Ủng hộ đề xuất của Bí thư Thăng
Tại hội nghị lần thứ 4 BCH Đảng bộ TP.HCM khóa X, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đề xuất TP.Hồ Chí Minh phải trở thành một đặc khu kinh tế như Thượng Hải, với những cơ chế đặc biệt để phát huy được tiềm năng, thế mạnh của mình.
Trao đổi với chúng tôi, đại biểu Trần Du Lịch đã bày tỏ sự ủng hộ tinh thần tháo gỡ cơ chế để TP.HCM có thể phát triển tương xứng với tầm vóc mà Bí thư Đinh La Thăng đã đề ra.
Đồng thời, ông cũng ủng hộ đánh giá cho rằng, tất cả cơ chế cho TP.HCM như một cái áo quá chật mặc lên một cơ thể lớn mạnh.
Ông cũng đã nhiều lần đề cập đến việc xây dựng pháp luật tổ chức một mô hình quản lý Nhà nước hành chính địa phương, đồng hóa tính thống nhất của nền hành chính với sự đồng nhất về tổ chức bộ máy.
Ông Trần Du Lịch. |
"Trên tinh thần đó, tôi thấy Bí thư Đinh La Thăng đã nhận thấy vấn đề khi về thành phố và qua kinh nghiệm cũng thấy rõ.
Với tư cách là một người tham gia từ khi xây dựng Nghị quyết 20 của Bộ Chính trị và thành phố năm 2002 và tham gia biên tập đề án Đổi mới chính quyền đô thị từ 2007, tôi cho rằng, hiện nay TP có thuận lợi hơn để tổ chức mô hình chính quyền đô thị.
Thuận lợi từ đâu? Có hai công cụ. Một là theo Nghị quyết 20 của Bộ Chính trị và sau này là Nghị quyết 16 có một đoạn rất quan trọng, nói rõ rằng "vấn đề gì mà luật pháp chưa quy định, hoặc quy định không phù hợp thì đề nghị Chính phủ cho TP.HCM làm thí điểm".
Thứ hai, Luật Chính quyền địa phương đã quy định, đặc điểm chính quyền đô thị là những ai, tổ chức nào và điểm rất quan trọng là cho phép tổ chức thành phố trong thành phố.
Trên tinh thần đó, tôi cho rằng, TP.HCM có thể tiếp tục triển khai ngay đề án tổ chức mô hình chính quyền đô thị", ông Lịch nói.
Đại biểu này cũng nhấn mạnh, ông ủng hộ tinh thần của đồng chí Bí thư. Với người đứng đầu thành phố có quyết tâm khởi động trở lại một chủ trương lớn trước đây thì ông nghĩ rằng có thể làm được.
Chủ trương này cũng đã được đeo đuổi nhiều năm, nằm trong chương trình trọng điểm của Thành ủy nhiệm kỳ trước.
Bao lâu sẽ bằng như Thượng Hải?
Vị Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM cũng cho rằng, nếu nói là đặc khu thì cũng không phải, bởi cách đây 20 năm trước, TP.HCM đã nghiên cứu mô hình đặc khu, nhưng chỉ chọn một phần phía Nam mà thôi, không thể làm cả thành phố.
Hiện nay, Trung ương đã chủ trương có một số đặc khu như Vân Đồn, Phú Quốc, là những nơi có quy mô nhỏ và hẻo lánh, quá đặc biệt, quá khó khăn.
Đặc khu là gì, theo ông Lịch, thực chất là quốc gia trong quốc gia và không nên nghĩ TP.HCM là "đặc khu" kiểu đó mà TP.HCM là một chính quyền đô thị giống như Thượng Hải.
"Tôi nhấn mạnh, Thượng Hải là một chính quyền đô thị đầy đủ chứ không phải đặc khu như Thẩm Quyến. Thẩm Quyến mới là mô hình quốc gia trong quốc gia", ông Lịch nêu.
Trước câu hỏi, với ý tưởng đó thì liệu rằng tài chính của TP.HCM có độc lập với Trung ương không, ông Lịch cho hay, căn cứ Luật Ngân sách, chúng ta phải kiến nghị lại.
