“ Panama Papers ” đang là từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất ngày hôm nay, đây là vụ rò rỉ thông tin lớn nhất và nghiêm trọng nhất trong lịch sử. Mức độ nghiêm trọng của nó không chỉ vì số dữ liệu khổng lồ lên tới 2,6TB, mà còn vì có liên quan tới những người quyền lực và giàu có nhất trên thế giới.
Các dữ liệu này bị rò rỉ từ công ty luật Mossack Fonseca, có trụ sở chính tại Panama. Đây là một công ty luật chuyên cung cấp các dịch vụ tài chính khá nổi tiếng trên thế giới, và cũng là trung tâm của vụ việc Panama Papers.
Vậy Mossack Fonseca thực chất là công ty như thế nào và nó đã làm cách nào để giúp những người quyền lực và giàu có trên thế giới có thể trốn thuế?
Mossack Fonseca là gì?
Mossack Fonseca là một công ty luật có trụ sở tại Panama, với hơn 40 văn phòng đại diện trên khắp thế giới. Công ty được thành lập vào năm 1977, bởi Jurgen Mossack và Ramon Fonseca.
Công ty luật này chuyên cung cấp các dịch vụ pháp lý cho các công ty và tập đoàn ở nước ngoài. Các dịch vụ bao gồm tư vấn luật thương mại, dịch vụ ủy thác, tư vấn đầu tư và quản lý tài sản.
Trụ sở chính của Mossack Fonseca tại Panama. |
Tại Panama công ty luật Mossack Fonseca khá nổi tiếng. Các luật sư của công ty này đã từng được gửi ra nước ngoài để làm đại sứ cho một số vấn đề quan hệ kinh doanh của Panama.
Tuy nhiên hoạt động của công ty luật này cũng rất mờ ám, trước đây Mossack Fonseca đã từng bị cáo buộc giúp đỡ các công dân nước ngoài lách luật thuế khi sinh sống tại Panama. Cũng có cáo buộc công ty luật này tham gia các hoạt động rửa tiền và trốn thuế liên quan đến ngân hàng Commerzbank.
Thậm chí, Mossack Fonseca bị cáo buộc đã từng làm việc với một số kẻ độc tài tại Trung Đông và Châu Phi để giúp đỡ phá bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế. Công ty luật này được cho là có liên quan đến nhiều tổ chức nằm trong danh sách đen của Chính phủ Mỹ.
Mossack Fonseca có quy mô lớn như thế nào?
Theo trang web chính của công ty luật này cho biết, họ có mạng lưới toàn cầu với hơn 600 nhân viên làm việc tại 42 quốc gia. Hiện tại các hoạt động chính của Mossack Fonseca là tại những “thiên đường thuế” như Thụy Sĩ, đảo Síp, vùng lãnh thổ Virgin Islands thuộc Anh, Panama.
Mạng lưới toàn cầu của Mossack Fonseca. |
Mossack Fonseca là nhà cung cấp dịch vụ pháp lý kinh tế lớn thứ 4 trên thế giới, với hơn 300.000 khách hàng. Trong đó có rất nhiều những người quyền lực, là các chính trị gia và nhiều tỷ phú.
Đặc biệt là hơn một nữa số khách hàng của Mossack Fonseca đăng ký hoạt động tại các “thiên đường thuế”, cho thấy điểm đáng nghi ở công ty luật này.
Mossack Fonseca thực hiện các giao dịch để trốn thuế và rửa tiền như thế nào?
Theo các tài liệu được tiết lộ và phân tích, Mossack Fonseca đã thực hiện rất nhiều giao dịch chuyển tiền của các lãnh đạo, chính trị gia và các tỷ phú ra nước ngoài, thông qua các công ty tư nhân. Họ chuyển tiền tới các quốc gia hoặc vùng lãnh thổ được hưởng ưu đãi về thuế hoặc không cần phải tính thuế trên giấy tờ giao dịch, những nơi này được gọi là các “thiên đường thuế”.
Các công ty tư nhân này thực chất là các công ty ma, vì chúng không hoạt động kinh doanh mà chỉ được thành lập để quản lý tiền và che đậy thân phận thật sự của những người đứng phía sau số tiền đó.
Có những quốc gia được gọi là "thiên đường thuế". |
Các khách hàng sẽ chuyển tiền vào những công ty ma nằm tại các quốc gia “thiên đường thuế”, sau đó mới thực hiện các giao dịch khác. Do thuế ở các nước này rất thấp, hoặc rất dễ trốn thuế mà nhờ vậy các khách hàng sẽ bỏ túi được những khoản tiền khổng lồ so với việc thực hiện giao dịch tại các quốc gia khác.
Những “thiên đường thuế” nổi tiếng trên thế giới hiện nay là Bahamas, Panama và quần đảo Virgin của Anh.
Bên cạnh đó, theo các dữ liệu được tiết lộ thì hãng luật Mossack Fonseca còn bị cáo buộc có hành vi rửa tiền. Việc rửa tiền thực chất là làm hợp pháp hóa những khoản tiền phi pháp, có nguồn gốc như buôn bán vũ khí, ma túy và tham nhũng.
Số tiền phạm pháp này sẽ được chuyển tới các công ty ma tại nước ngoài. Theo luật kinh tế tại các quốc gia này, việc điều tra nguồn gốc của số tiền bẩn sẽ rất khó hoặc không thể điều tra. Sau đó, các công ty này có thể sử dụng số tiền bẩn một cách hợp pháp trên khắp thế giới.
Mossack Fonseca có tội khi giúp khách hàng giữ tiền của họ ở nước ngoài?
Về lý thuyết, việc gửi tiền và giữ tiền ở nước ngoài không phải là hành vi phạm pháp. Nhiều doanh nhân tại Nga và Ukraina cũng thường xuyên chuyển tiền của họ ra nước ngoài, vì họ sợ có thể bị tấn công bởi các băng nhóm tội phạm hoặc các chính sách siết chặt kinh tế. Việc giữ tiền ở một số nước như Thụy Sĩ cũng giúp họ yên tâm hơn, do chính sách an ninh tại các quốc gia này rất tốt.
Gửi tiền và giữ tiền ở nước ngoài không phải phạm pháp, nhưng nó có thể bị lợi dụng để trốn thuế và rửa tiền. |
Tuy nhiên đã có nhiều tổ chức và cá nhân lợi dụng hành động này để chuyển tiền tới các quốc gia “thiên đường thuế”. Đây là nơi mà những quy định về lập quỹ, về nguồn gốc của tiền đầu tư không được chặt chẽ là thủ đoạn mà tội phạm rửa tiền xuyên biên giới có thể thực hiện.
Chính vì vậy mà ranh giới giữa việc gửi tiền ở nước ngoài hợp pháp và hành vi rửa tiền, trốn thuế tại nước ngoài cũng rất mong manh. Việc điều tra số tiền bẩn này cũng rất khó khăn, do các quy định tại các quốc gia này không cho phép.
Mossack Fonseca cũng đã có câu trả lời chính thức sau khi vụ việc được công bố, người đứng đầu Ramon Fonseca cho biết công ty của ông hoàn toàn vô tội. Và 240.000 công ty tư nhân mà hãng luật này thành lập đều hoạt động một cách hợp pháp.
Hiện tại mới chỉ có Hiệp hội các nhà báo Quốc tế và nhiều tờ báo lớn trên thế giới tham gia cuộc điều tra và phân tích dữ liệu rò rỉ của Mossack Fonseca. Do đó chúng ta cũng khó có thể kết luận rằng công ty luật và các khách hàng của họ đã vi phạm luật pháp. Chúng ta sẽ phải chờ đến khi các nhà chức trách vào cuộc.
Theo GenK