Việt Nam đề nghị Thái Lan làm rõ kế hoạch bơm nước ở Mekong

Thứ sáu, 18/03/2016, 09:20
Trước kế hoạch của Thái Lan về hút nước sông Mekong và xây cửa chắn phục vụ cho nông nghiệp, Việt Nam đã nêu yêu cầu Bangkok làm rõ trong cuộc họp gần đây.
Ngành nông nghiệp Thái Lan cũng đang chịu cảnh hạn hán tương tự Việt Nam.

"Việt Nam đã bày tỏ quan ngại và đề nghị phía Thái Lan sớm cung cấp thông tin cụ thể về thực hiện kế hoạch tại cuộc họp lần thứ 42 của Ủy ban liên hợp Ủy hội sông Mekong quốc tế tại Cần Thơ từ 15-17/3", ông Lê Hải Bình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết trong cuộc họp báo chiều nay.

Ông Bình đề cập tới việc việc truyền thông Singapore và Campuchia đưa tin Thái Lan đang hút một lượng nước lớn từ sông Mekong để dự trữ, đồng thời sắp xây một số cửa chắn nước từ các nhánh sông Mekong và xây ba hồ chứa nước dự trữ phục vụ nông nghiệp nước này.

Việt Nam cũng bày tỏ quan ngại và đề nghị Thái Lan cung cấp thông tin cụ thể về dự án chuyển nước từ Huay Luang, một dòng nhánh của sông Mekong để sử dụng cho nông nghiệp. Phía Thái Lan cho biết dự án mới đang trong quá trình nghiên cứu và cam kết sẽ sớm cung cấp thông tin.

Người phát ngôn nhắc lại lập trường của Việt Nam về việc sử dụng nguồn nước sông Mekong đã nhiều lần được nêu rõ. Theo đó các quốc gia liên quan phải có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ trong việc sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong, đảm bảo các công trình thủy điện trên dòng chính sông không gây ảnh hưởng đến môi trường của các nước ven sông, nhất là các nước hạ nguồn, theo đúng thông lệ quốc tế và các quy định của Ủy hội sông Mekong để đảm bảo hài hòa lợi ích của các quốc gia ven sông cũng như của người dân sinh sống trong khu vực.

Theo Straits Times, Thái Lan thực hiện việc bơm nước từ sông Mekong lên Đông Bắc nước này từ giữa tháng 2 năm nay. Cơ quan phụ trách tưới tiêu của Thái Lan ước tính lượng nước bơm lên trong vòng ba tháng, kể từ ngày bắt đầu bơm, là 47 triệu mét khối.

Do tác động của El Nino, lượng mưa trong khu vực giảm mạnh khoảng 20-30% so với trung bình nhiều năm, trong khi đó lượng nước sông Mekong về Việt Nam giảm 50%, dẫn đến tình trạng mặn lấn sâu vào đất liền đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều nơi nước mặn vào sâu đất liền tới 70-90km, sâu hơn trung bình nhiều năm từ 15 đến 20km. Kinh tế và đời sống dân sinh của 10/13 tỉnh thành phố như Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh Sóc Trăng... chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của xâm nhập mặn.

Theo yêu cầu của Việt Nam, Trung Quốc từ ngày 15/3 đã tăng lưu lượng nước xả từ đập thủy điện Cảnh Hồng ở Vân Nam xuống khu vực hạ lưu từ mức 1.100 m3/ giây lên 2.190 m3/giây, gấp đôi so với trung bình cùng kỳ nhiều năm trước. Việc xả nước dự kiến kéo dài tới 10/4.

Theo VNE

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích