Ảnh minh họa: Guardian |
11,5 triệu chứng từ thuế của công ty luật Mossack Fonseca hay còn gọi là “Hồ sơ Panama” bị tiết lộ cho hơn 100 tổ chức truyền thông điều đã phanh phui các thương vụ làm ăn ngầm ở nước ngoài của nhiều nhân vật quyền lực. Trong số này có khoảng 140 chính khách, trong đó có 12 nguyên thủ và cựu nguyên thủ từ nhiều nước khác nhau như Nga, Ukraine, Malaysia, Ả rập Xê út, Anh… Ngoài ra, nhóm này còn có các nhân vật nổi tiếng trong lĩnh vực giải trí, 29 tỷ phú trong danh sách 500 người giàu có nhất thế giới theo bình chọn của tạp chí Forbes (Mỹ)...
Giới chức nhiều nước trong đó có Áo, Úc, Hà Lan, Iceland, Ấn Độ đã mở các cuộc điều tra các thông tin liên quan đến những chi tiết được phanh phui qua các tài liệu mật.
Văn phòng thuế quốc gia của Úc hôm nay cho biết đang điều tra hơn 800 khách hàng giàu có của Mossack Fonseca để phát hiện các trường hợp trốn thuế. “Hiện chúng tôi đã phát hiện 120 người trong số này có liên hệ với một công ty nước ngoài ở Hong Kong”, cơ quan này cho biết, song từ chối nêu cụ thể danh tính công ty Hong Kong.
Trong khi đó, Cảnh sát liên bang, Ủy ban hình sự và Cơ quan phòng chống rửa tiền của Úc cũng đang điều tra và cho rằng một số trường hợp có thể bị khép vào án hình sự nghiêm trọng.
Tại Ukraine, các nhà làm luật đã kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra xác định những quan chức dính nghi án rửa tiền, trốn thuế sau khi Hồ sơ Panama bị rò rỉ. Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko - người cũng bị đề cập đến trong tài liệu mật - khẳng định: “Tôi tin rằng tôi có thể là quan chức đầu tiên ở Ukraine công bố minh bạch tài sản, nộp thuế đúng nghĩa vụ”.
Tại Iceland, Thủ tướng Sigmundur Davíð Gunnlaugsson đang đối mặt nguy cơ mất chức sau khi có tên trong danh sách của Hồ sơ Panama.
Ngay sau khi Hồ sơ Panama được công bố, khoảng 16.000 người Iceland đã ký vào một đơn đề nghị Thủ tướng Gunnlaugsson từ chức. Các nghị sỹ đảng đối lập cũng đề nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với ông Gunnlaugsson. Các cuộc biểu tình quy mô lớn được dự báo sẽ nổ ra ở Iceland sau sự kiện chấn động này.
Theo Hồ sơ Panama, ông Gunnlaugsson và vợ Anna Sigurlaug Pálsdóttir được cho là đồng sở hữu một công ty có tên Wintris Inc thành lập năm 2007 ở đảo Tortola thuộc quần đảo Virgin của Anh. Khi trở thành thành viên Quốc hội Iceland năm 2009, ông Gunnlaugsson không công khai lợi nhuận từ công ty này.
Tại Ấn Độ, giới chức địa phương cho biết đã lập ra một tổ điều tra với sự phối hợp với nhiều cơ quan ban ngành để điều tra các nhân vật của nước này có tên trong danh sách của Hồ sơ Panama. Trong khi đó, giới chức Pháp cho biết những người có tên trong danh sách bê bối tài chính của Tài liệu Panama sẽ bị điều tra các khoản thuế.
Theo Dân Trí