Chủ đầu tư - Công ty CP Nước sạch Vinaconex (Viwasupco) - trước đó đã chấm Công ty Xinxing của Trung Quốc trúng thầu cung ứng ống gang dẻo và phụ kiện cho dự án. Việc chọn thầu này dù được tiến hành theo luật định song vẫn khiến dư luận hết sức băn khoăn vì cái “mác” Trung Quốc.
Sau đó, lãnh đạo Viwasupco đã gặp gỡ báo chí để giải thích, trấn an rằng việc mời thầu, tổ chức đấu thầu… là đúng quy trình và Xinxing hoàn toàn đủ năng lực. Dù vậy, ít ai tin lời Viwasupco. Từ đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ Xây dựng và UBND TP.Hà Nội rà soát và sau rà soát, UBND TP.Hà Nội đã có đề xuất nói trên.
Từ lâu, các nhà thầu Trung Quốc đã bị tai tiếng là “chuyên gia” chạy thầu và năng lực thực hiện gói thầu kém. Ngay tại Hà Nội, ống dẫn nước sông Đà giai đoạn 1 có bàn tay của nhà thầu Trung Quốc đã vỡ hơn 15 lần, mỗi lần vỡ là khoảng 70.000 hộ dân đau khổ.
Đào lên lấp xuống, sửa chữa tốn kém biết bao nhiêu mà kể, chưa thôi khóc hận mà nay tiếp tục giẫm lên vết xe đổ cũ, chẳng biết Viwasupco chọn thầu như vậy vì lý do gì. Nói rộng ra, ở khắp các công trình khác, doanh nghiệp Trung Quốc cũng trúng thầu nhiều vô kể dù ai nghe tên cũng ngán ngẩm, nghi hoặc. Tại sao vậy?
Vì chất lượng tốt? Chắc chắn không phải vì thực tế số nhà thầu Trung Quốc làm tốt rất ít. Vì ham rẻ? Cũng chưa hẳn vì qua các dự án bê bối như ống nước sông Đà giai đoạn 1, đường sắt Cát Linh - Hà Đông…, chúng ta đã thấy chi phí khắc phục hậu quả tốn kém đến mức nào và kéo theo là hàng loạt hệ lụy xã hội mà mức tổn thất chưa tính hết. Vậy thì có phải vì các nhà thầu Trung Quốc giỏi “đi cửa sau”?
Chúng ta đã trả giá quá nhiều bởi các nhà thầu Trung Quốc. Lãnh đủ là người dân còn cán bộ thì chẳng mấy ai bị kỷ luật do chọn nhà thầu kém. Ấy là bởi việc đấu thầu đều luôn “đúng quy trình”. Quy trình đã sẵn và công khai, làm đúng thì có khó gì? Cái khó của chúng ta là làm sao vừa đúng quy trình vừa không “nhầm hàng”, chứ còn đúng quy trình mà lãnh hậu quả hoài thì phải xem lại cái “quy trình” ấy, cụ thể là Luật Đấu thầu.
Trở lại với vụ nhà thầu Xinxing, đề nghị của UBND TP.Hà Nội là hợp lý và hết sức cần thiết. Điều đó đã nói thay cho thái độ hiện nay của chúng ta về nhà thầu Trung Quốc nói chung, đồng thời còn nắn gân các chủ đầu tư trong nước về ý thức “chọn bạn mà chơi”, về trách nhiệm “chọn mặt gửi vàng”, nhất là các công trình quốc kế dân sinh.
Mà công chúng và báo chí đâu thể nào giám sát hết mọi dự án để góp ý, phản biện. Cho nên, tốt hơn cả là đừng để xảy ra những trường hợp phải tạm dừng như ký hợp đồng với nhà thầu dự án nước sông Đà giai đoạn 2. Muốn vậy, những người trong cuộc phải làm hết trách nhiệm và trong sạch ngay từ đầu.
Theo NLĐ