Những người đàn bà đi qua cuộc đời ông hoàng nổi tiếng ăn chơi và đa tình Bảo Đại đều là những cực phẩm mỹ nhân. Ngoài chính cung Nam Phương hoàng hậu nức tiếng xinh đẹp mà Bảo Đại từng thề thốt chung thủy một vợ một chồng, chỉ một thời gian ngắn sau kết hôn, vị vua đã nhanh chóng quên lời thề ước. Vậy là cả một cơ số các vị thứ phi lần lượt xuất hiện.
Ở kỳ trước, chúng ta đã đề cập đến thứ phi Mộng Điệp, người có nhan sắc đặc trưng của vùng Kinh Bắc khiến Bảo Đại yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên thì ở kỳ này, một thứ phi khác cũng có vẻ ngoài vượt trội chính là Lê Thị Phi Ánh sẽ khiến bạn đọc trầm trồ.
Mối tình chính thức nhưng phải sống cảnh vợ chồng không hôn thú
Lê Thị Phi Ánh được coi là người tình thứ ba của vua Bảo Đại sau Nam Phương Hoàng hậu và Thứ phi Mộng Điệp. Bà sinh ra là con nhà lành và thuộc dòng họ danh giá. Anh rể của bà Phan Văn Giáo sau làm Thủ hiến Trung Phần.
Sinh thời, bà Phi Ánh cũng là một tuyệt sắc giai nhân khiến bao chàng trai điêu đứng. Vào khoảng thời gian vua Bảo Đại ở Đà Lạt, hai người đã gặp nhau và nhanh chóng thành đôi. Nhưng lúc này Bảo Đại không còn là vua nên không thể gọi thứ phi một cách chính thức nên nhắc đến Phi Ánh với tư cách là vợ sau của vua, cần phải để chữ “thứ phi” trong ngoặc kép để tránh bị hiểu lầm. Điều này cũng xảy ra tương tự đối với bà Mộng Điệp.
Tuy nhiên, suốt thời gian ở Đà Lạt, Phi Ánh rất được Bảo Đại ưu ái. Nhưng khác với Bùi Mộng Điệp, Phi Ánh không dự những buổi tiếp tân, không được gần gũi với bà Thái hậu, không lên Buôn Ma Thuột để cùng đi săn thú với Bảo Đại như Mộng Điệp.
Khuôn mặt sắc sảo của người đàn bà không chính thức trong cuộc đời Bảo Đại.
Dù rất được Bảo Đại sủng ái nhưng Phi Ánh không bao giờ tham gia các trò vui thú như đi săn bắn thú rừng như Mộng Điệp cả. |
Bảo Đại quan hệ với cả ba bà, Nam Phương, Mộng Điệp và Phi Ánh và hàng tá cô gái khác khi ở Đà Lạt. Trong đó, mỗi bà có một dinh thự riêng do chính cựu hoàng mua tặng. Theo lời kể của các nhà nghiên cứu, biệt thự của bà Phi Ánh là đặc biệt nhất trong số 3 người bởi nó được xây theo lối kiến trúc Tây Ban Nha duy nhất từ trước đến nay tại Đà Lạt. Biệt thự Phi Ánh gồm hai khối nhà nối liền nhau bằng một hành lang bán nguyệt với phần tường bên ngoài được xây hoàn toàn bằng đá tự nhiên.
Ngày nay, biệt thự của “thứ phi” Mộng Điệp đã bị dỡ bỏ hoàn toàn nhưng riêng biệt thự Phi Ánh vẫn còn nguyên và đã được trùng tu, nâng cấp để đưa vào kinh doanh du lịch.
Hiện người ta vẫn truyền tai nhau về những bí ẩn xung quanh ngôi biệt thự Phi Ánh này, rằng ở đó có những bức tượng cô gái người Chăm và các bức phù điêu mang đậm nét đặc trưng văn hóa phương Đông như hoa sen, đầu chim. Đây đều là những thứ mang đậm chất phương Đông đang tồn tại một cách khó hiểu trong một biệt thự được xây theo kiến trúc Tây Ban Nha. Điều này dấy lên những thắc mắc rằng liệu đây có phải sản phẩm sau khi Thứ phi Phi Ánh đến ở hay không hay đã có trước đó. Những bí ẩn này vẫn chưa có lời giải.
Vẫn là cảnh sống cô đơn cuối đời
Biến cố xảy đến với cuộc đời bà Phi Ánh là khi Ngô Đình Diệm truất phế Bảo Đại, bà bị tịch thu nhà cửa, gia đình ly tán, bà phải đi bước nữa. Trước đó, bà đã kịp có với Bảo Đại 2 người con một trai, một gái. Cô con gái Phương Minh, lấy chồng Pháp và sang lập nghiệp ở Mỹ sau này.
Bà Phi Ánh chụp ảnh cùng cựu hoàng và Nam Phương hoàng hậu.
Khi đã quen với chồng hai ít lâu, ông này lại vượt biên sang Mỹ và gửi giấy bảo lãnh về, nhưng lúc ấy vì con bà là Bảo Ân đã có gia đình, không đủ điều kiện ra đi nên đành chờ đợi cơ hội mới đến.
Nhưng đời người sống nay chết mai, trong những ngày ngóng tin ấy ở Việt Nam, bà Phi Ánh đã mắc bệnh ung thư và chết trong cô đơn tại Sài Gòn năm 1986 hưởng thọ 61 tuổi.
Theo Tri Thức Trẻ