Đội tàu đánh cá của Trung Quốc. (Ảnh: AFP) |
Trong một động thái mới nhất liên quan đến vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói rằng, các cuộc đối đầu giữa ngư dân Trung Quốc và ngư dân các nước, vùng lãnh thổ ở khu vực Biển Đông gồm Philippines, Malaysia, Việt Nam, Đài Loan có thể tránh được thông qua các vòng “tham vấn hữu nghị”.
Phát biểu cuối tuần qua tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh, ông Lục Khảng nói: “Hợp tác đánh bắt cá là một phần quan trọng trong hợp tác đôi bên cùng có lợi giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, bao gồm các nước có bờ biển gắn với Biển Đông”. Ông này nói thêm rằng, chính phủ Trung Quốc đặc biệt quan tâm đến việc quản lý hoạt động đánh bắt cá và hướng dẫn ngư dân của họ tuân thủ đúng quy tắc và luật lệ.
Tuy nhiên, Philippines đã từ chối đề xuất này và tuyên bố sẽ chờ phán quyết của tòa án trọng tài quốc tế ở La Hay (Hà Lan).
Quan hệ Trung Quốc - Philippines căng thẳng do vấn đề tranh chấp chủ quyền ở bãi cạn Scarborough. Scarborough nằm cách Philippines 230km về phía Tây và cách bờ biển Trung Quốc khoảng 1.000km. Giới chức Mỹ hồi tháng trước cảnh báo, các tàu Trung Quốc đang gia tăng hoạt động ở khu vực này và có thể là chuẩn bị cho ý đồ tuyên bố lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở đây.
Philippines đã kiện Trung Quốc lên Tòa án trọng tài quốc tế ở La Hay về yêu sách chủ quyền bao trọn Biển Đông, hay còn gọi là yêu sách “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc đưa ra.
Phán quyết của tòa dự kiến sẽ được đưa ra vào tháng 5 hoặc tháng 6 và có thể sẽ bất lợi cho Bắc Kinh. Trung Quốc không tham gia vụ kiện nhưng Tòa án trọng tài ở La Hay cho rằng, họ có thẩm quyền và phán quyết của họ sẽ có hiệu lực bất kể phán quyết đó như thế nào với lý do Trung Quốc đã ký vào Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển.
Theo Dân Trí