Đặc khu kinh tế thương mại như Thượng Hải |
Những trung tâm kinh tế thương mại như Thượng Hải , Thẩm Quyến, Hồng Kông vốn là các ví dụ điển hình cho chính sách kinh tế mới của Trung Quốc và đã được nhiều nước trên thế giới học tập.
Tuy nhiên, có một sự khác biệt giữa những Đặc khu kinh tế (SEZ) như Thẩm Quyến với Khu thương mại tự do (FTZ) như Thượng Hải.
Khu thương mại tự do như Thượng Hải là bước tiến cao hơn của Đặc khu kinh tế
Các đặc khu kinh tế - SEZ - của Trung Quốc được lập nên giúp cho các công ty trong và ngoài nước hay nhà đầu tư quốc tế có thể giao dịch, kinh doanh mà không chịu sự kiểm soát hoặc những quy định được đưa ra bởi chính quyền Bắc Kinh. Điều này khác so với các địa phương khác khi họ phải tuân theo các chính sách từ trung ương
"TP.HCM phải trở thành một đặc khu kinh tế như Thượng Hải với những cơ chế đặc biệt để phát huy được tiềm năng thế mạnh của mình. Ngoài ra, thành phố phải xây dựng cơ chế quản trị, phải học tập mô hình từ các thành phố hiện đại trên thế giới", Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng nói.
Trong khi đó, khu thương mại tự do - FTZ - như Thượng Hải là bước tiến tiếp theo của SEZ với những quy định được nới lỏng hơn nữa cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Ví dụ, các công ty nước ngoài ở FTZ không cần một chủ thể đối tác người Trung Quốc để có thể hoạt động kinh doanh như các địa phương khác.
Trước đây, Thượng Hải và Thẩm Quyến đã từng cạnh tranh nhau nhằm trở thành FTZ đầu tiên của Trung Quốc . Cuối cùng, Thượng Hải cũng chiến thắng khi thành phố này chính thức được phép thí điểm FTZ tại quận Phố Đông vào tháng 9/2013.
Theo đó, nhiều quy định kinh tế tại đây sẽ được nới lỏng như các quy định về trao đổi tiền tệ. Chính phủ Trung Quốc hy vọng rằng động thái này sẽ thu hút được thêm các nhà đầu tư nước ngoài thay vì sự tập trung thái quá vào Hồng Kông, nơi chính quyền Bắc Kinh không hoàn toàn kiểm soát được.
Hiện nay, Trung Quốc có 6 SEZ là Thẩm Quyến, Châu Hải, Sán Đầu, Hạ Môn, Kashgar và đảo Hải Nam. Trong khi đó, FTZ có 4 khu vực là Thượng Hải, Thiên Tân, Quảng Đông, Phúc Kiến.
Đặc khu kinh tế đóng góp 22% GDP cho Trung Quốc
Trên thế giới hiện nay có khoảng 4.300 SEZ và con số này vẫn còn tăng. Trung bình mỗi 4 quốc gia thì có 3 nước có SEZ.
Tổng số SEZ trên toàn cầu (nghìn) |
Tại Trung Quốc, các SEZ thường bao gồm nhiều loại, một số được hưởng những chính sách ưu đãi nhằm thúc đẩy kinh tế, số khác lại là FTZ hay là một tổ hợp nhiều khu công nghiệp.
Khởi điểm của các SEZ tại Trung Quốc bắt đầu từ thập niên 80 khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa thị trường và củng cố vị thế kinh tế của mình trên thị trường quốc tế.
Nhờ những SEZ này mà kinh tế Trung Quốc thu hút thêm được các nguồn vốn nước ngoài, công nghệ hiện đại và thúc đẩy được các ngành công nghiệp.
Hơn nữa, những kết quả tích cực từ SEZ đã thúc đẩy nhiều cơ quan, ban ngành của Trung Quốc cải cách và đổi mới thủ tục hành chính nhằm đáp ứng được với xu thế mở cửa thị trường.
Trong những năm gần đây, các SEZ đã đóng góp khoảng 22% GDP của Trung Quốc, 45% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và 60% kim ngạch xuất khẩu.
Không dừng lại đó, những SEZ Trung Quốc cũng đã tạo thêm khoảng 30 triệu việc làm và tăng thêm 30% thu nhập cho những người nông dân.
Đối với những FTZ, các số liệu thống kê hiện nay không cho ra những con số chính xác nên chưa thể xác định các FTZ đóng góp như thế nào cho nền kinh tế .
Khái niệm FTZ được xây dựng từ ít nhất cách đây 2.000 năm. Riêng tại Mỹ, khu vực FTZ chính thức đầu tiên được thành lập vào năm 1934.
Mặc dù vậy, khu FTZ theo tiêu chuẩn hiện đại ngày nay chỉ được thành lập vào thập niên 50 tại Ireland khi chính phủ nơi đây cấp quyền tự do kinh doanh sản xuất cho khu công nghiệp thuộc cảng Shannon-Ireland.
Tại Trung Quốc, trong 4 khu vực FTZ thì Thượng Hải là lớn nhất cả về diện tích (29km2) lẫn tổng GDP. Năm 2011, tổng GDP của khu vực này đạt 297 tỷ USD và là một trong những thành phố tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong 20 năm qua.
Theo Tri Thức Trẻ