Ngày 12-4, ông Trương Thanh Sơn – giám đốc Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen (Tân Hưng, Long An) - cho biết nhân viên trong khu bảo tồn đang phải tích cực đào rãnh, bơm dẫn nước từ các kênh chung quanh vào vùng lõi Láng Sen để “giải hạn”.
Mức cảnh báo cháy rừng tại khu vực Láng Sen đã được nâng lên ở mức độ 5, nguy cơ cháy rừng ở mức cao nhất |
Theo ông Sơn, nhiều khu vực rạch trong Láng Sen, đặc biệt là khu vực cách ly đặc biệt 200ha, được mệnh danh là “tổ chim Đồng Tháp Mười”, nơi duy nhất ở Việt Nam có loại chim, cò quý hiếm đặc trưng vùng ngập làm tổ và sinh sản bị cạn trơ đáy vào những ngày gần đây.
“Đây được xem là vùng rốn, trũng nhất của Đồng Tháp Mười, đặc biệt khu cách ly 200ha vốn được bảo vệ nghiêm ngặt, không để có dấu chân người và hoàn toàn để mực nước theo tự nhiên từ trước đến nay. Mấy mươi năm ở đây, đây là lần đầu tôi chứng kiến khu vực cách ly này bị cạn trơ đáy, nên phải can thiệp nước vào để tránh ảnh hưởng đến sinh thái”, ông Sơn nói thêm.
Ông Sơn cho biết thêm khi mực nước sắp cạn, nhân viên trong khu bảo tồn phải bắt nhiều con cá tra nặng hàng chục kg để bảo đảm an toàn cho loài “thủy quái” quý hiếm của vùng đồng bằng Sông Cửu Long này. Đồng thời, khu bảo tồn Láng Sen cũng đào rãnh và dùng 2 máy bơm công xuất lớn dẫn nước từ dòng Kênh 79 chạy 24/24 vào khu vực cách ly 200ha.
Hiện mực nước đã được bơm lại ở mức 50cm ở những điểm sâu, và tiếp tục duy trì việc bơm nước để giữ mức nước cần thiết cho các khu vực khô cằn trong vùng lõi Láng Sen. Bên cạnh đó, cảnh báo cháy rừng tại khu vực này cũng đã nâng lên cấp độ 5, cảnh báo nguy cơ cháy rừng ở mức cao nhất.
Đàn trâu kiếm ăn ở khu Láng Sen khi chưa bị hạn |
Tháng 1-2004, UBND tỉnh Long An chính thức ra quyết định thành lập khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen. Đến ngày 27-11-2015, Láng Sen chính thức đón nhận danh hiệu khu Ramsar (công ước quốc tế về bảo tồn và sử dụng một cách hợp lý các vùng đất ngập nước) thứ 2.227 của thế giới và là khu Ramsar thứ 7 của Việt Nam.
Theo tiến sỹ Lê Phát Quới, Viện Tài nguyên và Môi trường (ĐH Quốc gia TP.HCM), Láng Sen là một bồn trũng có cao độ chỉ từ 0,42-1,8m so với mực nước biển, chịu ảnh hưởng trực tiếp chế độ thủy văn của sông Cửu Long, được tiếp nước chủ yếu do các kênh tạo nguồn lớn từ sông Cửu Long như kênh Hồng Ngự - Long An, kênh 79, kênh 28 và sông Lò Gạch, đầu nguồn sông Vàm Cỏ Tây...
Khu vực cách ly 200ha là nơi hoàn toàn không có người vào, được bảo tồn tự nhiên mực nước cho hàng ngàn chim, cò làm tổ lần đầu tiên bị cạn trơ đáy |
Đàn cò trắng ở khu Láng Sen khi chưa bị hạn |
Đất nứt nẻ, cây chết trơ trụi ở Láng Sen |
Đàn chim kiếm ăn ở khu Láng Sen khi chưa bị hạn |
Những đồng sen bạt ngàn cũng cạn khô |
Cánh đồng Sen ở khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen lúc chưa bị hạn |
Rãnh nước dự phòng được đào vào năm ngoái, nhằm để cứu cá, giúp cá thoát vào khẩn cấp trong trường hợp khô hạn, nay cũng sắp cạn kiệt |
Máy bơm nước được đặt vào rãnh đào khẩn cấp, đưa nước từ kênh 79 vào 24/24 để giúp vùng lõi Láng Sen không bị khô kiệt tạm thời |
Theo TTO