Đề xuất TP.HCM trợ giá xe buýt trực tiếp cho hành khách

Thứ bảy, 09/04/2016, 14:47
Trợ giá hoạt động xe buýt dần không còn phù hợp với tình hình phát triển thực tế, không khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao chất lượng phục vụ nên cần phải thay đổi kịp thời.

Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết từ năm 2002 đến nay, thành phố đã có ba lần thay đổi hình thức tính trợ giá xe buýt. Bây giờ khi cuộc sống người dân thay đổi, thành phố cần tính toán lại phương thức thanh toán, kinh phí trợ giá cho hoạt động xe buýt. Hiện nay TP có 137 tuyến xe buýt, trong đó có 105 tuyến có trợ giá.

Nhiều chuyên gia về giao thông, kinh tế cũng có chung suy nghĩ thành phố cần kịp thời thay đổi phương thức trợ giá xe buýt mới tạo được động lực cho loại hình vận tải công công này phát triển.

GS.TS Nguyễn Thị Cành, trường ĐH Kinh tế - Luật ĐHQG TP.HCM cho rằng: “Thành phố cần trợ giá cho chính hành khách sử dụng, còn trợ giá cho doanh nghiệp là đầu tư cho cơ sở hạ tầng cho tốt để người dân thuận lợi đi lại chứ không phải trợ giá trên chi phí như hiện nay".

Theo bà Cành chi phí trợ giá cho hành khách không tăng mà chi phí trợ giá cho doanh nghiệp tăng, như vậy khiến các doanh nghiệp không có động lực tiết kiệm chi phí. Trợ giá để tăng lợi ích xã hội sẽ tốt hơn tăng lợi ích kinh tế.

Tuyến xe buýt 109 (Tân Sơn Nhất - bến xe công viên 23/9) là một trong nhiều tuyến xe buýt không được trợ giá nhưng thu hút lượng khách khá lớn. Ảnh: Lê Quân

Chia sẻ về vấn đề này, PGS. TS Nguyễn Thị Bích Hằng, trường ĐH GTVT (cơ sở 2, TP.HCM) kiến nghị thành phố cần phải thay đổi cách trợ giá, tập trung trợ giá trực tiếp cho lượng hành khách, đối tượng trực tiếp sử dụng xe buýt.

“Chúng ta không nên tính toán để giảm chi phí trợ giá mà điều cần làm chính là phải tăng được lượng hành khách sử dụng xe buýt. Vì mục đích chính của việc trợ giá chỉ là khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng trong đô thị văn minh”, bà Hằng chia sẻ.

Còn TS Dư Phước Tân, Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM, nêu vấn đề: “Hiện các tuyến xe buýt có lượng và đối tượng hành khách khác nhau thì không thể trợ giá ngang nhau được. Chúng ta cần nghiên cứu cách trợ giá làm sao các doanh nghiệp phải cải cách, nâng chất lượng để thu hút hành khách”.

Bổ sung vào ý kiến các chuyên gia, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.HCM, cũng thừa nhận cần thay đổi cách trợ giá mới. Ông cho biết hiện nay, lượng hành khách đi xe buýt giảm mạnh, doanh thu kéo giảm, xe máy cá nhân tăng lên gây ùn tắc giao thông gây ảnh hưởng đến các vấn đề xã hội của Thành phố.

Xe buýt tuyến 150 (Chợ Lớn - Tân Vạn) hầu hết đã sử dụng trên 10 năm, đây là một trong 105 tuyến xe buýt có trợ giá - Ảnh: Phước Tuần

Ông Lâm bày tỏ: “Tôi cho rằng cần trợ giá trực tiếp cho hành khách, khi ấy mới dễ quản lý và động lực thu hút người dân trở lại đi xe buýt. Thành phố cũng cần phải trợ cấp từng đối tượng cụ thể như người già, học sinh, sinh viên chứ không trợ cấp cho hành khách vãng lai”.

Đề cập đến câu chuyện trợ giá xe buýt, ông Bùi Xuân Cường, giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết đơn vị sẽ xem xét, nghiên cứu với các cơ quan, ban ngành liên quan đến vấn đề thay đổi hình thức trợ giá xe buýt trước khi trình xin ý kiến của UBND TP.HCM.

Theo Zing

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích