“Giấc mơ” về một cơn mưa
Theo số liệu thống kê ở các tỉnh như Kiên Giang, Sóc Trăng, Bến Tre…cho thấy mức độ thiệt hại do hạn hán gây ra ngày càng gia tăng và chưa có dấu hiệu giảm.
Ở Bến Tre, toàn tỉnh chỉ còn 4/164 xã, phường không bị nhiễm mặn. Hạn mặn đã làm cho 13.845/14.759ha lúa của tỉnh bị thiệt hại, diện tích còn lại cũng không trổ được, khả năng 100% diện tích lúa của tỉnh bị thiệt hại.
Nước mặn cũng đang uy hiếp vườn cây ăn trái 1.225ha của tỉnh, nếu thiệt hại thì phải mất nhiều năm mới khôi phục lại được. Ước tính thiệt hại cho SX nông nghiệp của tỉnh khoảng 200 tỷ đồng..
Người dân ở các tỉnh Miền Tây "khát" nước ngọt để sinh hoạt. |
Tình hình hạn mặn ở tỉnh Kiên Giang cũng không “giảm nhiệt”. Tính từ đầu năm, UBND tỉnh đã phải ban hành quyết định về thiên tai, với diện tích lúa bị thiệt hại là trên 34.000ha. Còn hiện nay diện tích lúa chết đã tăng lên tới 55.000ha, ước tính thiệt hại 1.200 tỷ đồng....
Với tỉnh Sóc Trăng, đã có 6/11 huyện, thị xã của tỉnh bị mặn xâm nhập, độ mặn cao nhất hơn 10‰. Hơn 10.000ha lúa của tỉnh đã bị ảnh hưởng hạn, mặn trong đó có hơn 900ha bị mất trắng, thiệt hại gần 39 tỷ đồng.
Bên cạnh nỗi lo về hoạt động sản xuất nông nghiệp, hạn hán còn khiến cho nguồn nước sinh hoạt của khu vực miền Tây “khan hiếm” nghiêm trọng.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện 155.000 gia đình ở miền Tây với khoảng 575.000 người bị thiếu nước. Trong đó có 144.000 hộ chưa được cấp nước tập trung và 11.000 hộ được cấp nước tập trung. Đặc biệt, toàn tỉnh Bến Tre hiện chỉ còn 4 xã ở huyện Chợ Lách là nước sinh hoạt chưa bị ảnh hưởng xâm nhập mặn".
Nguy hiểm nhất là việc người dân phải sử dụng nước nhiễm mặn 2% đã xảy ra ở tỉnh Bến Tre thời gian gần đây. Còn ở một số khu vực như các xã đảo,các huyện vùng xa, những chiếc giếng công nghiệp đã được khoan, dùng xà lan chở nước từ đất liền để “giải khát” chống lại mùa hạn này.
Tình trạng khô hạn ngày càng “đe dọa” khu vực miền Tây, khiến cuộc sống của người dân thêm khốn đốn thì giấc mơ về một cơn mưa nhân tạo ngày càng được mong ngóng thành hiện thực.
“Không nên làm mưa nhân tạo cứu hạn ở miền Tây”
Việc làm mưa nhân tạo đã được Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nghiên cứu và đề xuất thử nghiệm từ năm 1998, song không được triển khai.
Năm 2005, mưa nhân tạo cũng được các nhà khoa học trong lĩnh vực thủy văn và môi trường đề cập đến. Vào thời điểm ấy, nhiều hứa hẹn đã được đưa ra, đến năm 2010, chúng ta có thể làm mưa nhân tạo phục vụ nhu cầu kinh tế xã hội trước hết ở vùng đồng bằng và trung du Bắc bộ và sau đó sẽ mở rộng ra phạm vi cả nước.
Tuy nhiên đến nay, những cơn mưa nhân tạo giúp người dân chống hạn vẫn chỉ nằm trên giấy tờ, chưa thể áp dụng vào thực tiễn.
Về việc dự án không được triển khai, Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa lý do là, để làm được mưa nhân tạo sẽ phải đầu tư một lượng kinh phí rất lớn, công nghệ cũng khá phức tạp và đòi hỏi nhiều ngành cùng tham gia, trong khi chưa chắc chắn được hiệu quả mang lại.
Trao đổi với PV về vấn đề này, Tiến sĩ Vật Lý Nguyễn Văn Khải chia sẻ: “Tôi đã dự đoán được việc hạn hán ở khu vực miền Tây Nam Bộ từ 10 năm trước trong một vài lần tôi đi công tác ở Đồng Nai. Một thời gian sau đó, trên báo chí cũng đã đưa ra rất nhiều dự báo về tình trạng này nhưng lại tập trung chủ yếu vào thủy điện”.
Tiến sĩ Vật Lý Nguyễn Văn Khải |
“Một nguyên nhân góp phần làm hạn hán xảy ra nghiêm trọng như hiện nay là do hành động tàn phá rừng, sử dụng lãng phí nguồn nước…Chính vì thế cách chống hạn lâu dài là ngay từ bây giờ tất cả mọi người phải chung tay trồng rừng”, Ông Khải cho biết thêm.
“Mặt khác, nếu như chúng ta chỉ tập trung chuyển sang trồng cây cao su và cà phê thì hạn hán càng gia tăng hơn trong những năm tới. Bởi loại cây này nhỏ, lá bé và thưa, rễ ăn nông nên khả năng giữ đất và giữ nước rất kém. Dù có trận mưa lớn xuống thì cũng sẽ nhanh chóng bốc hơi hết. Những loại cây gỗ lâu năm mới là lựa chọn tối ưu”, Ông cho hay.
Nhận định về việc Việt Nam có nên làm mưa nhân tạo “cứu” hạn hay không? Tiến sĩ Khải thẳng thắn nói: “Việc này thì phải tùy theo tình hình, nếu như quá khẩn cấp để cứu 1 số loại giống cây quý, có lợi ích hơn hoặc sấp xỉ hơn chi phí tạo mưa thì các cơ quan chức năng nên nghiên cứu. Còn chỉ tạo mưa để cứu lúa thì đừng làm”.
Bày tỏ quan điểm về việc một số người cho rằng ở Thái Lan họ đã làm mưa nhân tạo để chống hạn, còn ở nước ta thì không?
“So sánh như vậy là khập khiễng bởi Thái Lan có nền kinh tế cao hơn Việt Nam. Họ làm mưa để cứu những sản phẩm có giá trị lợi ích cao và hơn hết điều kiện thiên nhiên rất thuận lợi cho việc giữ nước sau khi mưa xuống”, Ông Nguyễn Văn Khải phân tích.
“Tôi phải nói thẳng rằng chúng ta không thể chống lại hạn hán mà việc cần làm là phải sống “lựa theo lũ”. Như ở vùng nước nhiễm mặn thì phải nuôi thủy sản, trồng cây ngập mặn. Phải biết tận dụng ưu điểm của thiên nhiên để sống".
"Còn về việc người dân trông chờ vào mưa nhân tạo là nguyện vọng chính đáng. Nhưng mọi người cũng phải nghĩ đến trường hợp sau cơn mưa đầu tiên, Việt Nam có đủ chi phí để làm tiếp được không, hay không thể ngày nào cũng làm mưa được”, chia sẻ của Tiến sĩ Khải.
Theo Báo Gia đình & Xã hội