Mossack Fonseca bị cho là vô tình giúp nhiều người giàu trốn thuế, tội phạm rửa tiền, quan chức nước này tránh lệnh trừng phạt của nước khác. Ảnh: OCCRP |
Khoảng 12 đương kim hoặc cựu nguyên thủ quốc gia và ít nhất 60 người liên quan tới họ được đề cập trong số 11,5 triệu tài liệu mật về tài chính. Báo Đức Sueddeutsche Zeitung nói rằng, họ nhận được lượng tài liệu đồ sộ và đã chia sẻ chúng với các cơ quan báo chí khác. Các tài liệu này chứa thông tin trong suốt hơn 40 năm qua, từ năm 1977 đến tháng 12 năm ngoái, và được cho là chứa đựng bằng chứng một số công ty ở các thiên đường trốn thuế bị lợi dụng cho hoạt động rửa tiền, giao dịch vũ khí, ma túy và trốn thuế.
Cuộc điều tra của Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) và hơn 100 cơ quan báo chí khắp thế giới kéo dài cả năm trời để khai thác 11,5 triệu tài liệu mật của hãng luật Mossack Fonseca có trụ sở tại Panama và có văn phòng tại 35 quốc gia. Cuộc điều tra đã phơi bày các giao dịch tài chính ở nước ngoài của nhiều cá nhân thuộc giới thượng lưu, trong đó có những trợ lý thân cận của Tổng thống Putin, gia đình Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, các ngôi sao màn bạc, thể thao như cầu thủ Lionel Messi.
Tổng thống Putin không bị nêu tên trong đống tài liệu mật, nhưng một số ngân hàng, công ty và người thân cận ông bị cáo buộc “bí mật giao dịch 2 tỷ USD thông qua các ngân hàng và công ty ngụy trang, báo Anh The Guardian đưa tin hôm qua.
“Ông Putin, Nga, đất nước chúng tôi, sự ổn định của chúng tôi và đợt bầu cử sắp tới là mục tiêu chính, đặc biệt là để khiến tình hình trở nên bất ổn”, Phát ngôn viên Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, tuyên bố hôm qua. Ông Peskov nói rằng, những cáo buộc này không có gì mới, thiếu chi tiết và dựa trên suy đoán. “Chúng tôi biết cái gọi là cộng đồng các nhà báo. Có rất nhiều nhà báo mà nghề nghiệp của họ không liên quan đến báo chí: như nhiều cựu quan chức từ Bộ Ngoại giao Mỹ, CIA và các cơ quan đặc biệt khác”, ông Peskov nói.
Tuần trước, ông Peskov nói rằng, những báo cáo về các giao dịch tài chính của nghệ sĩ đàn cello Sergei Roldugin, bạn của ông Putin, và những báo cáo liên quan khác nằm trong chiến dịch mang động cơ chính trị nhằm làm mất uy tín của Tổng thống Putin trước thềm bầu cử.
Giao dịch ở nước ngoài không vi phạm pháp luật, nhưng có thể bị lợi dụng để che khối tài sản khỏi tầm mắt của các cơ quan thuế, thực hiện hành vi phạm tội hoặc giấu các tài sản mà người sở hữu không muốn công bố.
Thủ tướng Iceland chịu áp lực từ chức
Hơn 16.000 người dân Iceland vừa ký đơn kiến nghị Thủ tướng Sigmundur David Gunnlaugsson từ chức sau khi tên ông xuất hiện trong những tài liệu tài chính của hãng Mossack Fonseca vừa bị rò rỉ. Đảng đối lập nước này cho biết sẽ yêu cầu tổ chức một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm trong tuần này đối với người đứng đầu chính phủ.
Nhiều tờ báo đưa tin, các tài liệu này cho thấy ông Gunnlaugsson và vợ, bà Anna Sigurlaug Palsdottir, dùng Cty Wintris ở vùng lãnh thổ British Virgin Islands thuộc Vương quốc Anh để che giấu những khoản đầu tư hàng triệu đô la Mỹ. Thủ tướng Gunnlaugsson hôm 3/4 bác bỏ những tài liệu này và gọi đó là “cuộc săn phù thủy” nhằm vào vợ chồng ông.
