Đó là nhận định được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đưa ra tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở thủ đô Washington hôm 5-4. Theo ông Carter, các lực lượng vũ trang Mỹ đã và đang đẩy mạnh sự hiện diện ở châu Á - Thái Bình Dương như là một phần của chiến lược xoay trục mà Tổng thống Mỹ Barack Obama theo đuổi. “Chúng tôi đang được yêu cầu làm nhiều hơn. Chúng tôi sẽ phối hợp với những quốc gia muốn hợp tác hơn với Mỹ” - ông Carter nói thêm.
Tàu khu trục Ise của Nhật Bản Ảnh: KYODO |
Vào tuần rồi, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Work tuyên bố thẳng thừng Washington sẽ không công nhận bất kỳ Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) nào do Trung Quốc đơn phương thiết lập ở Biển Đông. Theo các quan chức Lầu Năm Góc, một bước đi gây hấn như thế không chỉ khiến tình hình khu vực thêm căng thẳng mà còn tăng nguy cơ đối đầu quân sự với Mỹ.
Một trong những hành động khiêu khích mới nhất của Trung Quốc ở Biển Đông diễn ra hôm 5-4 khi Bắc Kinh đưa ngọn hải đăng cao 55m xây dựng phi pháp trên đá Subi của quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) vào hoạt động. Ngoài công trình này, Trung Quốc cũng xây hải đăng trái phép trên đá Châu Viên và đá Chữ Thập, cũng thuộc Trường Sa.
Không chỉ Mỹ, Nhật cũng xuất hiện trên Biển Đông nhiều hơn. Tàu khu trục chở trực thăng Ise của nước này sẽ băng qua Biển Đông để đến Indonesia tham gia cuộc tập trận bảo vệ an ninh hàng hải Komodo (từ ngày 12 đến 16-4). Giới chức Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản (MSDF) khẳng định việc điều tàu Ise không liên quan đến chiến dịch tuần tra bảo vệ tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông.
Tuy nhiên, theo hãng tin Jiji, việc Nhật Bản cho tàu chiến đi qua Biển Đông được coi là nỗ lực chung của Tokyo và Washington nhằm thách thức những động thái hung hăng của Trung Quốc. Khu trục hạm Ise dự kiến ghé thăm vịnh Subic của Philippines trước khi sang Indonesia. Cuộc tập trận Komodo có sự tham gia của các nước ASEAN và một số quốc gia ngoài khu vực.
Bên cạnh tập trận, sắp tới, Nhật có thể cung cấp khoản vay lãi suất thấp cho Indonesia để giúp nước này xây một cảng biển mới ở Patimban, cách thủ đô Jakarta 120km về phía Đông. Với kinh phí ước tính đến 300 tỉ yen, đây có thể là một trong những dự án lớn nhất mà Nhật Bản tham gia tại Indonesia, qua đó Tokyo hy vọng lấy lại chỗ đứng sau khi thua Bắc Kinh trong cuộc đấu thầu dự án xây đường cao tốc ở nước này.
Theo NLĐ