Đô đốc Harry Harris, tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, giới thiệu ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang xây dựng trái phép trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: AP |
Trước đó, báo Mỹ Navy Times đưa tin, cố vấn an ninh quốc gia Susan Rice mới đây quyết định “bịt miệng” đô đốc Harry Harris, tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, và các quan chức quân sự cấp cao khác, bởi vì chính quyền của Tổng thống Obama chuẩn bị đăng cai hội nghị thượng đỉnh hạt nhân tại Washington tuần trước, với sự góp mặt của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Yêu cầu của bà Rice được đưa ra nhằm tạo điều kiện cho Tổng thống Obama giải các bài toán chính trị khi gặp song phương với ông Tập, Navy Times dẫn lời các quan chức giấu tên.
Tuy nhiên, hôm qua, Peter Cook, thư ký báo chí Lầu Năm Góc, nói rằng, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và tướng Harris đã tư vấn thẳng thắn, chuyên sâu cho Tổng thống và Hội đồng An ninh Quốc gia về một loạt vấn đề liên quan lĩnh vực trách nhiệm đối với châu Á-Thái Bình Dương.
“Chúng tôi tự tin nói rằng, những lời tư vấn đã được xem xét và đánh giá cao. Bộ Quốc phòng Mỹ hoàn toàn ủng hộ chiến lược biển hiện nay ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và đang làm việc để thực hiện chiến lược này ở mức tốt nhất. Không bao giờ có chuyện ra lệnh “im miệng” như các quan chức giấu tên đề cập trong bài báo đó”, ông Cook nói.
Các tướng Mỹ ngày càng quan ngại Trung Quốc quân sự hóa
Trong tuyên bố gửi tới báo The Washington Post, đô đốc Harris khẳng định, việc Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương và Nhà Trắng “ông chẳng bà chuộc” là không hề có thật. Vị tướng này từ chối tiết lộ nội dung tư vấn cho Tổng thống Obama và Bộ trưởng Carter, nói rằng thông tin đó sẽ không giảm giá trị đáng kể nếu bị công khai. “Trong phiên điều trần trước Quốc hội gần đây và trong các cuộc tiếp xúc báo chí ở Washington vài tuần trước, tôi rất công khai và thẳng thắn thể hiện sự quan ngại của mình về nhiều vấn đề ở châu Á-Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương, bao gồm thực tế rằng, việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông là khó giải quyết.
Vì vậy, bất kỳ ám chỉ nào cho rằng Nhà Trắng tìm cách “bịt miệng” tôi rõ ràng là sai”, tướng Harris khẳng định. Vị đô đốc này nói rằng, ông hài lòng khi thấy sự quan ngại và những khuyến nghị của mình được “lắng nghe và cân nhắc”. Tổng thống Obama đã chấp nhận nhiều đề xuất của đô đốc Harris, bao gồm việc nối lại các đợt tuần tra tự do hàng hải ở biển Đông mà Hải quân Mỹ thực hiện mấy tháng trước, một quan chức quốc phòng Mỹ tiết lộ.
Chính quyền của Tổng thống Obama đang đau đầu tìm cách xử lý các vấn đề căng thẳng trên biển Đông, khi mà Trung Quốc tiếp tục đưa thêm vũ khí, trong đó có tên lửa đất đối không, ra khu vực tranh chấp trên biển Đông, The Washington Post nhận định. Trong khi đó, các đối tác của Mỹ như Đài Loan, Philippines phản đối Bắc Kinh tiếp tục quân sự hóa Biển Đông.
Đô đốc Harris và các quan chức cấp cao trong quân đội Mỹ, trong đó có tướng Joseph Dunford, Tổng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, ngày càng quan ngại về các hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông. Trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ gần đây, tướng Harris khẳng định, mục tiêu của Trung Quốc là quân sự hóa khu vực và bá quyền ở Đông Á. Tướng Dunford nói với các nghị sĩ Mỹ rằng, Trung Quốc đã và đang tập trung phát triển các năng lực chống lại sức mạnh Mỹ, bao gồm tên lửa chống máy bay Mỹ.
Tất cả đều thua nếu căng thẳng gia tăng
Ngày 7/4, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan kêu gọi các bên có tuyên bố chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông tìm kiếm các giải pháp phi quân sự để giải quyết tranh chấp, Channel News Asia đưa tin hôm qua.
“Chúng tôi thúc giục tất cả các bên cam kết không quân sự hóa, tự kiềm chế và kiềm chế để không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực”, ông Balakrishnan phát biểu trước Quốc hội Singapore. Ngoại trưởng Singapore nói: “Tất cả chúng ta sẽ thua nếu căng thẳng leo thang. Vì vậy, việc quan trọng là duy trì đối thoại mở về các vấn đề cùng quan tâm, ngăn chặn các vấn đề bất đồng phủ bóng mối quan hệ tổng thể giữa ASEAN và Trung Quốc”.
Lập trường của Singapore là ASEAN và Trung Quốc nên “thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và sớm ký kết Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC)”, Ngoại trưởng Balakrishnan cho biết. Hai bên đã bắt đầu làm việc về một đường dây nóng giữa Bộ Ngoại giao các nước ASEAN và Bộ Ngoại giao Trung Quốc về các vấn đề khẩn cấp trên biển, ông nói.
ASEAN và Trung Quốc cũng nhất trí xem xét một bộ quy tắc ứng xử trong các vụ đụng độ không báo trước trên biển (CUES), áp dụng cho tàu hải quân hoạt động trên Biển Đông. Singapore mới đây đề xuất áp dụng CUES cho cả tàu cảnh sát biển của hai bên, Ngoại trưởng Singapore cho biết. “Điều này sẽ gửi một tín hiệu tích cực về cam kết chung của chúng ta trong việc ngăn chặn thiệt hại người và tài sản, bảo đảm hòa bình, ổn định ở Biển Đông”, ông nói.
Ngoại trưởng Singapore cũng cung cấp thông tin cập nhật liên quan thảo luận về COC. “Chúng tôi đã nhất trí với một báo cáo về danh sách các yếu tố đề cương COC. Chúng tôi cũng nhất trí với một báo cáo thảo luận về danh sách các vấn đề thiết yếu và phức tạp trong việc biên soạn COC”, ông nói.
Ông cho biết, Singapore ủng hộ đề xuất nguyên tắc “không sử dụng vũ lực trước”, nhưng ASEAN và Trung Quốc chưa đạt được tiến triển về đề xuất này. “Tuy nhiên, Trung Quốc đã tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác. Theo đó, tất cả các bên phải kiềm chế để không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực”, Ngoại trưởng Singapore nói.
Trung Quốc yêu sách chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông. Sau khi xây dựng trái phép các đảo nhân tạo trong khu vực tranh chấp, nước này thiết lập cơ sở hạ tầng, hệ thống vũ khí trên đó, khiến cộng đồng quốc tế ngày càng lo ngại, Channel News Asia đưa tin.