|
TS Huỳnh Thế Du |
Ước mơ thì dễ nhưng hãy hết sức thực tế
Thưa ông, là Giảng viên Chính sách công, Giám đốc Đào tạo Chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright, ông suy nghĩ gì về mục tiêu mà Bí thư Thành ủy TP.HCM đặt ra là phải “đưa TP.HCM trở lại vị thế số 1, xứng tầm với Thượng Hải, Trung Quốc”?
TS Huỳnh Thế Du: Theo tôi hiểu, Bí thư Đinh La Thăng nói là số 1 khu vực chứ không phải của Việt Nam. Sài Gòn chưa bao giờ được coi là vị trí số 1 khu vực cả. Khi Pháp đến, Sài Gòn khi đó là thủ phủ của Đông Dương thôi. Thời đó Singapore đã là thương cảng khá phát triển rồi chứ không phải là làng chài.
Tên “Hòn ngọc Viễn Đông” có từ năm 1916, đến nay đúng 100 năm. Khi đó, người ta kỳ vọng Sài Gòn giống đô thị đang phát triển, sung túc. Tên gọi đó đôi khi là lời nói lịch sự, mang tính ngoại giao chứ xét về các chỉ tiêu kinh tế, mức độ phát triển thì phải nói thực TP.HCM trong lịch sử chưa bao giờ là trung tâm thương mại, kinh tế của cả khu vực ASEAN.
TP.HCM đang ở đâu so với các thành phố (TP) lớn trong khu vực. Mục tiêu như Bí thư Thăng đặt ra thì có thuận lợi, khó khăn gì?
Chúng tôi không so sánh TP.HCM trong khu vực ASEAN mà với các TP khác ở châu Á gồm các TP dẫn đầu như Tokyo, Hong Kong, Singapore, nhóm tiếp theo là Seoul, Đài Bắc, Bắc Kinh, Thượng Hải, Băng Cốc, Jakarta, Manila, TP.HCM. TP.HCM có vị trí thấp nhất. TP.HCM so với Băng Cốc còn khoảng cách 2-3 thập kỷ. Mặc dù năm 1992, ông Lý Quang Diệu nói năm 1975, Băng Cốc với Sài Gòn tương đương nhau nhưng năm 1992 khoảng cách ấy ít nhất là 2 thập kỷ. Đến bây giờ, câu hỏi đó vẫn tính thời sự.
Ước mơ thì dễ nhưng hãy hết sức thực tế. Chúng ta đang ở vị trí thấp, làm sao trước mắt phải vượt TP đang xếp trên TP.HCM là Manila, các TP kế tiếp rồi mới đến TP dẫn đầu. Chúng ta đang ở cuối, để vượt qua người dẫn đầu thì đó là câu chuyện rất là xa. Khi vượt người ở giữa thôi đã là vấn đề hết sức phức tạp rồi.
Vì sao TP.HCM không bằng Manila. Khoảng bao lâu thì TP.HCM mới bằng Manila và tiệm cận với nhóm dẫn đầu?
Băng Cốc ở mức độ trung bình. Nếu chúng ta phát triển cật lực thì phải 2-3 thập kỷ nữa mới bằng. Tuy nhiên, cũng không nên quá bi quan. Hãy nhìn đầu thập niên 1960, đâu có ai dám so sánh Seoul với Tokyo. Thế nhưng, sau 3 thập niên, Seoul có nhiều yếu tố có thể so sánh với Tokyo và bây giờ ngang bằng nhiều lĩnh vực.
Theo tính toán của tôi, TP.HCM chọn đúng hướng thì sau 10 năm có thể tạo ra những cơ sở hạ tầng vật chất cơ bản tương đương với Băng Cốc bây giờ. Nếu sau 30 năm, định hướng tốt thì hoàn toàn có khả năng có những yếu tố ngang ngửa với các thành phố dẫn đầu trong khu vực. Muốn làm như thế thì đòi hỏi có quyết tâm rất lớn, có cách làm hợp lý.
3 trục trặc cơ bản với TP.HCM
Thưa ông, cách làm hợp lý nhưng thời gian quá dài. Để chúng ta phát triển nhanh thì nên làm những thứ gì gần, thiết thực nhất?
Trong 30 năm qua, có 3 trục trặc cơ bản với TP.HCM. Thứ nhất, ngân sách của TP đang được giữ lại quá ít. Chúng ta cứ hay nói tại sao Thượng Hải phát triển nhanh, nhưng tính ra ngân sách bình quân của Thượng Hải được chừng 20% tổng sản phẩm. Trong khi TP.HCM nếu tính cả vốn ODA thì chưa đến 10%. Nếu TP.HCM trong 20 năm qua mà được đầu tư thêm 50 tỷ USD thì cơ sở hạ tầng sẽ khác hẳn bây giờ.
Trục trặc thứ 2 là về động cơ cán bộ. Chỉ cần không sai là được thăng tiến. Đó là chưa kể hệ thống của chúng ta tạo ra khuyến khích ngược. Nếu anh gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân thì sẽ được biết điều trong nháy nháy. Còn anh làm mọi thứ trôi chảy thì anh chả được gì.
