Tân Chánh án TAND Tối cao: “Một vụ án oan cũng là nỗi đau”

Thứ ba, 12/04/2016, 07:59
Trao đổi với PV, tân Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định sẽ sớm chỉ đạo giải quyết hàng chục nghìn đơn tồn đọng bởi “đây là cái nợ nần mà chúng ta để quá lâu rồi” và “một vụ án oan cũng là nỗi đau”.

Thưa ông Nguyễn Hòa Bình, những nhiệm vụ và công việc đầu tiên mà ông sẽ làm trên cương vị mới - Chánh án TAND Tối cao - là gì?

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình: Công việc ở Tòa án rất nhiều nhưng đều đã có kế hoạch cả rồi. Nhưng những việc trọng tâm nhất cần phải thực hiện trong năm nay là phải tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện các bộ luật về tư pháp đã được Quốc hội thông qua từ cuối năm ngoái và sẽ có hiệu lực trong thời gian tới, đặc biệt Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Dân sự, Tố tụng hành chính, Tố tụng dân sự. Đây đều là những bộ luật liên quan rất lớn đến quyền con người, quyền công dân, có nhiều nội dung tiến bộ mà nếu chúng ta thực hiện nghiêm túc thì chất lượng tư pháp nước nhà sẽ nâng cao.

Nhiệm vụ thứ hai mà chúng tôi sẽ thực hiện liên quan đến việc tiếp tục triển khai các quy định của Luật Tổ chức TAND, hình thành các cấp tòa án theo quy định, đào tạo các chức danh tư pháp. Trong đó, luật quy định từ nay trở đi việc bổ nhiệm thẩm phán các cấp phải tuân thủ quy trình chặt chẽ, có cả xét tuyển và thi tuyển, đặc biệt thi tuyển quy mô quốc gia đòi hỏi yêu cầu khắt khe để nâng cao chất lượng cán bộ tư pháp.

Chất lượng của cán bộ đặc biệt quan trọng, việc tuyển chọn cán bộ, đổi mới đào tạo cán bộ tư pháp là nhiệm vụ rất quan trọng để nâng cao chất lượng của ngành tòa án. Thời gian qua tôi cho là chúng ta đã làm được rất nhiều việc trong tiến trình cải cách tư pháp, trong đó có việc xây dựng hạ tầng pháp lý, triển khai bộ máy của tòa án đảm bảo tính công khai, minh bạch.

Việc thứ ba rất quan trọng, đó là phối hợp với các cơ quan hữu quan, trong đó có viện kiểm sát tập trung giải quyết những vấn đề nổi cộm, bức xúc được đặt ra trong các nghị quyết tư pháp của Quốc hội, trong đó có việc phải chống oan sai, đẩy nhanh tiến độ giải quyết đơn thư về tư pháp tồn đọng - mà theo thống kê hiện nay số lượng rất nhiều, trở thành áp lực đối với các các cơ quan tiến hành tố tụng.

Khi tôi làm Viện trưởng VKSND Tối cao số lượng đơn phải đến chục nghìn, bây giờ về TAND Tối cao tôi chưa kiểm tra nhưng chắc chắn đây là việc tôi sẽ quan tâm.

Chúng tôi sẽ có bàn bạc, phân định trách nhiệm rõ ràng xem việc nào thuộc cơ quan nào và có giải pháp tập trung để hi vọng trong hai năm 2016-2017 có thể giải quyết số lượng hàng chục nghìn đơn tồn đọng này. Đây là cái nợ nần mà chúng ta để quá lâu rồi.

Nhưng cũng cần phải nói trước là hàng chục nghìn đơn ấy không phải lúc nào cũng có kết quả xem xét lại bản án, bởi bản án đã được xét xử, giải quyết đúng pháp luật, công tâm rồi, nhưng mà người dân vẫn “kiện cầu may” do hiểu biết pháp luật hoặc do liên quan đến quyền lợi. Mà tuyệt đại đa số đơn lại nằm trong khu vực này.

