Xâm nhập mặn đồng bằng sông Cửu Long sẽ giảm trong tháng 4

Thứ ba, 05/04/2016, 15:18
Dòng chảy đầu nguồn đồng bằng sông Cửu Long có xu hướng tăng và sẽ có hiệu quả đẩy mặn từ ngày 5 đến 7/4.

Số liệu của Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC) cho thấy, từ tháng 3 các trạm ở đầu nguồn và dòng chính Mekong mực nước bắt đầu tăng. Cụ thể, tại trạm Chiang Sean ở đầu nguồn sông Mekong (theo dõi nguồn nước xả phía Trung Quốc về) dòng chảy tăng từ ngày 12 đến 14/3 và ổn định từ đó đến nay ở mức 3,24-3,41m; tăng 1,02-1,19m so với ngày 11/3, nhưng dòng chảy trung bình vẫn thấp hơn cùng kỳ năm ngoái.

Số liệu tại trạm Kratie đặt trên dòng chính sông Mekong cũng cho thấy, dòng chảy bắt đầu tăng từ ngày 25/3 đến 1/4 và có xu thế ổn định duy trì ở mức 3,32-3,26m.

Dòng chảy đầu nguồn đồng bằng sông Cửu Long cũng có xu hướng tăng. Số liệu thực đo ngày 3/4 tại trạm Tân Châu (sông Tiền) tăng 170m3/s so với ngày 2/4; còn Châu Đốc (sông Hậu) tăng 38m3/s.

Tình trạng hạn hán đồng bằng sông Cửu Long sẽ được cải thiện trong tháng này.

Theo Viện Thủy lợi miền Nam, dòng chảy thượng lưu về đồng bằng bắt đầu ảnh hưởng từ cuối tháng 3, một số vùng ven biển trong phạm vi 30-45km đã lấy được nước ngọt.

Các nhà khoa học dự kiến, dòng chảy đổ về đồng bằng sẽ ổn định và có hiệu quả đẩy mặn từ ngày 5 đến 7/4. Cụ thể, khu vực biển Tây độ mặn có xu thế giảm dần từ ngày 4 đến 15/4, sau đó có thể gia tăng trở lại vào cuối tháng này và có khả năng kéo dài nếu không mưa. Với khu vực Biển Đông, mặn có xu thế biến động gia tăng do ảnh hưởng triều cường đầu tháng; tiếp đó nguồn nước thượng lưu về đồng bằng sẽ có hiệu quả đẩy mặn từ sau ngày 10-12/4.

Với dự báo trên, trong tháng 4, các tỉnh ven sông Cửu Long trong phạm vi cách biển từ 35 đến 40km sẽ có nước ngọt khi triều thấp. Viện Thủy lợi miền Nam đề nghị các địa phương tập trung tối đa phương tiện lấy nước ngọt, mở các cống bơm khi nước ngọt xuất hiện và kiểm tra độ mặn của nguồn nước.

Thông tin nước ngọt về khiến người dân miền Tây phấn khởi. Một số địa phương khi biết nước đổ về đã chuẩn bị xuống giống vụ hè thu.

Xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá là chưa từng xuất hiện trong lịch sử quan trắc. Nhiều nơi nước mặn vào sâu đất liền tới 70-90km, sâu hơn trung bình nhiều năm 15-20km. Kinh tế và đời sống dân sinh của địa phương bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Đến nay có 9 trong 12 tỉnh miền Tây bị hạn, xâm nhập mặn hoành hành đã công bố tình trạng thiên tai. Hàng trăm nghìn ha lúa, mía, cây ăn trái, hoa màu, vùng nuôi thủy sản bị thiệt hại; hơn một triệu người dân thiếu nước ngọt sử dụng.

Trung Quốc tuyên bố xả nước từ đập thủy điện ở tỉnh Vân Nam từ giữa tháng ba tới ngày 10/4 để cứu hạn cho các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Lào sau đó cũng quyết định xả nước một số đập thuỷ điện đến cuối tháng 5 nhằm tăng lưu lượng nước chảy vào sông Mekong, giúp Việt Nam giải quyết hạn hán và xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long.

Theo VNE

Các tin cũ hơn