kênh mương dẫn nước trữ vào các ao, hồ tự nhiên hay trữ nước trong đất.
Theo TS Nguyễn Lập Dân, các giải pháp này dễ thực hiện về mặt kỹ thuật. Chính quyền nên tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn người dân cách sử dụng nước tiết kiệm và các biện pháp lưu trữ nước như trên để tăng nguồn nước phục vụ cho mùa hạn khắc nghiệt ở Tây Nguyên.
TS Đào Trọng Tứ cũng cho rằng, giải pháp hữu hiệu nhất là người dân phải tự lưu giữ nước. “Tại sao khi có lũ chúng ta không đào ao lưu giữ, đến khi khô hạn đào ao vài chục mét cũng không có nước. Ở Ninh Thuận có nhà đào bể 50m3 nên khô hạn cũng không bị ảnh hưởng gì”, TS Tứ nói.
Theo Tiền Phong