Theo TS-BS chuyên khoa II Nguyễn Tiến Lý, Phó Giám đốc BV Chỉnh hình và phục hồi chức năng TP.HCM, sau 2 tuần chuyển viện thì sức khỏe Hà Vi diễn tiến tốt, phần mỏm cụt đã lành. Bé đã được tập vật lý trị liệu vài tuần nay và hiện giờ đang bước đầu tập đứng trên chân giả. Đây vẫn là giai đoạn khó khăn bởi trong khoảng 1 tháng đầu được lắp chân, Vi sẽ khá đau đớn khi tập luyện. Dự kiến 1-2 tuần nữa khi bé đã quen với chân thì sẽ được xuất viện. Bé và mẹ cũng được hướng dẫn cách tập luyện tại nhà.
Hà Vi thử mang và tập đứng trên chân giả |
Vi vẫn chưa thể tập luyện nhiều bởi những ngày đầu tập với chân giả, cảm giác đau đớn, thậm chí ứa cả nước mắt là không thể tránh khỏi |
Theo kỹ thuật viên dụng cụ chỉnh hình Trần Tiến Mạnh, người trực tiếp làm chân giả cho Vi, bé có thể đi lại bình thường sau thời gian tập luyện. Loại chân giả em được lắp có các khớp nối cơ học linh hoạt ở đầu gối, cổ chân và Vi cần tập luyện để có thể sử dụng thành thạo chân và giúp các khớp vận hành theo cử động của mình.
Kỹ thuật viên Trần Tiến Mạnh đang chỉnh chân giả cho Vi |
Một góc Xưởng Chỉnh hình với vôi vữa và đủ loại máy móc |
Trong những ngày đầu tập luyện, chân sẽ tiếp tục được cân chỉnh các chi tiết cơ học cho thật phù hợp với Vi. Sau đó, anh Mạnh sẽ tiếp tục gia công phần mút ốp thẩm mỹ và cung cấp vớ thẩm mỹ để hoàn thiện vẻ ngoài bên chân giả. Mút ốp thẩm mỹ cũng được làm bằng chất liệu ngoại nhập, tạo cảm giác mềm mại như da thịt thật khi chạm vào và được gia công chuẩn xác theo số đo lấy từ bên chân lành của Vi.
Ngoài bệnh nhân Hà Vi, xưởng chỉnh hình cũng liên tục gia công các bộ phận cơ thể giả và các dụng cụ chỉnh hình cho các bệnh nhân khác.
Chân giả của một bệnh nhân khác đang được các kỹ thuật viên chăm chút phần mút ốp cho giống thật |
Một bệnh nhân được hướng dẫn tập đi với chân giả |
Kỹ thuật viên Lê Tấn Tự (áo đen) đang hướng dẫn một bệnh nhân cách bước đi với chân giả bên trái |
Phần mút thẩm mỹ được chăm chút để giống chân thật nhất có thể |
Đôi chân một bệnh nhân với bên chân trái là chân giả đã được hoàn thiện |
Giống thật, có thể cử động linh hoạt và giải phóng bệnh nhân khỏi phiền toái do phần chi thiếu hụt luôn là những mục tiêu hàng đầu khi sản xuất các loại chi giả.
Theo NLĐ