Bộ trưởng Tiến: "Sẽ dồn sức phòng chống Zika"

Thứ ba, 05/04/2016, 17:35
Chiều 5/4, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến làm việc với lãnh đạo TP.HCM về việc phòng tránh lây lan của virus Zika, sau khi một người dân của thành phố dương tính với virus này.

Đánh giá cao tình hình giám sát của bệnh viện quận, huyện, Bộ trưởng Tiến đề nghị TP.HCM cần tăng cường giám sát các bệnh viện nhi, sản; cần xét nghiệm chéo các trung tâm xét nghiệm; phun thuốc ở sở thú, đường phố, ra quân diệt lăng quăng, đặc biệt là ở các huyện ngoại thành.

'Sốt xuất huyết nguy hiểm hơn Zika'

Đường dây nóng tiếp nhận thông tin về virus Zika của Bộ Y tế: 0989.671.115

"Hiện, 61 nước trên thế giới có dịch Zika. Bộ Y tế sẽ dồn sức phòng chống, mong bà con không nên quá lo lắng”, bà Tiến nói và yêu cầu báo chí nên đưa tin chính xác, tránh hoang mang.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến làm việc với lãnh đạo TP.HCM.

Mặc dù virus Zika và sốt xuất huyết đều lây truyền qua muỗi vằn nhưng Bộ trưởng Tiến khẳng định sốt xuất huyết còn nguy hiểm hơn nhiều. Bệnh nhân nhiễm virus zika thông thường ở thể nhẹ, có thể tự khỏi sau 7-10 ngày.

Trước đó, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, báo cáo 2 bệnh nhân nhiễm virus Zika ở Nha Trang và TP.HCM đang được điều trị tại nhà, sức khỏe ổn định. Cán bộ y tế đang mở rộng giám sát những người tiếp xúc với bệnh nhân.

Trước khi ghi nhân ca nhiễm tại Việt Nam, Bộ Y tế đã thành lập ban chỉ đạo chiến dịch nên hoàn toàn chủ động ứng phó khi có thông tin hai bệnh nhân mắc virus Zika.

Tuy nhiên, căn bệnh này khó phát hiện trên máy đo thân nhiệt nên việc phòng tránh dịch cần được đặt lên hàng đầu. Vì vậy, người dân nên hạn chế đi vào vùng dịch, tăng cường diệt muỗi và lăng quang không để muỗi đốt để hạn chế sự lây lan của virus Zika.

Phụ nữ mang thai khi nào cần xét nghiệm nhiễm virus Zika?

Đề cập tới thai phụ 33 tuổi ở TP.HCM nhiễm virus Zika, bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, khuyến cáo thai phụ không nên lo lắng quá nhiều, trong thời gian 3 tháng đầu có biểu hiện sốt, phát ban, đau mình thì đến cơ sở y tế khám để được bác sĩ tư vấn sức khỏe.

BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, cũng cho rằng nếu thai phụ có biểu hiện triệu chứng của bệnh Zika và từng du lịch hay công tác đến vùng dịch, nên đăng ký xét nghiệm. Nếu sức khỏe ổn định, các bà mẹ không cần xét nghiệm, hạn chế tình trạng quá tải tại các bệnh viện, ảnh hưởng đến kinh tế xã hội thành phố.

Đề cập đến ảnh hưởng của virus Zika gây hội chứng đầu nhỏ cho thai nhi, BS Tuyết cho rằng hội chứng này có nhiều nguyên nhân, không hẳn do virus Zika. Thậm chí, thai phụ nhiễm bệnh chưa chắc con sinh ra đã mắc bệnh này.

Ngay sau buổi họp giữa UBND TP.HCM và Bộ Y tế chiều 5/4, ông Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, đến nay thành phố chưa công bố dịch. Sở Y tế đang theo dõi kỹ bệnh nhân trong vòng 10 ngày tiếp theo sau khi phát hiện dương tính với Zika. Theo ông, Zika là dịch bệnh loại B, nên việc công bố dịch tùy thuộc vào các địa phương.

Sáng 5/4, Bộ Y tế công bố hai ca bệnh đầu tiên nhiễm virus Zika tại Việt Nam là phụ nữ 64 tuổi ở TP.Nha Trang (Khánh Hòa) và thai phụ 33 tuổi ở phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, TP.HCM.

Nữ bệnh nhân tại Khánh Hòa chưa từng đến vùng có dịch và không tiếp xúc với khách nước ngoài. Còn bệnh nhân thứ hai mang thai 8 tuần có chồng làm việc ở Maylaysia về Việt Nam được 14 ngày nhưng anh này không có biểu hiện nhiễm bệnh.

Theo Zing

Các tin cũ hơn