Theo thông lệ các quốc gia trên thế giới thì giải quyết ở cấp giám đốc thẩm và tái thẩm mỗi năm chỉ giải quyết dưới 100 vụ thôi, nhưng chúng ta tồn mười mấy nghìn. Không phải mười mấy nghìn đều có thể xem xét lại nhưng mà dẫu là không giải quyết được thì cũng phải trả lời cho người dân là “đơn của bác đã được giải quyết rất đúng quy định pháp luật”; Tòa Tối cao và Viện Tối cao không thể giải quyết yêu cầu, vượt ra khỏi tài liệu đã thu thập chứng minh trong quá trình xét xử. Và chúng tôi cũng xem đây như việc giáo dục pháp luật cho người dân, để người dân hiểu thêm quy định của luật pháp.

Ngoài ra còn rất nhiều nội dung khác chúng tôi cần phải làm trong thời gian tới như vấn đề đảm bảo tranh tụng tại tòa, hay tập trung xây dựng án lệ...

Tân Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình (phải) và người tiền nhiệm Trương Hòa Bình - hiện nay là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ

Báo cáo của TAND Tối cao trước Quốc hội vừa qua cho thấy, trong nhiệm kỳ 2011-2015 chỉ có 3 trường hợp oan sai. Mặc dù số lượng oan sai rất ít như vậy nhưng đã gây ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh của các cơ quan tư pháp nói chung và ngành tòa án nói riêng. Trước Quốc hội, ông từng chia sẻ đồng cảm nỗi đau với người bị oan sai. Vậy ông sẽ làm gì để có thể khắc phục, phòng chống oan sai hiệu quả nhất trong thời gian sắp tới?

Có thể nói chống oan sai là quyết tâm chính trị không chỉ riêng TAND Tối cao hay VKSND Tối cao. Đây là đòi hỏi của Đảng, của Nhân dân. Bất kể ai vào vị trí của tôi cũng canh cánh nỗi lo này.

Tỷ lệ án oan trong những năm gần đây giảm rất đáng kể, chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng số các vụ án mà ngành tòa án đã xét xử. Số lượng như tổng kết, báo cáo của TAND Tối cao vừa qua cho thấy chỉ có 3 vụ trong tổng số gần 100.000 vụ xét xử là chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

Nhưng dẫu là một vụ oan sai cũng là nỗi đau. Chúng tôi cũng thấy rằng phải làm sao để không có vụ nào cả là tốt nhất, lý tưởng nhất. Đó là sự phấn đấu, quyết tâm hết sức cao nhưng không chỉ là ý chí, mong muốn, hô hào mà phải có những giải pháp cụ thể.

Các bộ luật liên quan đến tố tụng hình sự sẽ có hiệu lực trong thời gian tới đã đưa ra rất nhiều giải pháp để hướng tới mục tiêu chống oan sai, như đảm bảo thuận lợi cho luật sư tiếp cận vụ án, nguyên tắc tranh tụng tại tòa, áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội, tính công khai minh bạch và kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan tố tụng...

Còn trong nội bộ của chúng tôi, trước đây ở VKSND Tối cao tôi cũng đã làm và thấy hiệu quả, chất lượng được nâng lên. Những kinh nghiệm đó tôi cũng sẽ áp dụng tại TAND Tối cao: đề cao trách nhiệm, tăng cường kỷ luật nội bộ, tạo điều kiện nâng cao việc kiểm tra giám sát trong hệ thống cũng như ngoài hệ thống, giữa cơ quan này với các cơ quan khác, giữa cấp trên với cấp dưới, giữa trung ương với địa phương. Ngoài ra có cả cơ chế để tiếp thu cả ý kiến của quần chúng Nhân dân.

Tức là ông sẽ tiếp tục xử lý nghiêm những cán bộ vi phạm, gây ảnh hưởng tới quyền và lợi ích của công dân, cán bộ “tay đã nhúng chàm” như cách ông đã từng thực hiện quyết liệt trong thời gian giữ Viện trưởng VKSND Tối cao?