Thủ tướng Gunnlaugsson trúng cử năm 2013 với lời hứa thực hiện minh bạch hoàn toàn, nhưng vị trí của ông bị lung lay từ khi vợ ông thừa nhận sự tồn tại của Cty Wintris vào giữa tháng 3 vừa qua. Trong cuộc trả lời phỏng vấn gần đây với Đài truyền hình Thụy Điển SVT, ông Gunnlaugsson từ chối trả lời bất kỳ câu hỏi nào khi được đề nghị giải thích bản chất của công ty ở nước ngoài.
Các nước điều tra
Tổng thống Pháp Francois Hollande hôm qua cam kết, Pháp sẽ thực hiện quy trình tố tụng nếu loạt tài liệu rò rỉ thực sự được phơi bày các thương vụ ở nước ngoài của nhiều cá nhân giàu có. “Tất cả thông tin được tiết lộ sẽ dẫn đến những cuộc điều tra của cơ quan thuế và các quy trình tố tụng”, ông Hollande nói. Tổng thống Pháp còn cảm ơn “những người thổi còi” vì đã đưa “tài liệu Panama” (dữ liệu tài chính của hãng Mossack Fonseca) ra ánh sáng.
Ngày 4/4, Cơ quan Thuế Úc cho biết họ đang điều tra hơn 800 khách hàng giàu có người Úc liên quan các giao dịch tài chính bí mật. Cơ quan Thuế New Zealand thông báo, họ đang phối hợp các đối tác xử lý thuế để thu thập thông tin chi tiết về bất kỳ người dân New Zealand nào liên quan Mossack Fonseca.
Người đứng đầu Mossack Fonseca phủ nhận công ty này đã làm gì sai, nhưng nói rằng cơ sở dữ liệu của hãng bị tin tặc tấn công ở mức “hạn chế”. Giám đốc công ty, ông Ramon Fonseca, nói rằng, vụ tấn công và rò rỉ tài liệu là “một chiến dịch quốc tế tấn công vào quyền riêng tư”. Cho đến tháng 3 năm nay, ông Fonseca vẫn là một quan chức trong chính phủ Panama. Trả lời phỏng vấn của Reuters qua điện thoại, ông Fonseca nói rằng, hãng của ông đã lập hơn 240.000 công ty như vậy. “Phần lớn” những công ty này được sử dụng “cho các mục đích hợp pháp”, ông Fonseca nói.
Các tài liệu còn chỉ ra sự liên quan của gia đình Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif, cụ thể là con gái Mariam và con trai Hussain của ông, với các công ty gửi tiền ra nước ngoài. Hôm qua, Bộ trưởng Thông tin Pakistan Pervez Rasheed khẳng định, Thủ tướng Sharif không làm gì sai. “Ai cũng có quyền làm bất kỳ điều gì với tài sản của họ, dù là ném xuống biển, bán đi hoặc ủy thác. Điều này không vi phạm luật Pakistan hay luật quốc tế”, ông Rasheed nói.
Một số tờ báo còn nói rằng, dữ liệu rò rỉ tiết lộ quan hệ giữa một thành viên Ủy ban Đạo đức của FIFA và một quan chức quản lý bóng đá Uruguay bị bắt năm ngoái trong chiến dịch điều tra tham nhũng của Mỹ.
Ít nhất 33 cá nhân và công ty được nêu tên trong dữ liệu rò rỉ nằm trong danh sách đen của chính phủ Mỹ vì có sai phạm, bao gồm giao dịch với Triều Tiên, Iran, tổ chức Hồi giáo Hezbollah ở Li-băng.
Chính phủ Panama tuyên bố “không tha thứ” cho bất kỳ giao dịch không minh bạch nào, và hứa sẽ “hợp tác mạnh mẽ” với bất kỳ cuộc điều tra pháp lý nào, APđưa tin.
Tài liệu mật của công ty luật Mossack Fonseca được tuồn cho báo Đức Sueddeutsche Zeitung, sau đó được chia sẻ cho 109 cơ quan báo chí, truyền thông ở 76 nước. Fonseca cung cấp dịch vụ tài chính giúp khách hàng che giấu tài sản của họ. Tuy nhiên, hãng luật này nói rằng, họ đã hoạt động trơn tru 40 năm, chưa bao giờ bị pháp luật sờ gáy. |
Theo Tiền Phong