Chiều 10/4, một nguồn tin từ UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh này đã ban hành công văn bác bỏ thông tin từ ông Nguyễn Văn Đợi (45 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM) khai báo về 3 giếng “chứa cả kho vàng 4.000 tấn” ở núi Tàu, xã Phước Thể, huyện Tuy Phong.
Công văn của Chủ tịch tỉnh Bình Thuận yêu cầu các cơ quan chức năng và UBND huyện Tuy Phong chấm dứt, không giải quyết các kiến nghị của ông Đợi liên quan đến “thông tin mới về kho vàng 4.000 tấn là tài sản do quân đội Nhật chôn giấu trong Thế chiến thứ 2” mà ông này cấp báo vừa qua.
Chiếc giếng hoang mà ông Đợi cho là cửa vào hang trữ vàng 4.000 tấn. |
Quyết định này của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận nêu rõ sau khi xem xét nguồn tin và làm việc trực tiếp với ông Đợi, các thông tin ông đưa ra về khả năng có kho vàng là hoàn toàn thiếu cơ sở khoa học, chỉ là phỏng đoán chủ quan theo suy nghĩ cảm tính của người trình báo.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cũng yêu cầu Sở TT-TT phối hợp với các cơ quan báo chí định hướng dư luận, không để tình trạng lợi dụng “hoang tin” về kho vàng gây nên tình trạng mất an ninh trật tự tại địa phương.
Trước đó, liên quan tới kho vàng được cho là có trữ lượng lớn lên tới 4.000 tấn được ông Đợi khai báo cách khu vực ông Nguyễn Văn Tiệp đào bới chưa đầy 1km, Sở VH-TT tỉnh Bình Thuận đã có kết luận không bao giờ cho phép tiếp tục nghiên cứu về kho báu núi Tàu vì rất viển vông, không có cơ sở khoa học.
Tại buổi làm việc với địa phương này mới đây, ông Đợi cho biết đã có 5 năm dày công nghiên cứu và đã đưa ra những chứng cứ được cho là kho vàng 4.000 tấn này tồn tại.
Cụ thể, ông Đợi khẳng định kho báu ở Núi Vàng là có thật do tìm hiểu qua sách báo và Internet cộng với việc ông Trần Văn Tiệp (101 tuổi, ngụ TP.HCM) phát hiện ra tấm bản đồ được cho là chỉ điểm nơi cất giấu kho báu ở khu vực núi Tàu và đã được phép của chính quyền địa phương thực hiện tìm kiếm hơn 20 năm.
Ông Đợi cho biết ông đã dùng máy dò kim loại để tiến hành khảo sát 3 chiếc giếng ở khu vực núi Tàu và cả 3 nơi máy dò đều có tín hiệu báo có kim loại.
Lãnh đạo UBND xã Phước Thể đi thực địa nơi giếng cổ theo lời ông Đợi khai báo, trưa 4/3. |
Sau đó, UBND huyện Tuy Phong đã yêu cầu ông đưa ra những chứng cứ, tài liệu khoa học, kết quả khảo sát… để chứng minh cho những “nghiên cứu” đã nêu.
Tuy nhiên, ông Đợi chỉ đưa ra được bản báo cáo dày 7 trang kể lại vụ việc như đã nói kèm 3 bản vẽ mặt cắt giếng sơ sài và 1 bản đồ kho báu lấy từ internet. Còn về vị trí kho báu, ông Đợi thừa nhận là nghe kể lại và tự nghiên cứu, suy luận.
Cuối năm 2015, UBND tỉnh Bình Thuận đã có văn bản yêu cầu cụ Trần Văn Tiệp (101 tuổi, ngụ Q.Phú Nhuận, TP.HCM) ngưng ngay việc tìm kiếm kho vàng trên núi Tàu sau nhiều lần cấp giấy phép cho cụ Tiệp thăm dò nhưng không có kết quả.
Theo Báo Đất Việt