Theo luật, những khoản thu nào của địa phương thì phải 100% thuộc địa phương, những khoản nào chia Trung ương và địa phương thì chia ổn định trong 5 năm không thay đổi.
Còn những khoản nào thuộc Trung ương thì thành phố có nhiệm vụ phải thu cho Trung ương. Cứ thế mà thực hiện. Khoản của địa phương thì do HĐND quyết và chịu trách nhiệm.
Chứ không phải lồng ghép theo kiểu nhập nhằng không rõ, rồi xin lên xin xuống, đồng thời cũng không có thưởng, thưởng thu thưởng chi...
Vị Tiến sỹ kinh tế này cũng cho rằng, không cần phải có luật riêng cho thành phố, vì điều này không có tác dụng gì nhiều. Nếu cần thì cần cơ chế tốt và dựa trên tinh thần đó là thực hiện được.
"Thành phố có một bảo bối, đó là Nghị quyết 20 và Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị cho phép thế nên cứ mạnh dạn!", ông nói.
Khi được hỏi, liệu ý tưởng này có thực hiện được trong nhiệm kỳ tới không, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM nhấn mạnh, theo cá nhân ông thì phải khởi động luôn và cũng không có gì xa vời, những ý tưởng đó đã chín muồi, thảo luận đi thảo luận lại nhiều.
"Tôi tin rằng, nếu đồng chí Bí thư thực sự quyết tâm thì TP.HCM tổ chức lại. Bây giờ bộ phận nghiên cứu đề án vẫn còn nguyên ở đó.
Mô hình thành phố trước đây chúng ta đã đi nghiên cứu rất nhiều nơi như Thượng Hải (Trung Quốc), Busan (Hàn Quốc), Paris (Pháp)...và nghiên cứu xem áp dụng vào điều kiện Việt Nam thì như thế nào.
Chúng tôi đã nghiên cứu kỹ và nhận thấy mô hình Thượng Hải rất phù hợp.
Thượng Hải quy định rất rõ, Thị trưởng nắm gì, còn lại giao cho các Cục (tương đương với Sở). Các Cục quản lý Nhà nước phải chịu trách nhiệm hết còn Thị trưởng chỉ cần nắm quy hoạch.
Tách biệt Văn phòng Ủy ban chỉ chịu trách nhiệm về nghiên cứu chính sách - TP.HCM cũng có Viện Nghiên cứu phát triển. Các Viện làm nghiên cứu chính sách chứ các Sở không làm nghiên cứu mà chỉ thực thi và quản lý Nhà nước.
Khi chính sách đã được nghiên cứu, được HĐND và UBND thông qua thì giao các Sở thực thi. Không có chuyện anh vừa thực thi lại vừa đề xuất, vừa nghiên cứu... rồi có chuyện cái dễ phần mình, cái khó đẩy sang cho người khác", ông Lịch nói thêm.
Đồng thời, ông cũng kỳ vọng: "Tôi cho là sẽ làm được. Thành phố sẽ có cơ chế tốt, huy động được nguồn lực và xây dựng được một nền hành chính phục vụ và TP.HCM từ đó sẽ bứt phá lên".
Cùng trao đổi với chúng tôi, đại biểu Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, không thể xác định thời gian bao nhiêu lâu TP.Hồ Chí Minh bằng được Thượng Hải.
Bởi lâu hay chóng hoàn toàn phụ thuộc vào nội lực, cách suy nghĩ, hành động của cá nhân và tập thể không chỉ ở địa phương mà còn là cả nước.
"Trong cách làm mà Bí thư Thăng đưa ra tôi thấy tương đối hợp lý, đi đúng hướng là giải quyết những bức xúc trước và xây dựng tiếp nền tảng để bảo đảm bền vững đi theo.
Bên cạnh đó, không được lơ là, thường xuyên làm tốt công tác cán bộ, điều hành, quản lý. Từ đó, chắc chắn sẽ tạo bước chuyển để hướng tới mục tiêu đưa ra", ông Kiêm bày tỏ.
Theo Soha