Bên ngoài văn phòng của công ty luật Mossack Fonseca ở Panama, nơi rò rỉ Panama Papers - Ảnh: Reuters. |
Hãng tin Bloomberg cho biết, trong một bài xã luận đăng ngày 5/4, tờ Thời báo Hoàn Cầu đã đưa ra phản ứng đầu tiên của truyền thông Trung Quốc về cuộc điều tra của hơn 100 tổ chức báo chí thuộc Hiệp hội Nhà báo điều tra Quốc tế (ICIJ) nhằm vào hoạt động bị cho là cất giấu tài sản ở nước ngoài có liên quan đến 140 chính trị gia, quan chức và thành viên gia đình của họ.
Trong số những nhân vật bị tình nghi, có cả anh rể của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, là ông Đặng Gia Quý.
Tuy nhiên, bài viết của Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) chỉ tập trung vào những nghi vấn mà ICIJ nói bạn bè của Tổng thống Nga Vladimir Putin giấu tài sản ở nước ngoài, và không hề đề cập đến các trường hợp từ Trung Quốc bị nêu tên.
Bài báo nói vụ rò rỉ tài liệu gây chấn động này là một bằng chứng về sự xung đột ý thức hệ Đông-Tây, một bình luận rất giống với cách phản ứng mà điện Kremlin đưa ra trước đó về Panama Papers.
“Truyền thông phương Tây đã giành quyền kiểm soát việc diễn giải thông tin mỗi khi có một vụ rò rỉ tài liệu như vậy. Và Washington đã thể hiện ảnh hưởng đặc biệt ở trong đó”, Thời báo Hoàn Cầu viết. “Thông tin bất lợi đối với Mỹ luôn có thể được giảm thiểu, trong khi mức độ ảnh hưởng đến các nhà lãnh đạo không thuộc phương Tây, chẳng hạn như Putin, có thể bị tăng thêm”.
Vụ Panama Papers xuất hiện vào một thời điểm khá bất lợi đối với ông Tập Cận Bình. Gần đây, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã yêu cầu các đảng viên Đảng Cộng sản nước này cung cấp thêm thông tin về tài sản gia đình để đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng đã kéo dài hơn 3 năm do ông khởi xướng.
Sau khi ICIJ công bố vụ Panama Papers (tạm dịch: “Hồ sơ Panama”), việc đề cập đến những tài liệu bị rò rỉ này gần như không xuất hiện trên mạng Internet và các kênh truyền thông vốn bị kiểm duyệt thông tin gắt gao ở Trung Quốc.
Các đường dẫn (link) về Panama Papers được chia sẻ trên dịch vụ nhắn tin WeChat của Tencent khi được click vào sẽ xuất hiện dòng chữ “page could not be found (“không tìm thấy trang”). Từ khóa tìm kiếm “Panama Papers” trên công cụ tìm kiếm Baidu dẫn tới một dòng cảnh báo: “Kết quả tìm kiếm có thể không phù hợp với luật pháp hoặc quy định”.
Trong khi đó, bài viết của tờ Thời báo Hoàn Cầu về vụ việc này chỉ hiện diện trên bản tiếng Anh.
Trước đó, theo ICIJ, ông Đặng Gia Quý, anh rể ông Tập Cận Bình, là cổ đông của hai công ty ở “thiên đường thuế” British Virgin Islands. Vào năm 2012, Bloomberg từng đưa tin nói ông Đặng cùng vợ là Tề Kiều Kiều (chị gái ông Tập) sở hữu khối tài sản hàng trăm triệu USD dưới dạng bất động sản, cổ phiếu và các tài sản khác.
Có một số dấu hiệu cho thấy ông Đặng và bà Tề đã rút vốn khỏi một số khoản đầu tư trước khi ông Tập lên nắm quyền vào tháng 11/2012. Vào năm 2012, ông Đặng nói với Bloomberg rằng ông đã về hưu. ICIJ thì nói hai công ty ở British Virgin Islands liên quan đến ông Đặng đã ngưng hoạt động từ trước tháng 5/2011.
Hãng tin BBC, một tổ chức truyền thông tham gia cuộc điều tra của ICIJ, ngày 4/4 nói rằng Panama Papers cũng đề cập đến người thân của hai nhân vật khác thuộc Thường trực Bộ Chính trị Trung Quốc, là Lưu Vân Sơn và Trương Cao Lệ.
Theo BBC, người thân của hai quan chức này “có tên trong danh sách thành viên hội đồng quản trị hoặc cổ đông của những công ty ở các thiên đường thuế”, nhưng không nói cụ thể hơn.
Trong khi đó, bài xã luận của Thời báo Hoàn Cầu nói, những vụ rò rỉ tài liệu như Panama Papers là một cách để “các nước phương Tây có chung ý thức hệ tấn công vào giới tinh hoa chính trị và các tổ chức chủ chốt ở các nước không thuộc phương Tây”.
Trước đó, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov cũng khẳng định, vụ Panama Papers nhằm mục đích gây mất ổn định ở nước Nga. ICIJ thì nói một số người có liên quan đến Tổng thống Putin có giao dịch ít nhất 2 tỷ USD tại các thiên đường thuế.
“Có thể đoán rằng sự rò rỉ thông tin như vậy sẽ không tồn tại nổi nếu nó làm phương Tây bối rối. Nhưng phương Tây sẽ vui khi chứng kiến những vụ rò rỉ thông tin nếu đối thủ của họ bị tấn công”, Thời báo Hoàn Cầu viết.
Theo VnEconomy