"Không liên quan!"
Đường vào Vườn động vật sinh thái Hòn Nhạn đang tiếp tục được xây dựng. |
Mới đây, theo thông tin từ Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), bà Nguyễn Thị Liên, đại diện pháp luật của Công ty TNHH Bách Ngọc Lâm đã được UBND Nghệ An cấp phép gây nuôi hổ, làm dự án du lịch sinh thái từ cuối tháng 1/2016. Điều đáng nói, chủ cơ sở này là vợ của Phạm Văn T., vốn có 2 tiền án liên quan đến giết hại, buôn bán hổ cùng nhiều loài động vật hoang dã nguy cấp khác.
Thông tin vợ của "trùm" buôn bán hổ lại được cấp phép nuôi hổ đang khiến dư luận rất xôn xao. Nhiều người hoài nghi về sự minh bạch của tấm giấy phép này.
Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Trần Ngọc Chính - Chi cục Phó Chi cục Kiểm lâm Nghệ An - cho rằng việc cấp phép cho bà Liên không có gì sai; từ khi được cấp phép và đi vào nuôi dưỡng đến nay, tại công ty của bà Liên chưa xảy ra sai phạm gì; việc quản lý, giám sát công ty chăm sóc hổ cũng được quản lý rất chặt chẽ.
"Theo quy định cứ 6 tháng công ty phải báo cáo việc nuôi hổ, chăm sóc hổ với kiểm lâm, nhưng vì công ty này mới nuôi nên kiểm lâm thường xuyên giám sát. Hiện phía công ty được phép nhập thêm 9 cá thể hổ từ nước ngoài về, dự kiến sắp tới sẽ chuyển về. Kiểm lâm sẽ làm hồ sơ cụ thể để giám sát chặt chẽ. Chúng tôi thấy việc làm dự án nuôi hổ này rất tốt, góp phần bảo tồn và giáo dục rất lớn", ông Chính nêu quan điểm.
Nói về vấn đề chồng bà Liên có tiền án liên quan đến giết hại, buôn bán hổ, ông Chính cho biết trong luật không quy định vấn đề này, hơn nữa đây là đại diện cho công ty chứ không phải là hộ gia đình nên không liên quan đến nhau.
"Chúng tôi có để ý vấn đề này nhưng luật không quy định. Và quan trọng là từ lúc việc cấp phép đến nay họ thực hiện như thế nào, có tốt hay không. Nếu sai thì cơ quan chức năng lập tức rút giấy phép", ông Chính nói.
"Chồng vi phạm không thể đưa vợ ra để chịu trách nhiệm"
Ngày 7/4, PV cũng có buổi làm việc với đại diện Công ty Bạch Ngọc Lâm - Chủ đầu tư dự án Vườn động vật sinh thái Hòn Nhạn có trụ sở tại xã Diễn Đoài (Diễn Châu, Nghệ An).
Đại diện Công ty Bạch Ngọc Lâm cho biết công ty có đầy đủ giấy tờ hợp pháp về dự án cũng như việc nuôi nhốt hổ và khẳng định người có tiền án về hổ không có liên quan đến công ty và dự án này.
Theo đại diện Công ty Bạch Ngọc Lâm, dự án Vườn động vật sinh thái Hòn Nhạn được lên kế hoạch triển khai vào năm 2014 trên diện tích đất hơn 62.000 m2. Đại diện pháp luật của công ty là bà Nguyễn Thị Liên - Giám đốc Công ty TNHH MTV Bạch Ngọc Lâm.
Ngày 31/1/2016, sau khi xây dựng xong hạng mục nuôi nhốt hổ, công ty đã hoàn thành việc tiếp nhận 15 cá thể hổ do Công ty TNHH Sinh thái Mường Thanh tặng. Việc chuyển giao có sự giám sát của cơ quan chức năng. Phía Kiểm lâm huyện Diễn Châu cũng đã có sổ theo dõi 15 cá thể hổ này.
Giấy đăng ký kinh doanh của Công ty TNHH MTV Bạch Ngọc Lâm. |
Về lùm xùm quanh việc bà Liên là vợ người từng có tiền án giết hổ, đại diện công ty khẳng định ông T. không liên quan gì đến dự án, công ty.
“Việc ông T. từng có tiền án giết hổ nhưng bà Liên - Giám đốc, đại diện cho công ty Bạch Ngọc Lâm được cấp phép làm dự án Vườn động vật sinh thái trong đó có nuôi hổ là 2 việc hoàn toàn khác nhau. Người chồng có thể vi phạm nhưng không có liên quan gì đến công ty thì không ảnh hưởng gì đến việc cấp phép này cho công ty. Chồng vi phạm không thể đưa vợ ra để chịu trách nhiệm được”, đại diện công ty khẳng định.
Giấy Phép nuôi trồng loài động vật được ưu tiên bảo vệ do UBND tỉnh Nghệ An cấp cho công ty. |
Giấy phép trao tặng 15 cá thể hổ từ Công ty TNHH Sinh thái Mường Thanh cho Công ty Bạch Ngọc Lâm. |
Liên quan đến vấn đề này, bà Bùi Thị Hà - Phó Giám đốc ENV - bày tỏ sự bất bình: “ENV cho rằng việc cấp phép gây nuôi hổ và các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm cho một đối tượng đã có hai tiền án tội phạm liên quan đến ĐVHD là một việc làm hết sức vô lý của các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An. Cấp phép cho vợ chồng P.V.T. gây nuôi hổ đồng nghĩa với việc các cơ quan này đã chính thức thỏa hiệp và tạo điều kiện cho đối tượng có cơ hội lợi dụng danh nghĩa cơ sở được cấp phép để tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ ĐVHD trong tương lai”.
Cũng theo vị đại diện ENV, hơn 30 năm qua, quần thể hổ của Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung đã bị suy giảm nghiêm trọng. Theo Liên minh Bảo tồn hổ quốc tế (ITC), trên thế giới chỉ còn khoảng 3.500 cá thể hổ hoang dã.
Trong khi đó, tại Việt Nam số lượng này chỉ còn khoảng 30 cá thể hổ trong tự nhiên. Trong khi đó, các hoạt động buôn bán hổ trái phép tại Việt Nam đang phát triển dưới các loại hình kinh doanh hợp pháp. Theo điều tra của ENV, số lượng hổ bị nuôi nhốt trong các vườn thú và trang trại tư nhân trong những năm gần đây đã tăng vọt từ 81 cá thể (2010) lên tới 179 cá thể (2015).
"Qua nhiều năm điều tra, ENV có thể khẳng định rằng hầu hết các trại nuôi hổ hiện nay không hoạt động vì mục đích giáo dục và bảo tồn mà thực chất là để hợp pháp hóa các hoạt động buôn bán hổ bất hợp pháp. Với quyết định của cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An, chúng ta đang đặt số phận của những cá thể hổ mang danh nghĩa phục vụ lợi ích giáo dục bảo tồn trong tay một tên trùm buôn bán, tàng trữ hổ”, bà Hà quan ngại.
Theo Dân Trí