Hạn hán tại Gia Lai: Hàng trăm tỉ đồng...“trôi sông”

Thứ sáu, 18/03/2016, 10:04
Trước thời điểm hạn hán, tại Gia Lai đã có 124 công trình nước tập trung (tự chảy, giếng khoan) không hoạt động và kém hiệu quả.
Người dân phải “lọc” nước còn sót lại ở sông, suối để sinh hoạt.

Mỗi công trình có vốn đầu tư cao nhất đến 5 tỉ đồng, thấp nhất 200 triệu. Hạn hán ập đến, gần 5.500 hộ với hàng chục ngàn con người quay cuồng vì thiếu nước sinh hoạt. Điều này có nghĩa, hàng trăm tỉ đồng đầu tư cho các công trình nước sạch tại đây trở nên vô nghĩa.

Nghịch lý

Được nhiều chương trình như Mục tiêu Quốc gia nước sạch và Vệ sinh môi trường; chương trình 134, 135; vốn hỗ trợ của UNICEF; ngân sách nhà nước đầu tư 304 công trình cung cấp nước sạch. Hàng trăm ngàn hộ dân Gia Lai được thụ hưởng theo đề án phê duyệt. Ngay sau khi công bố quyết định hạn hán, tỉnh Gia Lai “tá hỏa” phát hiện 124 công trình cung cấp nước đã không hoạt động trước đó. Cụ thể, 96 công trình không hoạt động, 28 công trình hoạt động kém hiệu quả. Gần 2.000 hộ thiếu nước sinh hoạt được thống kê đến ngày 10.3, tuy nhiên, ngày 16.3, con số này đã tăng vọt lên 5.364 hộ.

Tại huyện Kông Chro, công trình nước tự chảy ở xã Kông Yang đầu tư hơn 381 triệu đồng, sau 6 tháng sử dụng, công trình hư hỏng. Đầu tư hơn 2,7 tỉ đồng, công trình giếng khoan tại xã Chư Ngọc (huyện Krông Pa) không thể sử dụng... vì nước có váng, mùi hôi. Nhiều công trình còn xây theo kiểu chiếu lệ, xây xong đắp chiếu, chưa hoạt động ngày nào do… không bố trí được đường điện hoặc nguồn nước bị nhiễm phèn.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Chúc - Phó Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NNPTNT) - cho biết, chi phí mỗi công trình cấp nước có vốn đầu tư lên đến 5 tỉ đồng, thấp từ 200-300 triệu đồng. Như vậy, với 124 công trình thì số tiền lãng phí lên đến hàng trăm tỉ đồng.

“Hư thì sửa, sửa lại hư. Đâu lại vào đó, không ai mà đi hỗ trợ miết được. Nếu không được hỗ trợ, hư thì “đắp mền” đấy”, ông Chúc ngao ngán. Cũng theo ông Chúc, các công trình không hoạt động, người dân buộc phải ra sông, suối lấy nước về ăn uống. Đồng thời cho rằng, Bộ Tài chính, UBND tỉnh đã quy định rất rõ, các công trình cấp nước được phân cấp về huyện quản lý. Do đó, khi các công trình bị bỏ hoang, không hoạt động thì trách nhiệm chính... nằm ở UBND huyện.

“Thói quen”... trông chờ ngân sách

Trước đó, năm 2015, nhận thấy nhiều công trình cấp nước bị bỏ không, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai - Đào Xuân Liên - ký văn bản số 2715/UBND-NL - thừa nhận: Nhiều công trình cấp nước bị xuống cấp, hư hỏng là do công tác đầu tư, quản lý khai thác và vận hành kém hiệu quả. Chính quyền huyện, xã lơ là khắc phục dẫn đến mất khả năng hoạt động, gây lãng phí tiền của Nhà nước. Ngoài ra, các sở ngành thiếu trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc.

Tuy thế, ngày 3.3.2016, khi tỉnh Gia Lai ra quyết định công bố hạn hán, gần 5.500 hộ quay cuồng vì không có nước sinh hoạt. Đã xuất hiện tình cảnh người dân đi mua nước về dùng tại một số huyện như Chư Sê, Chư Pứh, Krông Pa... Trong khi huyện bất lực, ngồi chờ tỉnh “rót” kinh phí (!).

Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro - Huỳnh Ngọc Ẩn - ký tờ trình xin 6,8 tỉ đồng để đầu tư, sửa chữa các công trình chống hạn, cấp nước (trong đó 3,4 tỉ cho các công trình cấp nước sinh hoạt; 2,7 tỉ xây mới các giếng đào, số còn lại dành cho công trình thủy lợi). Huyện Chư Prông xin “hỗ trợ” khoảng 2,783 tỉ đồng, tương tự huyện K’Bang cũng “cầu cứu” xin được tiếp tục đầu tư các công trình nước sạch. Trong khi đó, chính UBND tỉnh Gia Lai lại đang chờ trung ương bố trí kinh phí để chống hạn, khôi phục sản xuất.

Các công trình nước sạch ban đầu được đầu tư hàng tỉ đồng nhưng vấn đề chất lượng, khảo sát vị trí, nguồn nước bị “bỏ quên”. Hạn hán lên đến đỉnh điểm, địa phương lại cuống cuồng cầu cứu “viện trợ”. Tiền không phải là vỏ hến khi điệp khúc “trông chờ ngân sách” còn ám ở một số địa phương, nhất là một tỉnh nghèo như Gia Lai.

Theo Lao Động

Các tin cũ hơn