Người dân sinh sống và buôn bán trên sông Hậu, một trong hai phân lưu của sông Mekong ở phía Nam Việt Nam. Nguồn: Shutterstock |
Theo Margaret Zhou, người có nhiều kinh nghiệm làm việc cho các tổ chức phi chính phủ ở châu Phi, châu Á và Mỹ Latinh, không nên hoàn toàn tin tưởng vào những bản báo cáo về việc Bắc Kinh xả nước để làm giảm bớt tình trạng hạn hán dọc sông Mekong.
Vùng châu thổ sông Mekong đang phải đối mặt với tình trạng hạn hán tồi tệ nhất trong lịch sử, khiến hơn nửa triệu người dân thiếu lương thực và nước sinh hoạt. Chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố quyết định xả nước ở khu vực thượng lưu con sông trong lãnh thổ nước này. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Lu Kang trả lời trong một buổi họp báo rằng Bắc Kinh “hy vọng có thể giúp làm giảm nhẹ tình trạng hạn hán ở khu vực hạ lưu sông Mekong”.
Phía Trung Quốc sẽ xả nước cho đến ngày 10/4 từ trạm thủy điện Jinghong, với mục đích giảm thiểu tình trạng hạn hán cho Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.
Trên tờ Diplomat, tác giả cho biết, chính phủ và truyền thông Trung Quốc cho rằng hiện tượng El Nino đã gây ra hạn hán trên diện rộng, phá hủy 160.000 hecta ruộng lúa ở vùng châu thổ sông Mekong, khiến 600.000 người đối mặt với tình trạng thiếu nước uống, gây thất thoát hơn 220 triệu USD.
Trong khi đó, các quan chức Việt Nam nhận định El Nino chỉ là một phần nguyên nhân, bên cạnh đó còn có tác động từ việc xây dựng quá đà hơn 10 đập thủy điện ở vùng thượng lưu sông Mekong.
Tuy chưa có nhiều báo cáo về việc liệu đó có phải là nguyên nhân gây ra hạn hán hay không nhưng nhiều chuyên gia bảo tồn sông Mekong đã nhanh chóng tìm ra mối liên hệ. Niwat Roykaew, Chủ tịch tổ chức bảo tồn Chiang Khong, cho rằng tình trạng hạn hán là do 6 hồ chứa nước nhân tạo lớn ở khu vực thượng lưu sông Mekong, nằm trong biên giới Trung Quốc.
Ông Roykaew nhận định: “Sông Mekong có một vòng tuần hoàn. Lượng nước trong mùa mưa làm cho các khối tuyết tan chảy và giúp nâng cao mực nước. Tuyết tan trong mùa khô khi mức nước ở mức thấp. Chúng tôi không cần thêm nước từ các đập thủy điện trong mùa khô. Chúng tôi cần duy trì vòng tuần hoàn tự nhiên này để bảo vệ hệ sinh thái và cuộc sống của người dân”.
Hạn hán ở vùng châu thổ sông Mekong không phải là điều gì mới. Năm 2010, tình trạng tương tự cũng đã nảy sinh khi sông Mekong phải đối mặt với việc hạn hán kỷ lục. Trung Quốc từng thực hiện một chiến dịch để chống lại các lời cáo buộc cho rằng những đập thủy điện của mình đang lấy đi nguồn nước của sông Mekong khi con sông này bắt nguồn từ Cao nguyên Tây Tạng cho tới Biển Đông. Tại một vài cuộc họp báo, Bắc Kinh khẳng định rằng hạn hán đơn thuần chỉ là một hiện tượng tự nhiên.
Phân tích về mực nước sông Mekong từ năm 2014 đến 2016 của Hội đồng sông Mekong cho thấy mực nước tăng dần dần từ đầu tháng 2 tới giữa tháng 3 khi vào mùa mưa, như vậy thời điểm này hạn hán là hiện tượng bất thường ở châu thổ sông Mekong. Bản phân tích cũng cho thấy mực nước sông Mekong đo được ở mức 1.000 mét khối một giây trong tháng 3 và chỉ trong vòng hai tuần qua đã lên mức 2.000 mét khối một giây. Với tình trạng này, các nhà điều hành đập thủy điện ở khu vực thượng lưu (ở Trung Quốc) cần phải xả nước để ngăn chặn tình trạng quá tải hoặc gây tổn thất cho đập chứ không phải vì để giải quyết tình trạng hạn hán ở hạ lưu.
Một lý do khác trong “chính sách ngoại giao nước” của Bắc Kinh là hơn 4.000km nằm giữa đập thủy điện Jinghong, nơi lượng nước được xả, và vùng châu thổ sông Mekong. Tiến sỹ Tô Văn Trường, nguyên Viện trưởng Viện quy hoạch Thủy lợi miền Nam, dự đoán khoảng 3 đến 4% lượng nước đó sẽ đến vùng châu thổ sông Mekong.
Bên cạnh việc kiểm soát dòng chảy ở các nước, Trung Quốc còn có kế hoạch của riêng mình. Bắc Kinh đang đầu tư mạnh tay vào các dự án thủy điện dọc vùng phía Nam theo dòng chảy sông Mekong. Các dự án này có thể gây ra những tác động tương tự như các đập thủy điện mà Trung Quốc đã xây ở vùng thượng lưu sông Mekong. Là quốc gia cuối cùng trong dòng chảy của Mekong, Việt Nam sẽ phải gánh chịu những tác động nghiêm trọng từ việc làm này.
Việc đổ lỗi hạn hán là do thời tiết bất thường, không thừa nhận những tác động của việc xây dựng đập thủy điện hay biến đổi khí hậu rõ ràng là một hành động có chủ đích. Khi Trung Quốc bắt đầu thủy điện hóa sông Mekong cùng các nhánh thượng lưu từ đầu những năm 1990, các nhà khoa học đã dự đoán về tình trạng hạn hán như ngày nay. Một vài nghiên cứu khoa học cũng đã chỉ ra mối liên hệ cụ thể giữa các đập thủy điện thượng lưu và tình trạng hạn hán ở vùng châu thổ lớn nhất châu Á.
Không những vậy, việc thiếu nguồn nước bổ sung từ các con sông ra biển càng khiến tình trạng xâm nhập mặn thêm trâm trọng, ảnh hưởng rất nhiều tới cuộc sống của người nông dân. Theo Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc, khu vực đồng bằng châu Á là nơi phải chịu “tổn thương” nhiều nhất do các tác động của biến đổi khí hậu và mức nước biển tăng.
Trong khi đó, những dòng tít như “Trung Quốc xả nước đập thủy điện để giảm nhẹ hạn hán ở Đông Nam Á” lại tạo ấn tượng rằng Bắc Kinh là một “vị cứu tinh” của khu vực trong khi chính họ là những kẻ thủ ác, tàn phá môi trường.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin The Diplomat, một tạp chí có trụ sở ở Tokyo, chuyên về chính trị, văn hóa và xã hội tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. The Diplomat bắt đầu ra mắt từ năm 2002 và cho đến nay đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà bình luận, nhà hoạch định chính sách và các học giả chuyên sâu về các vấn đề trong khu vực này.
Theo Infonet