Vậy giải pháp nào cho TP.HCM chúng ta “hóa rồng”, thưa ông?
Theo thôi, thứ nhất, phải xác định tầm nhìn rõ ràng. Thứ 2, làm sao cho cán bộ có động cơ làm việc. Thứ 3, có thực mới vực được đạo. Nếu không giải quyết bài toán ngân sách thì không thể nào đủ khả năng phát triển cơ sở hạ tầng cơ bản cho TP.
Ai là người nghĩ ra tầm nhìn? Ai có thể định hình ra sự phát triển của TP? Ở đây có 2 đội ngũ cực kỳ quan trọng là doanh nhân và trí thức.
Để giải quyết động cơ cho cán bộ, áp lực cho cán bộ thì cần phải xây dựng chỉ số về năng lực quản trị ở các sở ngành để có thước đo và chỉ số về cảm nhận đời sống của người dân đối với các quận huyện. TP cần phân tích các xếp hạng của quốc tế, xem thử mình với người ta như thế nào để cải thiện. Đừng quá đặt nặng các chỉ tiêu không lượng hóa được. Những chỉ tiêu có tính mơ hồ, thành tích thì không cần thiết và bỏ đi cho nó đơn giản.
Công tác cán bộ thì phải đổi ngược lại. Ông nào làm được thì cho thăng tiến chứ không phải ông nào không sai.
Để làm đột phá, thay đổi cả TP rất khó. Nhưng chỗ khó nhất của TP.HCM là các Ban quản lý dự án như Thủ Thiêm, khu Nam, dự án đường sắt... Nơi đó phải bố trí những người có năng lực, dám nghĩ dám làm chứ không phải là nơi để xử lý cán bộ.
Vấn đề thứ 3 là khó khăn nhất khi ngân sách TP giờ chỉ được giữ lại có 23%. Sẽ rất khó để thay đổi công thức tính này trong tương lai gần.
Bài toán cực kỳ khó khăn nhức nhối với TP.HCM không chỉ là ô nhiễm, ngập nước mà có cả tắc nghẽn giao thông. Nếu phát triển đô thị lộn xộn sẽ ảnh hưởng rất dài hạn đến tương lai của TP. Vì thế phải giải quyết bài toán phát triển theo hướng vận tải công cộng. Bài toán thứ 2 là hạ tầng kết nối. Các doanh nghiệp phải tham gia vào liên kết vùng. Địa phương thì có địa giới hành chính nhưng doanh nghiệp thì không.
Thưa ông, Nghị quyết Đảng bộ 10 TP.HCM đã đưa ra 7 chương trình đột phá mà ông cũng là người tham gia trong quá trình tư vấn, xây dựng Nghị quyết. Liệu 7 chương trình này có đủ để đưa TP.HCM trở thành “số 1” trong khu vực?
Cái đấy rất khó nói. Trong 7 chương trình đột phá, chương trình thứ 7 là chỉnh trang đô thị, chống ùn tắc giao thông, chống ngập lụt… đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, cứ tắc đường mà xây thêm đường thì khả năng đi theo vết xe đổ của Jakarta rất cao. Giao thông mà không được thì mọi thứ tắc hết.
Ông là một trí thức được đào tạo bài bản ở nước ngoài, ông thấy TP.HCM có thể ứng dụng mô hình phát triển như thế nào cho phù hợp, trong đó có yếu tố người đứng đầu?
TP.HCM chỉ cần giải quyết được 2 vấn đề: Phát triển hệ thống giao thông mà đặc biệt là hệ thống vận tải công cộng và tạo ra nền tảng cơ chế liên kết vùng để cạnh tranh với các TP khác trong khu vực. Nếu làm được 2 việc đó thì sẽ tạo ra dấu ấn cực kỳ lớn. Rất ít lãnh đạo địa phương nào trên thế giới làm được như vậy.
TS Huỳnh Thế Du cho rằng, giao thông là bài toán quan trọng của TP.HCM. Bí thư Đinh La Thăng có lợi thế rất lớn để thành công cùng TP.HCM khi ông từng là “tư lệnh” ngành giao thông.
Với kinh nghiệm nhiều năm gắn bó ở Công ty Sông Đà, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia…, ông Thăng sẽ phù hợp với cách thức điều hành TP theo kiểu 1 Tổng giám đốc điều hành 1 doanh nghiệp. Trên thế giới, có 2 người đã thành công với mô hình này là ông Lee Myung Bak (cựu Tổng thống Hàn Quốc) và ông Mitt Romney (nguyên Thống đốc Bang Massachusetts).
Lãnh đạo không phải là người đứng trên cao mà là đứng ở trung tâm và tạo ra cảm hứng, cách làm để cho người khác thực hiện. Người lãnh đạo dựa vào đúng điểm mạnh của mình để tạo sự phát triển. Lãnh đạo thành phố phải như là người điều hành 1 doanh nghiệp.
Theo Dân Trí