TP.HCM muốn học theo Thượng Hải, trước hết hãy nhìn vào tấm gương Thâm Quyến (P3)

Thứ tư, 06/04/2016, 13:54
Năm 2015, tổng GDP của Thẩm Quyến đạt 270 tỷ USD, cao hơn Bồ Đào Nha, Ireland và thậm chí là Việt Nam. Con số GDP này khiến Thẩm Quyến đứng thứ 4 trong tổng số 659 thành phố tại Trung Quốc, sau Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu.

Tại hội nghị lần thứ 4 BCH Đảng bộ TP.HCM khóa X, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đã đưa ra đề xuất TP.Hồ Chí Minh trở thành một đặc khu kinh tế như Thượng Hải, với những cơ chế đặc biệt để phát huy được tiềm năng, thế mạnh của mình.

Thực tế thì trước khi có Thượng Hải, Trung Quốc đã chọn thí điểm mô hình đặc khu kinh tế đầu tiên là Thâm Quyến. Các bài học và thành tựu ở Thâm Quyến đã tạo nên tiền đề đối với các đặc khu kinh tế sau này của Trung Quốc.

Thâm Quyến - từ thị trấn nhỏ...

Thành phố Thâm Quyến nằm ở miền Nam Trung Quốc và gần biên giới với Hồng Kông. Đây là 1 trong 4 khu vực đầu tiên được Trung Quốc thí điểm mô hình SEZ vào thập niên 80.

Với mô hình SEZ, Thâm Quyến từ một thị trấn nhỏ đã trở thành trung tâm thương mại, kinh tế lớn và là một trong những thành phố chủ chốt của Trung Quốc.

Tuy nhiên, không nhiều người biết rằng Thâm Quyến đã gặp rất nhiều khó khăn khi cố gắng thu hút nhà đầu tư nước ngoài với vị thế là một SEZ. Tính đến cuối năm 1981, có đến 91% các dự án đầu tư tại đây đến từ “người hàng xóm” Hồng Kông mà không phải từ các tập đoàn đa quốc gia.

Nguyên nhân chính là các cơ quan chức năng không thay đổi kịp theo sự mở cửa của cơ chế thị trường. Hay nói cách khác, cơ chế quan liêu, cửa quyền vẫn còn tồn tại trong thời gian đó và rất nhiều tập đoàn quốc tế không muốn nhận rủi ro khi tham gia thị trường SEZ này.

Hậu quả là chỉ những doanh nghiệp có trụ sở tại Hồng Kông là dám mở văn phòng tại Thâm Quyến, do họ có hiểu biết tốt hơn về văn hóa kinh doanh cũng như cách làm việc của các cơ quan hành chính Trung Quốc. Thêm vào đó, rất nhiều doanh nghiệp Hồng Kông có mối quan hệ họ hàng tại Thâm Quyến.

May mắn thay, chính quyền Bắc Kinh đã bước đầu ban hành một vài biện pháp nhằm đơn giản hóa và tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài vào năm 1982, qua đó thu hút thêm các nguồn vốn quốc tế vào những khu SEZ.

Một vấn đề nữa mà Thâm Quyến phải đối mặt là sự thiếu đa dạng trong lĩnh vực đầu tư. Có đến 71% các khoản đầu tư tập trung vào bất động sản tại Thâm Quyến, một phần do giá nhà đất quá cao tại Hồng Kông.

Đặc khu kinh tế Thẩm Quyến thuộc tỉnh Quảng Đông-Trung Quốc

Đến siêu đô thị của Trung Quốc

Bất chấp những khó khăn trên, việc SEZ Thẩm Quyến ban hành mức thuế thu nhập cố định 15%, thấp hơn rất nhiều so với mức 33% ở các vùng khác và 17% tại Hồng Kông đã thu hút rất mạnh nhiều nhà đầu tư quốc tế. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp tại đây còn được miễn nhiều loại thuế địa phương và miễn thuế xuất khẩu.

Kể từ năm 1982, Thâm Quyến đã tăng trưởng một cách thần tốc nhờ các chính sách mở cửa thu hút nhà đầu tư quốc tế. Năm 1992, khu vực này thu hút 4,3 tỷ USD vốn FDI, tương đương 14% tổng vốn FDI vào Trung Quốc.

Năm 2015, tổng GDP của Thâm Quyến đạt 270 tỷ USD, cao hơn Bồ Đào Nha, Ireland và thậm chí là Việt Nam. Con số GDP này khiến Thâm Quyến đứng thứ 4 trong tổng số 659 thành phố tại Trung Quốc, sau Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu.

GDP bình quân đầu người tại đây năm 2014 là 25.038 USD/người, tương đương với các nước phát triển trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Thâm Quyến cũng là một trong những nơi có nhiều tòa nhà cao tầng nhất thế giới với 59 tòa cao hơn 200m, bao gồm Kingkey 100 (đứng thứ 14 trên thế giới về độ cao) và Shun Hing Square (đứng thứ 19).

Đây cũng là khu vực có nhiều trụ sở của các công ty nổi tiếng như Tencent, Huawei và là nơi đặt nhiều nhà máy của các tập đoàn như Hon Hai, ZTE, Konka...

Sàn chứng khoán Thâm Quyến cũng là 1 trong 3 sàn chứng khoán lớn nhất hiện nay tại Trung Quốc, sau sàn Thượng Hải và Hồng Kông.

Trước những thành công rực rỡ của Thâm Quyến, chính quyền Bắc Kinh đã quyết định thành lập thêm các khu kinh tế mở như Thượng Hải, Thiên Tân, Đại Liên... vào năm 1984.

Trớ trêu thay, dù được mở cửa sau nhưng Thượng Hải lại trở thành FTZ trước Thâm Quyến vào năm 2013.

Khi mới được thành lập, khu vực SEZ chỉ rộng 396km2 nằm trong thành phố Thâm Quyến và có khu vực hàng rào bao quanh. Những người Trung Quốc không có hộ khẩu Thâm Quyến muốn vào khu vực này cần có giấy phép đặc biệt.

Tuy nhiên, dần dần những quy định bảo hộ chặt chẽ này được nới lỏng và các loại giấy phép đặc biệt dần bị dỡ bỏ. Đến ngày 1/7/2010, khu vực SEZ được chính thức được mở rộng ra toàn thành phố Thâm Quyến với tổng diện tích 1.953km2.

Theo Trí Thức Trẻ

Các tin cũ hơn