Cái đó là chắc chắn. Chúng ta không muốn làm việc này nhưng chúng ta phải sòng phẳng. Cán bộ đã vi phạm thì phải có cách xử lý.

Câu chuyện đặt ra từ xử lý về công tác tổ chức cán bộ vi phạm, ví dụ như tôi không tái bổ nhiệm, không bổ nhiệm anh; nếu anh làm việc không hiệu quả thì tôi không giao anh làm việc này nữa mà phải điều anh đi làm việc khác thích hợp. Cán bộ vi phạm thì phải xử lý kỷ luật theo các hình thức phù hợp.

Còn nghiêm trọng hơn nữa như nhà báo nói là “tay đã nhúng chàm”, làm oan cho dân, tham nhũng trong quá trình tố tụng, gây ra hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của công dân thì phải xử lý. Lúc này không còn ở việc muốn hay không muốn nữa, mà Nghị quyết của Quốc hội đã xác định rõ chuyện này rồi; nghĩa vụ của Chánh án là chấp hành.

Tôi không thể vì thành tích hay gì đó mà bao che. Chúng ta phải làm nghiêm để người dân thấy. Làm nghiêm để đưa ra những bài học cho cán bộ khác.

Tân Chánh án TAND Tối cao khẳng định sẽ chỉ đạo TAND tỉnh Bình Thuận thỏa thuận bồi thường oan sai cho ông Huỳnh Văn Nén

Trong thời gian ông làm Viện trưởng VKSND Tối cao, VKSND Tối cao đã kháng nghị vụ án của Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận), tạo tiền đề để giải oan cho ông Nén sau này. Theo thông tin mới nhất mà báo chí phản ánh, ông Huỳnh Văn Nén đã nộp đơn yêu cầu TAND tỉnh Bình Thuận bồi thường oan sai 18 tỷ đồng. Với cương vị mới, Chánh án TAND Tối cao sẽ sớm chỉ đạo TAND tỉnh Bình Thuận bồi thường xứng đáng cho quãng thời gian ngồi tù oan 17 năm trời của ông Nén chứ?

Các vụ việc oan sai trong thời gian qua gắn liền với kháng nghị của VKSND Tối cao, kể cả vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang hay ông Huỳnh Văn Nén ở tỉnh Bình Thuận. Đây là những câu chuyện đáng tiếc, do lịch sử để lại.

Thông tin ông Nén gửi đơn cho Tòa án tỉnh Bình Thuận thì tôi chưa nhận được. Tôi sẽ kiểm tra thông tin này, nhưng mà quy định pháp luật hiện nay là gây oan sai thì phải xin lỗi và bồi thường. Bồi thường bao nhiêu đã có quy định của luật, có quy trình cả rồi.

Về mặt trách nhiệm, tôi sẽ đôn đốc tòa án tỉnh Bình Thuận giải quyết vụ này, không thể chối từ được.

Xin cảm ơn Chánh án!

Tổng kết kinh nghiệm thực tiễn để có án lệ tốt nhất

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định cơ quan này sẽ đẩy nhanh xây dựng án lệ và áp dụng án lệ. “Thực tiễn cuộc sống bao giờ cũng phong phú hơn các điều luật. Các điều luật 5-10 năm mới có thể thay đổi, còn những yếu tố, tình tiết của cuộc sống muôn hình muôn vẻ nên các quy định pháp luật không theo kịp. Đối với thế giới thì không mới, họ sử dụng lâu rồi nhưng ở Việt Nam đây là lần đầu tiên áp dụng quy định này.

Áp dụng án lệ là bước tiến rất lớn trong quy định của nhà nước chúng ta. Với trách nhiệm là Chánh án TAND Tối cao, tôi thấy rằng đây là việc làm tốt, có lợi cho dân. Chúng tôi sẽ ban hành quy chuẩn để xem thế nào là án lệ, xác định bộ tiêu chuẩn lựa chọn những vụ án nào được cho là án lệ, tổng kết thực tiễn xét xử cái nào tốt, chưa tốt, để có lựa chọn phù hợp, tốt nhất” - tân Chánh án TAND Tối cao nói.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn